25/07/2022 14:12 GMT+7

Về miền Tây, thưởng thức đặc sản 'hủ tiếu ngũ sắc' vừa dai vừa mềm

T. LŨY
T. LŨY

TTO - Về miền Tây Nam Bộ, bạn khó thể bỏ qua hủ tiếu - món ăn được chế biến từ các loại gạo đặc sản xứ này. Đặc biệt về xứ Cần Thơ “gạo trắng nước trong”, trải nghiệm các lò làm hủ tiếu truyền thống, thưởng thức "pizza hủ tiếu", "hủ tiếu ngũ sắc"...

Về miền Tây, thưởng thức đặc sản hủ tiếu ngũ sắc vừa dai vừa mềm - Ảnh 1.

Để làm ra những cọng hủ tiếu vừa dai, vừa mềm thì khâu xay và pha bột là rất quan trọng - Ảnh: D.KHÔI

Khi đến Cần Thơ du lịch, lâu nay du khách ít khi bỏ qua tour tham quan chợ nổi Cái Răng, tham quan trải nghiệm ăn uống ở lò hủ tiếu Sáu Hoài (rạch Rau Răm, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)…

Lò hủ tiếu từ lâu đã nổi tiếng với món "pizza hủ tiếu", được du khách rất yêu thích. Gần đây, ông Sáu Hoài nghĩ ra việc tạo sắc màu cho hủ tiếu bằng nguyên liệu cây lá sẵn có, tạo nét mới cho hủ tiếu truyền thống.

Những sợi hủ tiếu trắng ngà truyền thống, nay có đủ sắc màu hòa quyện, nhìn thôi khách đã thấy thèm.

Với truyền thống 3 đời làm nghề sản xuất hủ tiếu, lò hủ tiếu của gia đình ông Huỳnh Hữu Hoài (Sáu Hoài) là một trong những lò sản xuất và cung cấp hủ tiếu đặc biệt ở Cần Thơ, được nhiều du khách biết đến.

Ngoài sản xuất hủ tiếu, ở đây còn có sân để phơi hủ tiếu dưới ánh sáng tự nhiên. Các công đoạn, thiết bị làm hủ tiếu ở đây vẫn giữ nét truyền thống thủ công, là nét độc đáo của làng nghề để cho ra đời sợi hủ tiếu mềm, dai và giữ được vị ngọt đậm đà của gạo đặc sản.

Theo ông Sáu Hoài, để hủ tiếu ngon thì khâu chọn gạo và pha chế bột là rất quan trọng, đòi hỏi bí quyết nghề nghiệp riêng, tích lũy suốt thời gian dài.

Gạo sau khi ngâm được xay mịn, cho vào lu nước quậy cho lắng thành tinh bột. Người thợ dùng hỗn hợp bột này tráng thành từng lớp mỏng trên bề mặt khuôn.

Về miền Tây, thưởng thức đặc sản hủ tiếu ngũ sắc vừa dai vừa mềm - Ảnh 2.

Bột sau khi pha được đổ một lớp mỏng vào khuôn tráng và hấp chín bằng hơi nước - Ảnh: T.LŨY

Khâu tráng bánh hủ tiếu này rất quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo sao cho miếng bánh mỏng đều nhau. Sau đó, thợ tráng bánh đậy nắp khuôn để bánh chín nhờ hơi nước.

Sau công đoạn tráng, bánh hủ tiếu được mang đi phơi nắng từ 3-4 giờ. Bánh tráng được phơi xếp trên những tấm phên tre, thợ tráng phải tạo bề mặt láng mịn không để đốm nổi trên bề mặt bánh hủ tiếu.

Về miền Tây, thưởng thức đặc sản hủ tiếu ngũ sắc vừa dai vừa mềm - Ảnh 3.

Sau khi tráng, hấp chín, bánh được đem phơi nắng - Ảnh: T.LŨY

Sau khi phơi nắng, từng tấm bánh sẽ được cắt thành những sợi hủ tiếu dài, mỏng. Trước đây, hủ tiếu Sáu Hoài chỉ có hai loại: màu trắng sữa đặc trưng của bột gạo và loại màu vàng do pha với bột nghệ.

Về miền Tây, thưởng thức đặc sản hủ tiếu ngũ sắc vừa dai vừa mềm - Ảnh 4.

Bánh phơi xong sẽ đưa vào máy cắt thành sợi hủ tiếu - Ảnh: T.LŨY

Giờ đây, để tạo trải nghiệm ẩm thực mới cho khách, ông Sáu Hoài cho ra mắt sản phẩm "hủ tiếu sắc màu" mới, đây là sản phẩm mới sau thành công của món "pizza hủ tiếu" trước đây của gia đình. Sợi hủ tiếu sắc màu được tạo màu từ rau củ, cây lá thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng phẩm màu, hóa chất.

Từ màu cam của trái gấc, màu xanh tím từ hoa đậu biếc, màu xanh của lá dứa, màu tím của lá cẩm, màu hồng tía từ củ dền, thanh long ruột đỏ... tất cả cho ra những sợi hủ tiếu nhìn thôi đã thấy thèm.

Về miền Tây, thưởng thức đặc sản hủ tiếu ngũ sắc vừa dai vừa mềm - Ảnh 5.

Những sợi "hủ tiếu sắc màu", nhìn thôi đã thấy thèm - Ảnh: T.LŨY

Theo ông Sáu Hoài, muốn thực khách nhớ, mọi thứ phải thay đổi, nhất là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, kế đến hình thức món ăn phải cho đẹp, hương vị món phải đậm đà… để khách cảm nhận bằng vị giác, nhớ mãi hương vị còn lưu luyến sau khi ăn.

Khi trải nghiệm các công đoạn làm hủ tiếu xong, khách sẽ được thưởng thức các món ăn từ cọng hủ tiếu mình làm ra, cảm giác rất thích thú!

Tô hủ tiếu sắc màu được trụng chín, nước súp được nấu bằng xương chan vào cọng hủ tiếu đã trụng, thêm rau giá, thịt, tôm, trứng cút... tùy ý thích của khách. Cọng hủ tiếu ăn vào vừa dai, vừa mềm, vừa đậm vị ngọt của gạo và hương vị trái cây rau củ hòa quyện.

Về miền Tây, thưởng thức đặc sản hủ tiếu ngũ sắc vừa dai vừa mềm - Ảnh 6.

Cọng hủ tiếu trụng chín, ăn với nước dùng và gia vị đậm đà - Ảnh: D.KHÔI

Nếu khách muốn thưởng thức món "pizza hủ tiếu" lạ miệng, đặc sản lâu nay của lò hủ tiếu Sáu Hoài thì cũng có thể ăn kèm theo các gia vị tùy thích. Điểm nhấn của món "pizza hủ tiếu" là những sợi hủ tiếu được khoanh tròn, đem ướp gia vị và chiên giòn lên.

Ăn kèm có thể là trứng chiên xắt sợi, thịt khìa nước dừa xiêm đậm đà. Thịt sau khi khìa được xắt nhỏ, bỏ phía trên khoanh hủ tiếu chiên giòn, kèm theo có thể để thêm hành phi, đậu phộng, ăn kèm rau sống, tương ớt hay tương cà (như pizza)…

Về miền Tây, thưởng thức đặc sản hủ tiếu ngũ sắc vừa dai vừa mềm - Ảnh 7.

Món "pizza hủ tiếu" đặc sản của lò hủ tiếu ông Sáu Hoài - Ảnh: CTV

Dù là món ăn được chế biến bằng cách chiên nhưng khi ăn, khách không có cảm giác ngán vì mùi dầu mỡ, khi ăn kèm gia vị truyền thống như rau giá, trứng, thịt khìa… Cắn vào cọng hủ tiếu giòn tan, với các loại hương vị béo ngọt của thịt khìa, rau giá sẽ thấy mùi vị đậm đà miền Tây.

Ốc gác bếp hun khói, ngâm sữa trứng rồi luộc sả chấm cơm mẻ... ngon quên đường về Ốc gác bếp hun khói, ngâm sữa trứng rồi luộc sả chấm cơm mẻ... ngon quên đường về

TTO - Ở miền Tây có một món ăn dân dã của người quê, thường treo giàn bếp để dành, giờ trở thành món ăn đặc sản. Đó là món “ốc gác bếp". Món này chỉ đơn giản những con ốc bươu, ốc lác bắt được ngoài đồng, bà con đem về treo giàn bếp để dành mà thôi.

T. LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên