09/09/2016 09:32 GMT+7

Vẽ truyện tranh để truyền tải tâm tư, nguyện vọng người lớn

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TTO - Sau lần đầu tổ chức thành công thu hút hàng nghìn độc giả tham dự, Lễ hội truyện tranh Việt Nam lần thứ hai (Vietnam Comics Day 2016) trở lại với công chúng vào ngày 11-9 tại Hà Nội.

Biên kịch Nguyễn Khánh Dương (hàng ngồi, thứ tư từ trái qua) cùng các họa sĩ trẻ tại Vietnam Comics Day 2015 - Ảnh: Comicola
Biên kịch Nguyễn Khánh Dương (hàng ngồi, thứ tư từ trái qua) cùng các họa sĩ trẻ tại Vietnam Comics Day 2015 - Ảnh: Comicola

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với biên kịch Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola.

* Lần thứ hai Comicola tổ chức Vietnam Comics Day 2016 sẽ mang đến cho độc giả điều gì mới mẻ?

- Lần đầu tổ chức Vietnam Comics Day 2015, tôi hay nói vui với anh em đó là một cuộc biểu dương lực lượng. Trước Vietnam Comics Day 2015, chúng tôi phát triển theo chiều rộng, có nghĩa là cố gắng ra càng nhiều đầu truyện càng tốt, giới thiệu đến độc giả càng nhiều tác giả mới càng tốt.

Vietnam Comics Day 2015 như một buổi tổng kết, để chúng tôi chứng minh với công chúng “Việt Nam có thể làm được truyện tranh và đó là chúng tôi”.

Vietnam Comics Day 2016 thì khác, không đi theo chiều rộng mà đi theo chiều sâu. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến với độc giả những thành tựu mà một năm vừa qua chúng tôi khai thác được: giải thưởng Truyện tranh quốc tế của Long Thần Tướng; dự án Hoa Văn Đại Việt - một dự án với mục tiêu không chỉ hướng tới thị trường truyện tranh; các dự án đào tạo truyện tranh hè 2016 với mong muốn tạo ra một thế hệ kế cận; các sản phẩm để “tạo ra một hệ sinh thái truyện tranh”...

Nếu năm đầu tiên chúng tôi chứng minh truyện tranh Việt Nam có tồn tại, năm nay chúng tôi mong muốn cho độc giả thấy chỉ cần được đầu tư rất nhỏ thôi, truyện tranh Việt Nam cũng có thể phát triển...

* Thời gian vừa qua xuất hiện khá nhiều tác giả truyện tranh trẻ ở Việt Nam với nhiều tác phẩm đến được với công chúng. Những tác giả trẻ đang có vai trò như thế nào với việc định hình nền truyện tranh Việt Nam đương đại?

- Các tác giả trẻ có lợi thế là họ có sức sáng tác tốt, rất nhanh nhạy với các phong cách sáng tác truyện tranh ăn khách trên thế giới. Họ có trình độ thể hiện rất tốt.

Như tôi vẫn thường nói trong các loại hình nghệ thuật ở Việt Nam, truyện tranh sẽ trở thành loại hình nghệ thuật mà chất lượng sản phẩm của người Việt rất gần với tiêu chuẩn thế giới. Điều này có được là do nghệ sĩ truyện tranh ở Việt Nam hiện giờ đang có trình độ rất cao.

Không phải ngẫu nhiên, những cuộc thi truyện tranh online trên thế giới hiện nay sản phẩm của người Việt đoạt giải thưởng lớn xuất hiện rất nhiều. Cuộc thi Silent Manga năm vừa rồi, người Việt chiếm vị trí trong cả ba giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

* Vậy điều gì đang là rào cản đối với sự sáng tạo của các họa sĩ truyện tranh trẻ Việt Nam?

- Rào cản lớn nhất là quan niệm “truyện tranh cho trẻ con” của các đơn vị nắm quyền xuất bản hiện nay.

Truyện tranh là một hình thức thể hiện nghệ thuật. Trên thế giới, không có đất nước nào coi truyện tranh là cho trẻ con. Tại các ngày hội truyện tranh (ComicCon) ở Mỹ, Nhật, Anh, Đức... lứa tuổi chủ yếu đến xem là lứa tuổi trưởng thành - 20-35 tuổi.

Nếu truyện tranh chỉ là dành cho trẻ con, tại sao các bộ phim bom tấn chuyển thể từ truyện tranh Mỹ luôn đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu nhiều năm gần đây?

Quan niệm kỳ lạ và sai lầm này của các đơn vị xuất bản dẫn tới thực trạng mà chúng tôi đang phải đối mặt: các tác phẩm truyện tranh cho người trưởng thành của tác giả Việt Nam rất khó xuất bản do “ngại”.

Bốn năm trước, họa sĩ Thành Phong đã gặp rất nhiều luồng dư luận với tác phẩm Sát thủ đầu mưng mủ.

Nếu tại thời điểm đó họa sĩ Thành Phong không vững vàng, đứng lên bảo vệ sản phẩm của mình, có lẽ rằng chúng ta không có được một họa sĩ Việt Nam đầu tiên đoạt giải bạc của cuộc thi truyện tranh uy tín nhất thế giới vào đầu năm nay.

Tôi thật sự hi vọng các đơn vị quản lý hãy có cái nhìn công tâm với tác phẩm truyện tranh cho người lớn mà chúng tôi sẽ làm trong thời gian tới.

Truyện tranh của chúng tôi không hướng tới đối tượng quá nhỏ tuổi. Chúng tôi là những người trẻ (cuối 8X, đầu 9X), nên chúng tôi làm truyện tranh để truyền tải tâm tư, nguyện vọng của lứa tuổi chúng tôi. Độc giả của chúng tôi là những người bạn bằng và hơn tuổi.

Nếu quan niệm truyện tranh là dành cho trẻ con, lớp họa sĩ mới này chắc chắn khó có thể sáng tác tiếp.

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên