Vụ Vedan “giết” sông Thị Vải: “Thành công” suốt 14 nămBắt quả tang Vedan xả nước thải ra sông Thị VảiVedan đã phản bội người tiêu dùng!Vedan “giết” sông Thị VảiHoa hậu nhặt rác và dòng nước thải từ VedanSông Thị Vải không còn... thở
![]() |
Họng cống đưa nước thải từ nhà máy Vedan ra sông Thị Vải (tại ấp 1, xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) - Ảnh: Hà Mi |
.............................................
Biện pháp nào đủ mạnh?
* Qua các bài báo nói về dòng sông Thị Vải. Tôi thực sự đau buồn về thảm cảnh cái chết dần của dòng sông Thị Vải. Theo tôi nguyên nhân chính là ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, ở đây là ý thức của tất cả chúng ta. Tại sao tôi lại nói vậy?
Dòng sông Thị Vải chỉ là một cảnh điển hình trong toàn cảnh về môi trường. Chúng ta hãy nhìn xem với đất nước hình chữ S này nơi đâu lại không bị ô nhiễm, nhất là ở những khu vực mà những công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên. Điển hình nhất là ở TP.HCM hầu như kênh rạch, dòng sông nào mà chẳng ô nhiễm. Vậy để cải thiện được điều này trước khi quá muộn chúng ta, nhất là nhà nước phải có chính sách thật cứng rắn ngay từ đầu, ngăn chặn ý đồ bắt đầu hình thành từ trong trứng nước.
Chúng ta hãy xem xét lại chính sách về môi trường của mình và giải quyết phần gốc trước khi giải quyết phần ngọn. Đừng đánh đổi môi trường sống với những dự án như công ty Vedan.
* Quá chậm trễ, tuy đã bắt được quả tang nhưng dòng sông đã chết mất rồi còn đâu. Vậy mà tôi đọc thấy chỉ phạt có 20 triệu đồng. Nghĩ mà xem phạt Vedan 20 triệu có khác gì phạt tôi (một sinh viên chưa đi làm ra tiền) 2.000 đồng. Tôi nghĩ biện pháp thích đáng nhất cho công ty Vedan là phải bồi thường tất cả thiệt hại đã gây ra cho những người nông dân nuôi trồng thủy sản ở hạ lưu sông Thị Vải, phạt tiền tỷ để cải tạo dòng sông và thậm chí là phải đóng cửa nhà máy. Tôi nghĩ đó vẫn còn là quá nhẹ cho Vedan, vì cái gì xảy ra rồi thì có làm gì nữa vẫn không thể như cũ được, những hậu quả nó gây ra bao nhiêu năm nay không thể xóa hết.
Tôi những mong chính phủ ta qua chuyện này sẽ thấy rõ hơn tính nghiêm trọng của vấn đề môi trường, mà đề ra những biện pháp, luật khắc khe hơn chứ không thể để cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đào bới, hủy diệt dần sự sống của chúng ta như thế.
* Khi còn ở quê nhà tôi nhớ công ty bột ngọt Vedan đã từng bị xử lí vì làm ô nhiễm sông Thị Vải, nhưng dường như các cơ quan chức năng chưa nắm bắt được về tác hại của môi trường bị hủy hoại nên xử lý không nghiêm, hoặc khi xử lý theo kiểu "giơ cao đánh khẽ", nên những công ty cỡ lớn với lượng chất độc thải ra vô cùng khủng khiếp vẫn xem thường tác hại với môi trường xung quanh. Hành động nầy còn ngầm mang tính chất xem thường pháp luật Việt Nam, kể cả những người có trách nhiệm thực thi pháp luật.
Nên chăng nhà nước cần mạnh tay hơn để tạo sự công bằng trong mọi tầng lớp xã hội chứ không nên cả nể vì đó là một công ty lớn hoặc là công ty đầu tư của nước ngoài!
* Mức chế tài mạnh là phải làm thế nào để các doanh nghiệp biết rằng nếu làm sai thì thiệt hại sẽ phải gánh lớn hơn lợi nhuận mà họ đạt được trong các năm vi phạm. Tôi cho rằng Vedan phải công bố vi phạm trên các hệ thống truyền hình truyền thanh, tất cả các danh hiệu, những quảng cáo sai sự thật trong khoảng thời gian đó đều phải được xem xét và xử lý lại, tất cả chi phí cho việc đó Vedan phải hoàn toàn chịu. Vedan còn phải công bố xin lỗi trước dư luận cả nước.
Tác động do Vedan gây ra không nhỏ, mà đã kéo dài 14 năm thì đó không thể chỉ phạt đơn thuần bằng tiền. Rất mong các cơ quan quản lý nên đặt nặng vấn đề môi trường và tính răn đe để đưa ra "phương án chế tài" thật sự "cứng rắn" đối với Vedan.
* Sau khi đọc thông tin về việc Công ty VEDAN VN hàng ngày thải ra sông 4.000 m3 nước thải /ngày .Chúng tôi càng giựt mình hơn khi khung hình phạt vụ việc nầy "Có thể lên đến ... 500.000.000 đồng".Có nghĩa là khoảng 30.000 USD (vì là công ty nước ngoài nên chúng tôi xin tạm chuyển đổi ra ngoại tệ để chúng ta cùng nhận ra sự việc). Nếu chi phí cho 1m3 nước thải bằng một số tiền khiêm nhượng tại VN là 16.000 VNĐ/m3 = 1USD/m3 thì 4.000(m3) x 365 (ngày) x 14 (năm) = 20.440.000 m3 ( hai mươi triệu bốn trăm bốn mươi ngàn USD).
Chỉ riêng nước thải họ đã có lợi nhuận 20.440.000 USD trong 14 năm. Đến đây thì chúng tôi xin nhượng quyền suy nghĩ và nhận xét sự việc cho Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vì không khéo đây là tiền đề hay tiền lệ cho các nhà đầu tư ngoại quốc có tư tưởng giống như tập đoàn VEDAN
* Tôi rất bất bình việc công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lí ra sông Thị Vải. Tôi thiết nghĩ cần phải xử lí thật nghiêm để làm gương cho các đơn vị nào coi thường luật pháp VN và thể hiện sự cương quyết của chính quyền tỉnh trong việc làm trong sạch hóa môi trường sống cũng như để góp phần trong việc làm trong sạch môi trường mà cả thế giới đang lên tiếng cảnh báo.
Việc xử lí nghiêm minh của tỉnh còn là mang một ý nghĩa là nhà nước ta không vì mục đích kinh tế mà hủy hoại môi trường sống của hàng vạn con người đang phải sống nhờ vào nguồn nước. Việc xử lí nghiêm minh thể hiện lòng tin cậy của người dân vào chính sách làm lành mạnh hoá môi trường sống mà chinh phủ đang rất đề cao.
* Sau khi đọc bài báo trên, một cảm xúc tức giận và tủi hổ tràn ngập trong tim mình. Tức giận trước những hành vi xem thường pháp luật về bảo vệ môi trường tự nhiên của công ty Vedan tại nơi mình đầu tư kinh doanh. Tủi hổ vì nước chúng ta còn nghèo, còn những công ty, những cá nhân tiếp tay cho hành vi lén lút thiết kế hệ thống bơm xả nước thải...
Chúng ta là nước đang phát triển, chúng ta cần vốn đầu tư nước ngoài và những cơ hội tạo công ăn việc làm, nhưng có lẽ chúng ta cần hơn là một môi trường sống tự nhiên thân thiện và gần gũi con người. Bởi vì về kinh tế chúng ta xuất phát điểm chậm hơn, môi trường sống tự nhiên của chúng ta cần bảo vệ hơn, cố tránh trở thành "bãi rác công nghệ" hay "bãi đáp của những ngành công nghiệp gây ô nhiễm" của các quốc gia khác. Chúng ta tôn trọng các nhà đâu tư thật sự mong muốn có sự phát triển bền vững giữa bản thân họ và đất nước họ đến đầu tư.
Với một chút trách nhiệm với quê hương, tôi tha thiết kêu gọi tất cả những trái tim và khối óc yêu chuộng cuộc sống vững bền hãy chung tay nhau đoàn kết phản đối những hành vi phá hủy nghiêm trọng bằng chính những hành động của chính bản thân mình. Chúng ta có thể nào tiêu dùng một sản phẩm mà để làm ra nó, nhà sản xuất đã hủy hoại môi trường sống tự nhiên của chúng ta một cách lén lút và xem thường luật pháp của chúng ta?
* Tại sao chúng ta phải nói và kêu gọi phải xử lý nghiêm vụ Vedan? Vedan vi phạm như thế nào thì phải xử lý theo mức độ vi phạm - theo luật môi trường Việt Nam, chúng ta không nên tranh luận cũng như bàn cãi về vấn đề này nữa. Vedan đương nhiên phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ vi phạm. Hơn nữa, là một người dân tôi là người có thề là đầu tiên không sử dụng các sản phẩm của công ty này sản xuất và phân phối trên thị trường, để phản đối hành động làm hại môi trường của công ty này.
Tẩy chay sản phẩm của công ty vi phạm là một đòn mạnh và có ảnh hưởng lâu dài đối với một công ty và có tính chất răn đe khá hiệu quả.
Tôi mong các cơ quan chức năng thực hiện tốt công việc của mình, trả lại màu xanh (nhiều nhất có thể) cho môi trường, Vedan phải chịu hình phạt theo pháp luật do vi phạm pháp luật, và để cho người tiêu dùng và người dân được hãnh diện sử dụng sản phẩm của Vedan.
* Sau khi đọc bài về công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải, tôi cũng xin có một số ý kiến như sau: Đối với môi trường trước mắt và lâu dài, về mặt kinh tế, du lịch... thì ai cũng biết được hậu quả không chỉ với Thị Vải, Cần Giờ mà sẽ còn khắp các tỉnh lân cận theo hệ thống sông rạch nếu các công ty xả chất thải không qua xử lý. Tuy nhiên về việc áp dụng mức phạt theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm là quá thấp, chỉ áp dụng theo khung, không đủ để răn đe nên doanh nghiệp cứ ung dung nộp phạt và tiếp tục vi phạm.
Còn việc chuyển từ vụ án hành chính qua xử lý hình sự thì gặp nhiều khó khăn trong việc xác định trách nhiệm thuộc về ai, cá nhân hay tổ chức sẽ bị xử lý... và từ trước đến nay những vụ án như thế này là không nhiều.
Nên chăng áp dụng mức phạt cao (như áp dụng đối với xây nhà trái phép) hoặc những người tiêu dùng phải có hành vi tác động tương xứng đối với các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ không những đối với công ty Vedan mà các doanh nghiệp khác có hành vi vi phạm.
Cách thiết thực nhất: tẩy chay
* Vấn đề gây ô nhiễm môi trường của công ty TNHH VEDAN Việt Nam đã rõ ràng. Qua những thông tin gần đây trên các báo đài, hành động hủy hoại môi trường sống sông Thị Vải là hành vi cố ý vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, với những quy định xử phạt hiện nay của Luật bảo vệ môi trường, theo ý kiến riêng của cá nhân tôi, không đủ sức mạnh răn đe và ngăn ngừa các hành động tương tự.
Do đó, đề nghị người dân hãy tẩy chay các sản phẩm của công ty TNHH Vedan Việt Nam. Việc tẩy chay sản phẩm của Vedan sẽ có các tác dụng:
+ Nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường
+ Gây áp lực đối với Vedan (nói riêng) và với các doanh nghiệp (nói chung)
Mỗi người hãy chung tay bảo vệ đất nước tươi đẹp, đừng vị lợi ích trước mắt mà đánh đổi bằng tương lai con em chúng ta.
* Thật ra chuyện Vedan xả nước thải nguy hại ra sông Thị Vải đã được báo chí đề cập từ nhiều năm nay song vấn đề xử lý của cơ quan chức năng thật sự "có vấn đề". Chúng ta tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư vào Việt Nam làm ăn nhưng không thể vì thế mà chấp nhận việc làm gây hại cho môi trường cho con người. Chúng ta chỉ xử lý "giơ cao đánh khẽ" không có tính răn đe và làm gương, vì vậy đã tạo sự xem thường luật pháp của nhiều công ty. Tôi đề nghị phạt thật nặng công ty Vedan, nếu không khắc phục có thể người tiêu dùng sẽ tẩy chay bột ngọt Vedan.
* Công ty Vedan là một công ty lớn, đúng ra họ phải nhận thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình hơn ai khác. Nhưng trên thực tế qua các bài báo, tôi nghĩ công ty Vedan đã quá coi thường pháp luật Việt Nam. Một hành động phá hoại môi trường khủng khiếp, bất chấp hậu quả về sau với mục đích làm lợi riêng.
Và quan trọng hơn hết, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về ban lãnh đạo công ty. Bởi phải có sự chỉ đạo từ ban lãnh đạo thì mới có sự hiện diện của một hệ thống bơm xả ngầm nước thải chưa qua xử lý vào sông Thị Vải.
Là công dân đang sống trong một đất nước mà tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải thật nghiêm minh xử lý vụ việc này. Ít nhất cũng ngăn chặn được một đơn vị vì lợi ích riêng mà phá hoại môi trường sống. Xa hơn nữa là răn đe được những ai đang và sẽ có hành vi phá hoại môi trường sống. Ngoài ra để trừng phạt hành vi phá hoại môi trường sống và coi thường pháp luật của công ty Vedan, tôi kêu gọi người tiêu dùng hãy tẩy chay sản phẩm của công ty Vedan.
* Tôi chỉ có một câu hỏi gửi tới mọi người dang quan tâm đến vấn đề ô nhiễm sông Thị Vải : cảm giác bột ngọt - bột canh Vedan có làm cho mùi vị thức ăn thêm ngon như trong quảng cáo hàng ngày hay không ? Riêng tôi, xem tivi trong bữa ăn tối là một thói quen, tôi chỉ thấy toàn vị đắng, vị đắng của sự quản lý thiếu kiên quyết dẫn đến hậu quả ngày hôm nay. Vị đắng từ sự nhẫn tâm của một tập đoàn đầu tư lớn đối với môi trường của chúng ta ngày hôm nay và cả đối với thế hệ mai sau. Cái giá mà đất nước chúng ta đang trả có đáng với những gì mà những nhà đầu tư thiếu trách nhiệm mang tới cho nền kinh tế chúng ta không?
Tôi mong chờ sự xử lý thích đáng trường hợp này và các trường hợp tương tự. Kể từ nay, chắc chắn sẽ không bao giờ có bất kỳ sản phẩm Vedan trong bếp nhà tôi nữa. Ít ra theo tôi nó cũng sẽ hạn chế bớt ô nhiễm cho sông Thị Vải.
* Việc làm của Công ty Vedan từ 14 năm nay chứng tỏ họ đã có một chủ trương xuyên suốt từ trên và thể hiện thái độ vô trách nhiệm và xem thường luật pháp Việt Nam. Tôi chưa biết các cơ quan chức năng xử lý họ đến mức nào hay chỉ lại là xử phạt hành chính vài chục triệu đồng. Tuy nhiên tôi kêu gọi những nguời dân Việt Nam, hiện đang là khách hàng của Vedan thể hiện quan điểm của mình bằng cách tẩy chay sản phẩm Vedan. Đó là cách thức thiết thực nhất gửi đến công ty Vedan.
* Theo tôi vụ công ty Vedan xả nước thải trực tiếp không qua xử lý xuống sông Thị Vải cần phải truy tố trước pháp luật nhất là người đứng đầu. Cần có hình phạt thích đáng để làm gương cho những nhà máy xí nghiệp đang và dự định hủy hoại môi trường sống của chúng ta. Theo luật hình sự của nước ta, tội cố gây hại người khác bị phạt tiền và ngồi tù đến chung thân hoặc cao hơn. Còn đối với công ty Vedan, phá hủy môi trường đồng nghĩa phá huỷ một cộng đồng, tội đó không thể xử phạt bằng vài triệu được.
Tôi đề nghị chúng ta tẩy chay hàng Vedan nếu như Vedan không đưa ra lời xin lỗi và có những giải pháp cải thiện môi trường sông Thị Vải. Chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
* Vấn đề VEDAN gây ô nhiễm môi trường là quá rõ, theo tôi nghĩ thì cần phải làm những việc sau đây để hạn chế và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay:
- Trước mắt theo luật phải xử lý Vedan theo mức khung cao nhất vê gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài thì nước ta nên sớm thay đổi về luật và nên có chế tài phạt thật nặng. Nhà nước cần ban hành luật chặt chẽ hơn và có chế tài xử lý thật nặng. Doanh nghiệp đã thu được một khoản lợi nhuận kết xù rồi thì xá gì một chút tiền phạt và tiếp tục hứa khắc phục.
- Hiệp hội người tiêu dùng phải lên tiếng và tẩy chay dùng hàng đối với những sản phẩm tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường. Về sau thì tất cả các hàng tiêu dùng thực phẩm ít nhất phải thỏa mãn hai điều kiện: + Về vấn đề vệ sinh. + Về vấn đề môi trường khi sản xuất ra nó.
Bao giờ sông Thị Vải hồi sinh?
* Từ năm 1995, ba tôi làm đập nuôi tôm trên sông Thị Vải theo hợp đồng thuê mặt nước với Lâm trường Long Thành. Lúc đó, nước sông còn trong xanh, chúng tôi có thể bơi trong đó. Buổi tối, dưới ánh đèn, những giọt nước sánh lấp lánh như châu, không khí trong lành. Cả nhà chúng tôi sống quây quần trong căn chòi lá cất trên bờ đập. Vào mùa thu hoạch, cả khúc sông rộn ràng, nhộn nhịp ghe xuồng. Đêm đêm, ánh đèn của những ghe đi bắt cua sáng rực...
Một vài năm sau, cua không thể sống nổi vì nước bị ô nhiễm. Cá đối hết dần. Chỉ còn lại con tôm sú sống cầm cự. Một vài ngày trong tuần, nước sông có màu đỏ sậm, gió đưa đến một thứ mùi hôi thối rất khó chịu. Ai cũng biết, đó là lúc Vedan xả nước thải. Người đánh bắt tôm cá trên sông thưa dần. Họ chuyển lên bờ đi làm công nhân cho các công ty ở KCN Nhơn Trạch... Đến năm 2001, ba tôi không còn nuôi tôm được nữa vì sông Thị Vải trông như một cái hồ chứa dầu hắc.
Khi nuôi tôm, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường - bảo vệ rừng. Chúng tôi phải bảo tồn cho đủ số cây đước có trong đập. Mỗi một cây bị chết hay bị chặt, chúng tôi sẽ bị phạt, và trồng lại cây khác thay vào. Trong khi đó, gần 20 năm qua, Vedan đã hủy diệt cả một con sông. Bao nhiêu gia đình sống nhờ vào con sông đó trở nên điêu đứng.
Bao giờ thì sông Thị Vải hồi sinh?
* Tôi là một người Mỹ gốc Việt và tôi rời nước Việt Nam từ nhỏ. Tôi nhớ khi tôi còn 12 tuổi thì vẻ đẹp tự nhiên của đất nước ta và vệ sinh môi trường của nước ta thời bấy giờ rất là tốt. Nhưng sau nhiều chuyến công tác về nước, tôi thấy đất nước ta không còn như xưa nữa. Có rất nhiều đổi mới và phát triển để đưa nước Việt Nam lớn hơn, mạnh hơn, và vững hơn. Nhưng theo đó thì vẫn tình trạnh ô nhiễm môi trường cũng tăng một cách rùng mình. Đối với hành vi cố ý vi phạm pháp luật của công ty Vedan, tôi mong toàn dân cùng với cơ quan chức năng hãy xử lý nghiêm túc theo luật hình sự của nước Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận