02/08/2021 10:24 GMT+7

Về vùng đất khó lập nghiệp

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO -15 năm trước, Trần Anh Tuấn (sinh 1983, tốt nghiệp khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) chọn trở về Quảng Ngãi lập nghiệp.

Về vùng đất khó lập nghiệp - Ảnh 1.

Kỹ sư 8X Trần Anh Tuấn trong đời thường - Ảnh: H.TOÀN

Đến nay, quyết định ngày nào nhận về nhiều lời trầm trồ trước những thành quả anh tạo dựng được trên chính mảnh đất quê hương.

"Cái hay của quyển sách Về quê lập nghiệp là cuối cùng, người đọc sẽ hiểu được bất cứ ai cũng có khả năng thành công mà chẳng cần phải mượn quá nhiều tiền, chẳng cần phải rình rập một bí quyết hay mua chuộc một mô hình, mà cứ để hệ sinh thái thuận tự nhiên tạo ra chính mình. Dĩ nhiên với điều kiện chúng ta hiểu được rằng mọi thứ phải xuất phát từ sự nỗ lực, phấn đấu của trí tuệ để xứng đáng phần thưởng nhận về.

GS PHAN VĂN TRƯỜNG (nguyên cố vấn Chính phủ Pháp)

"Tôi thích tập trung làm kỹ thuật, nghiên cứu. Những doanh nghiệp tôi tạo dựng bao năm qua chỉ mong muốn tạo được công ăn việc làm, tạo ít nhiều giá trị cho các bạn trẻ khác, còn phần tôi dễ ăn, dễ sống và luôn thấy mình còn bé nhỏ lắm", gương mặt kỹ sư hiện là người sáng lập một trung tâm thể thao lớn tại Quảng Ngãi vừa tham gia điều hành hai công ty về năng lượng mặt trời và thủy điện với hơn 700 lao động bộc bạch.

Lập nghiệp ở quê dễ mà khó

Là gương mặt điển hình thành công trong nhiều lĩnh vực, nhưng Anh Tuấn có bề ngoài gầy guộc, gương mặt đen đúa có phần lớn hơn tuổi thật.

"Chắc vì tôi lớn lên từ cái khổ, từ vùng đất có muôn vàn khó khăn và thời tiết khắc nghiệt", anh cười nói.

Trở về quê hương năm 2006, Anh Tuấn làm việc thời gian dài tại một công ty dầu khí, trải qua các vị trí từ nhân viên đến cấp quản lý trước khi quyết định tự khởi nghiệp. Năm 2011, anh sáng lập dự án Trung tâm thể thao cộng đồng Trần Phú (Tuấn Minh Sport) với diện tích gần 10.000m2 ở Quảng Ngãi.

Từng quyết tâm phải vào "thành phố không ngủ" để học với khát khao đổi đời cho chính mình lẫn gia đình, Anh Tuấn sau đó lại chọn bỏ phố về quê gầy dựng sự nghiệp vì nhận ra rằng ở Sài Gòn quá nhiều người tài tụ họp, anh sẽ khó thể tạo ra được nhiều giá trị bằng ở quê nhà.

Mọi người thường nghĩ là làm việc, lập nghiệp ở quê sẽ đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều so với các thành phố lớn. Cá nhân Anh Tuấn cho rằng ở đâu cũng có cái khó và thử thách nhất định.

"Chẳng hạn tôi có nhiều người bạn học rất giỏi, nhưng bao năm qua vẫn ở trọ nay đây mai đó tại Sài Gòn, chưa tích lũy được gì, dù có thể họ đang có môi trường làm việc tốt, cạnh tranh cao. 

Còn việc lập nghiệp ở quê thì nhịp sống đúng là chậm, nhiều thời gian rỗi nhưng ngược lại dễ khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy an nhàn, kiến thức dễ mai một và không có cú hích vươn lên", Anh Tuấn chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân. 

Và anh đã làm việc ngày đêm để có được "quả ngọt" như hiện tại.

Nói về thất bại có ý nghĩa với bản thân trong hành trình lập nghiệp, Anh Tuấn khẳng định "rất nhiều!". Chẳng hạn như dự án đặc sản Quảng Ngãi, anh trăn trở với bài toán giới thiệu nông sản, đặc sản của địa phương nhưng trầy trật gần 8 năm, "đập đi xây lại từ đầu" 3 lần đến nay vẫn chưa xong. Anh từng trĩu nặng lòng và mệt mỏi, thấy cô đơn cùng cực trong khoảng thời gian dài.

Dẫu vậy anh hiện không coi thất bại là tiêu cực nữa, chỉ tập trung làm việc thật tốt và coi đó là một phép thử để loại trừ dần những lựa chọn chưa phù hợp, từ đó bóc tách ra cái tốt và khả thi nhất.

Đau đáu câu chuyện phổ cập bơi cho trẻ

Bận rộn với công việc nghiên cứu và điều hành, Anh Tuấn vẫn không quên nỗi đau đáu trong mình bao năm qua là phổ cập bơi cho trẻ em. Năm 2016, dự án "Hồ bơi lắp ráp" được anh cho ra đời và tính đến hiện tại đã dạy bơi cho hơn 2.000 trẻ em địa phương (miễn phí cho trẻ nghèo). Nhưng Anh Tuấn có tham vọng con số trong tương lai là 10.000 trẻ.

Anh Tuấn cho biết bản thân là người không giỏi trong việc đi vận động, gây quỹ nên ở hầu hết các dự án cộng đồng, anh chọn hướng "tự thân vận động" trước. Để hiện thực hóa giấc mơ trên, lần này anh quyết định viết sách và dành tiền tác quyền cũng như các nguồn thu khác từ dự án sách Về quê lập nghiệp cho quỹ phổ cập bơi.

Vì sao lại là viết sách khi anh tự nhận bản thân học văn rất tệ? Anh Tuấn cho biết lý do đầu tiên là anh viết để rèn tư duy. Mỗi buổi sáng tầm 5h anh đều thức dậy để tập viết trên trang cá nhân. Bên cạnh đó, anh muốn bước ra khỏi "vòng tròn an toàn" trong lĩnh vực viết, chưa kể đây lại là cơ hội góp phần giúp các bạn trẻ có thêm "hành trang" khi chọn lập nghiệp tại quê nhà.

"Để viết được cuốn sách 300 trang này, tôi đã tốn tổng cộng 7 năm vì gặp nhiều vấn đề về kỹ năng viết, chưa kể lịch làm việc dày đặc. Nhưng tôi tin đây là "đứa con" đáng để yêu thương vì được đúc kết từ tình cảm đặc biệt với quê hương, từ hoài bão thời tuổi trẻ và trải nghiệm chân thực sau 15 năm lập nghiệp nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình", Anh Tuấn chia sẻ.

Tạo dựng nhiều hoạt động giao lưu thể thao

Năm 2016, dự án "Hồ bơi lắp ráp" của trung tâm trên phối hợp với UBND tỉnh, Sở Văn hóa - thể thao Quảng Ngãi tổ chức thành công chương trình giao lưu "Bơi cùng Ánh Viên" nhằm phát động phong trào dạy và học bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm tiếp tục đồng hành với UBND tỉnh mời HLV Park Hang Seo tham gia giao lưu với người dân nơi đây, nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng.

Chàng trai Tày lập nghiệp từ trà cổ Chàng trai Tày lập nghiệp từ trà cổ

TTO - Sinh ra và lớn lên từ bản làng giáp biên, tuổi thơ của cậu bé người Tày Hà Ngọc Châm (nay là phó bí thư Đoàn xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã gắn bó với núi rừng, với những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên