Công nhân gia công sắt thép để chuẩn bị đổ mẻ bêtông trên mặt cầu Cổ Chiên - Ảnh: Ngọc Ẩn |
Việc huy động vốn trong xã hội đầu tư hạ tầng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình hơn hẳn so với các dự án sử dụng vốn từ ngân sách. |
Ông NGUYỄN CHUNG KHÁNH (tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7) |
Vài tháng tới đây, cầu Mỹ Lợi và cầu Cổ Chiên được xây xong sẽ rút ngắn quãng đường và thời gian đi lại giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây.
TP.HCM - Trà Vinh: rút ngắn 70km
Giữa tháng 2-2015, chúng tôi ghi nhận quang cảnh náo nhiệt trên những chuyến phà chở đầy ắp người đi xe máy và xe chở hàng hóa ra vào bến phà Cổ Chiên.
Trên chuyến phà từ Bến Tre qua Trà Vinh, bà Nguyễn Thị Hai ở thị xã Trà Vinh nói người dân ở đây mong chờ một cây cầu lâu rồi vì thời gian đi một chuyến phà mất 30-40 phút, những ngày lễ, tết thời gian chờ phà mất cả giờ nên ai cũng cảm thấy rất mệt mỏi.
Từ bờ của tỉnh Trà Vinh, chúng tôi bước trên những nhịp cầu Cổ Chiên đã nối dài hơn 200m vươn ra gần giữa sông, trên đó là những tốp hàng chục công nhân đang tất bật gia công sắt thép để chuẩn bị cho nhóm thợ đổ mẻ bêtông bản mặt cầu.
Một cán bộ công trường cho biết công trình thi công đạt hơn 75% khối lượng công việc. Đó là nhờ công sức của 450 kỹ sư và công nhân của liên doanh các nhà đầu tư, các nhà thầu đã thi công liên tục ba ca.
“Có cầu Cổ Chiên, người dân chỉ mất 3-5 phút đi qua con sông Cổ Chiên này, rút ngắn gấp 10 lần thời gian đi phà” - ông Nguyễn Chung Khánh, tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư dự án), nói.
Theo ông Khánh, mấy năm trở lại đây tuyến quốc lộ 60 từ Trà Vinh đi Bến Tre về TP.HCM trở nên đông đúc người, xe cộ là do có cầu Rạch Miễu thay phà Rạch Miễu và cầu Hàm Luông thay phà Hàm Luông (Bến Tre) đã tạo thuận lợi cho người dân Trà Vinh và Bến Tre đi lại thăm nhau gần hơn.
Dự kiến ngày 31-7-2015 cầu Cổ Chiên thông xe, người dân từ Trà Vinh về TP.HCM hoặc ngược lại sẽ rút ngắn được khoảng 70km và thời gian hành trình rút ngắn gần hai giờ so với đi quốc lộ 1.
Tiền Giang sẽ gần với TP.HCM
Công trình làm cầu Mỹ Lợi nối Long An với Tiền Giang cũng sôi động không kém công trình xây cầu Cổ Chiên. Để đến nơi công nhân đang thi công các trụ cầu ở giữa sông Vàm Cỏ Đông, chúng tôi lần từng bước chân trên chiếc cầu sắt công vụ dài khoảng 200m với mặt cầu khá hẹp.
Dưới ánh nắng gay gắt giữa trưa, công nhân vẫn cặm cụi gia công cốt thép thân trụ, lắp đặt ván khuôn để thi công dầm bệ trụ cầu... Theo cán bộ công trường, hiện có 550 kỹ sư và công nhân lao động trên công trình và dự kiến những tháng cao điểm tới sẽ huy động đến 700 kỹ sư và công nhân.
Tiếp chuyện chúng tôi tại công trình, anh Phan Văn Tiến - kỹ sư phụ trách thi công thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 - cho biết tính từ ngày khởi công cách đây hơn một năm, đến nay công trình cầu Mỹ Lợi đã thi công đạt tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng trụ cầu, đơn vị đã tổ chức thi công thêm ca đêm, trong đó kỹ sư và công nhân phải làm việc đến 2g-3g sáng. Theo anh Tiến, mỗi lần bước ra khỏi công trường anh luôn gặp người dân ở tỉnh Long An và Tiền Giang hỏi thăm: “Bao giờ xây xong cầu?”. Điều này chứng tỏ bà con theo dõi sát sao công trình để sớm có cây cầu mà họ mong ngóng vì đã quá ngao ngán cảnh kẹt phà Mỹ Lợi kéo dài 1-2km trên quốc lộ 50.
Ông Nguyễn Chung Khánh, tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 - đơn vị thay mặt Bộ Giao thông vận tải quản lý dự án cầu Mỹ Lợi, cho biết ở dự án cầu Mỹ Lợi, nhà đầu tư - liên danh Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần bêtông 620 Long An đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) có đủ năng lực đảm bảo tiến độ xây dựng cầu trong vòng 18 tháng. Hiện nay, liên danh chủ đầu tư đang phấn đấu xây xong cầu Mỹ Lợi vào đầu tháng 9.
Có cầu Mỹ Lợi sẽ giúp người dân hai tỉnh Long An và Tiền Giang đi lại gần hơn, rút ngắn thời gian và quãng đường đi lại từ tỉnh Tiền Giang về TP.HCM theo quốc lộ 50, thay vì đi đường vòng qua quốc lộ 1.
Bên cạnh niềm vui cầu Mỹ Lợi sắp hoàn thành, kỹ sư Phan Văn Tiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trên quốc lộ 50 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM, dài khoảng 4km) do mặt đường quá hẹp (chỉ 6-7m), trong khi quốc lộ 50 đoạn qua Tiền Giang và Long An đã mở rộng 11-12m.
Ông Nguyễn Văn Thành - phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - cho rằng TP.HCM cần sớm thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 50 và cầu Ông Thìn lên bốn làn xe (hiện cho hai làn xe lưu thông) mới phát huy hiệu quả cầu Mỹ Lợi cho bốn làn xe lưu thông.
Sẽ có thêm nhiều cầu thay phà * Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, khởi công tháng 9-2013 và dự kiến xây xong trong năm 2017, thay phà Vàm Cống nối tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ. * Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, khởi công tháng 10-2013 và dự kiến xây xong trong năm 2017, thay phà Cao Lãnh nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết bộ đã giao Ban quản lý dự án 7 trong năm nay lập dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng và Trà Vinh, thay bến phà Đại Ngãi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận