Lần đầu tiên lễ khai bút và múa rối cạn chầu Thánh ở di tích chùa Keo thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được khôi phục sau nhiều năm thất truyền.
Khôi phục múa rối cạn chầu Thánh
Đại đức Thích Thanh Quang - trụ trì chùa Keo - cho biết điểm nhấn của lễ hội năm nay là lần đầu tiên tại sân Tam quan ngoại diễn ra lễ khai bút đầu xuân và phục dựng trò múa rối cạn chầu Thánh.
Theo các tài liệu để lại, "nghệ thuật Ổi Lỗi" hay còn gọi là hát múa rối đầu gỗ chầu Thánh là loại hình nghệ thuật dân gian thực hành nghi lễ hầu Đức Thánh đại thiền sư Từ Đạo Hạnh, tương tự nghệ thuật hầu bóng trong thực hành nghi lễ của Tam phủ, Tứ phủ.
Đây là tổng hòa của ba môn nghệ thuật: ca, vũ, nhạc. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh, nghệ thuật này cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của những người dân vùng lúa nước mong muốn đất nước thanh bình, có vua sáng tôi hiền, mưa thuận gió hòa, con em được học hành, mọi tầng lớp trong xã hội thân ái, hòa thuận cùng chung vai chống thiên tai địch họa.
Trong ngày 14-2 (mùng 5 Tết), lần đầu tiên cũng được tổ chức tại hội xuân chùa Keo là khai bút ban chữ, thu hút hàng ngàn phật tử, người dân và du khách tham dự.
Bốn bức đại tự "Nam thiên thánh tổ", "Lý triều quốc sư", "Quốc thái dân an" và "Phong hòa vũ thuận" được dâng trình đức Thánh trong cung cấm và được thờ ở đó.
Đến ngày khai hội chùa Keo được xin ra treo lên cột phướn ở sân Tam quan ngoại, để mùng 5 tổ chức hoạt động khai bút, ban chữ cho người dân, phật tử và du khách.
Sau khi bốn bức đại tự được kéo lên trang trọng, đại diện UBND huyện Vũ Thư trao thưởng cho các cháu học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Sau đó phật tử, người dân và du khách xin chữ của các ông đồ ngồi cho chữ ở sân Tam quan ngoại.
Độc đáo tục rước 'ông đầu rau' cầu may
Ông Nguyễn Hữu Khang - trưởng ban khánh tiết lễ hội chùa Keo mùa xuân 2024 - cho biết trong các trò chơi dân gian độc đáo tại lễ hội mùa xuân, không thể không kể đến chạy giải thổi cơm thi.
Đây là cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. Không chỉ là điểm hẹn của những thanh niên trai tráng, khéo léo trong làng Keo để làm ra mâm cơm dâng lên lễ Thánh mà hội thi này luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi hào hứng, phấn khởi của du khách thập phương, tạo tinh thần, khí thế phấn khởi, hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi và may mắn.
Các giáp trong làng Keo cử ra 4 đội, mỗi đội 8 người trải qua hai công đoạn là chạy giải và nấu cơm thi.
Trong đó, hai người có sức khỏe, nhanh nhẹn và sức bền tốt tham gia thi chạy giải, các thành viên đều phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn trong từng công đoạn từ kéo lửa đến nấu cơm.
Ban giám khảo chấm điểm mâm cơm nào đạt các tiêu chí cơm chín, xôi rền, chè sánh, vệ sinh sạch sẽ để tuyên bố thắng cuộc và dâng lên lễ Thánh.
Người dân làng Keo tin rằng tham gia hội thi là được Đức Thánh phù hộ nên tục lệ này đã được người dân nơi đây đời nối đời trao truyền qua bao thế hệ và năm nào cũng tranh tài.
Điểm độc đáo ở hoạt động này, khi cơm vừa chín được xới ra để ban tổ chức chấm sau đó dâng lên cúng Phật, Thánh thì cũng là lúc người dân chen nhau vào nơi tổ chức thi thổi cơm "cướp" ông đầu rau (viên đất nung dùng để bắc làm bếp).
Theo quan niệm của người dân làng Keo, ai nhanh tay "cướp" được ông đầu rau mang về nhà mình thì cả năm sẽ sung túc, gặp nhiều may mắn. Anh Nguyễn Thái Minh (28 tuổi, trú tại huyện Vũ Thư) đi lễ chùa nhanh tay "cướp" được một ông đầu rau bèn cất ngay vào bao chuẩn bị sẵn ôm khư khư, bỏ luôn việc vãn cảnh chùa, săn ảnh.
"Tôi biết tục cướp ông đầu rau khá lâu rồi. Nhiều năm đi hội xuân nhưng năm nay mới may mắn có được một ông đầu rau, hy vọng năm nay công việc làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn" - anh Minh hồ hởi.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Công Diện - phó chủ tịch thường trực UBND huyện Vũ Thư - cho biết lễ hội chùa Keo là lễ hội cấp vùng có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân trồng lúa nước đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Do đó, huyện Vũ Thư xác định việc tổ chức lễ hội chùa Keo là điểm nhấn quan trọng để quảng bá phát triển du lịch của địa phương.
Từ ngày 13 đến 16-2 (tức từ mùng 4 đến mùng 7 tháng giêng), lễ hội chùa Keo sẽ được tổ chức với rất nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh, thể dục thể thao hấp dẫn, đặc sắc để phục vụ nhu cầu du xuân, lễ chùa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận