19/04/2014 06:23 GMT+7

"Vệ sinh" bảo vật quốc gia

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - “Lòng văn bia nham nhở như mặt giặc” - nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương đã phải thốt lên như vậy khi nhìn thấy tấm bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý.

4JBlZGwH.jpgPhóng to
Bia Sùng Thiện Diên Linh “bị thương” với những vết xước nham nhở trên bề mặt - Ảnh: Hà Hương

Bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý (được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) là bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận cuối năm 2013. Để chuẩn bị lễ đón nhận danh hiệu vào ngày 18-4, tấm bia quý giá đã được tiến hành tân trang. Kết quả của công cuộc vệ sinh này làm mặt bia đá nham nhở, những vết xước ăn vào thớ đá và làm mờ đi phần chữ được khắc gần 1.000 năm trước.

Nghìn năm bia đá cũng mòn nhưng có lẽ chừng đó năm tháng cũng không bằng một lần “vệ sinh” đón danh hiệu. Những người ở xung quanh chùa cho biết trước đó mấy ngày, các tốp thợ đã cạo sạch sẽ toàn bộ rêu phong trên tấm bia Sùng Thiện Diên Linh và các tấm bia ghi công đức từ thời Lê, Nguyễn đặt xung quanh. Sau cuộc vệ sinh đó, bảo vật quốc gia dĩ nhiên trông sạch sẽ hơn nhưng những vết cào xước hằn lên trên thớ đá. Trán bia do chính vua Lý Nhân Tông ngự bút bằng lối chữ phi bạch cũng nổi rõ dấu vết kỳ cọ, chà xát. Sau quá trình vệ sinh, có người còn dùng vật sắc nhọn đồ lại chữ khiến tấm bia trở nên nham nhở hơn bao giờ hết. Thậm chí những họa tiết mây khắc ở cạnh bia đã gần như bị xóa sổ, không có khả năng phục hồi.

Đã từng khảo sát tại chùa Long Đọi Sơn cách đây hai tháng, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử (Viện Nghiên cứu tôn giáo) cho biết thật sự bị sốc khi nhìn thấy “thảm cảnh” hiện nay của những tấm bia. “Tôi nghĩ việc vệ sinh không nên làm vì tổn hại đến bia cổ và thật sự đó là việc không cần thiết” - nhà nghiên cứu này chia sẻ.

Về việc “vệ sinh” bảo vật quốc gia, ông Trần Quốc Hùng (giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nam) khẳng định: “Cái đó là sai rồi!”. Theo ông Hùng, tỉnh và sở không hề có chủ trương này. Cũng trong chiều 18-4, ông đã làm việc với phòng nghiệp vụ văn hóa, bảo tàng và thanh tra văn hóa để làm rõ những vi phạm đối với bia Sùng Thiện Diên Linh. Ông Hùng cho biết: “Vào tuần tới, sở sẽ có văn bản gửi huyện Duy Tiên yêu cầu làm rõ những vấn đề này. Hiện nay, không biết ai chỉ đạo, đơn vị nào thi công vì mọi việc tổ chức đều giao cho huyện thực hiện”.

Bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng năm 1121 vào thời Lý, bài văn bia do đại thần Nguyễn Công Bật viết. Bài văn bia dài hơn 4.000 chữ với các nội dung bàn về Phật pháp, ca ngợi công đức vua Lý Nhân Tông trị vì đất nước, xây dựng chùa chiền và phát triển nghệ thuật. Đây cũng là một trong những tấm bia sớm nhất đề cập đến nghệ thuật múa rối nước, việc xây dựng chùa Diên Hựu, lễ hội đèn Quảng Chiếu thời Lý... Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, văn bia Sùng Thiện Diên Linh hội tụ đủ tinh hoa bút pháp văn chương thời Lý.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên