Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Hồ Nhựt Tâm - chủ tịch liên chi Hội Cột sống TP.HCM - cho biết vẹo cột sống chia thành ba mức độ khác nhau, tùy từng trường hợp để can thiệp và điều trị.
Khi người bệnh chụp X-quang EOS (chụp quang tuyến thấy toàn bộ trục xương của cơ thể), nếu từ 0 - 20 độ là vẹo nhẹ chỉ theo dõi; từ 20 - 40 độ là vẹo trung bình, lúc này cần tập vật lý trị liệu (tập thở, tập dáng đi, dinh dưỡng…), theo dõi sau 6 tháng hoặc hơn; nếu hơn 40 độ thì nên phẫu thuật nắn chỉnh vẹo.
Đối với còng lưng, mức độ còng cho phép tùy từng vùng, người bệnh phải đến bệnh viện kiểm tra. Đối với những trường hợp bị còng lưng nhẹ có thể tập vật lý trị liệu để chỉnh lại dáng đi, nếu còng nặng phải phẫu thuật.
Bác sĩ Tâm cho biết thêm, vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, gây ra dáng đi xấu, gây đau lưng, ảnh hưởng đến tâm lý, đặc biệt là đối với trẻ em nữ.
Nguyên nhân của tình trạng còng lưng, vẹo cột sống đa phần là vô căn (đa số là không có nguyên nhân), chỉ trường hợp nhỏ là do hội chứng Marfan, bẩm sinh…
"Tại Việt Nam, việc đeo đai trị gù lưng hiện nay hiệu quả không cao, đúng nguyên tắc là phải đến bác sĩ đo để làm đai. Nếu sử dụng đai này sai cách có thể dẫn tới gù nặng hơn, loét da, rất nguy hiểm.
Đối với tập vật lý trị liệu phải tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và hướng dẫn các bài tập, không nên tập theo các bài tập hướng dẫn sai trên mạng có thể dẫn đến bệnh nặng hơn", bác sĩ Tâm nhấn mạnh.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo đối với trẻ em, cần chú trọng đến sức khỏe học đường, nhận thức của trẻ chưa đầy đủ do vậy phụ huynh cần phải quan tâm.
Khi thấy con mình có biểu hiện bất thường, lưng trẻ nhô lên cần phải đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám. Cha mẹ càng đưa con đi điều trị sớm thì trẻ càng dễ điều trị hơn.
Tương tự, với gù thường là do viêm cột sống dính khớp, trường hợp gù nhẹ, lưng tôm có thể tập vật lý trị liệu. Nếu thấy đau, mỏi phải tìm đến bác sĩ thăm khám.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận