Theo đại diện JICA tại Hà Nội, 36 thạc sĩ ngành Công nghệ vệ tinh của Việt Nam đã được đào tạo tại Nhật Bản để chuẩn bị nguồn nhân lực phát triển vệ tinh. Đội ngũ này với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu, chế tạo thành công vệ tinh thử nghiệm MicroDragon (50 kg).
Các cán bộ kỹ thuật của VNSC nghiên cứu chế tạo vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản - Ảnh: VNSC
Đó là một trong những kết quả đạt được của dự án Dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất" sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam được thực hiện từ năm 2011 do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) thực hiện.
Trong khuôn khổ dự án này, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng sẽ thực hiện một mục tiêu lớn nhất là chế tạo và phóng Vệ tinh LOTUSat-1 và xây dựng công trình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: việc xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở thiết bị công nghệ cho phép chúng ta chủ động thu thập liên tục dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám để có thể giám sát đất nước liên tục sẽ góp phần trực tiếp để Việt Nam chủ động phòng chống, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và thảm họa do con người, đồng thời giám sát quản lý tài nguyên, cơ sở hạ tầng; giám sát biển và các hoạt động trên biển…
Theo các chuyên gia, hiện nay muốn chụp ảnh một khu vực nào đó chúng ta phải đặt hàng, sau đó ít nhất 2 ngày mới nhận được, còn nếu chúng ta có vệ tinh quan sát trái đất riêng, mọi việc sẽ được hoàn tất chỉ trong vòng 6-12 tiếng đồng hồ.
Hệ thống vệ tinh quan sát trái đất đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam triển khai trong khuôn khổ dự án này sẽ đảm bảo việc quan sát trái đất trong trường hợp thảm họa khẩn cấp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu, xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường.
Đồng thời dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai, nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
"Do làm chủ vệ tinh nên ta có thể chủ động thu thập thông tin và chủ động tăng tần suất theo dõi, chủ động về dữ liệu trong các tình huống khẩn cấp, giảm bớt thiệt hại, góp phần bảo đảm cuộc sống an toàn và sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu"- PGS.TS Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Vệ tinh MicroDragon đã sẵn sàng để phóng lên vũ trụ - Ảnh: VNSC
Để hoàn thành mục tiêu này, Dự án đã lựa chọn sử dụng vệ tinh radar có khẩu độ tổng hợp (SAR) với độ phân giải mặt đất cao từ 1m đến 16m cùng Hệ thống trạm mặt đất thu nhận, xử lý và ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh.
Hệ thống vệ tinh SAR là hệ viễn thám dùng cảm biến chủ động với những ưu điểm như không phụ thuộc vào nguồn sáng mặt trời, cho khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm, tăng gấp đôi hiệu suất quan sát trái đất so với vệ tinh dùng cảm biến quang học (chỉ chụp ban ngày).
Vệ tinh cũng có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu. Đặc điểm này đặc biệt hiệu quả ở Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung do đặc điểm khí hậu nhiệt đới hầu hết thời gian bị che phủ bởi mây và mù, đặc biệt khả năng quan sát sẽ cực kỳ hạn chế khi có thiên tai, cũng là lúc mây mù thường xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận