13/06/2022 08:36 GMT+7

Vẽ bậy: Cần phải xử nghiêm hành vi phá hoại này

TUYẾT MAI - CHÂU TUẤN
TUYẾT MAI - CHÂU TUẤN

TTO - Việc 2 toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu ở depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) bị xịt sơn, vẽ bậy đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Vẽ bậy: Cần phải xử nghiêm hành vi phá hoại này - Ảnh 1.

Hình ảnh toa tàu metro số 1 bị xịt sơn vẽ bậy - Ảnh: C.T.V

Đa số ý kiến cho rằng cần phải xử nghiêm hành vi phá hoại này.

Nhiều thành cầu, nhà chờ xe buýt... cũng bị vẽ bậy

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều thành cầu, công trình công cộng trên các tuyến đường tại TP.HCM cũng bị bôi bẩn bởi những bức vẽ phun sơn quái dị, tờ dán quảng cáo chằng chịt... làm mất mỹ quan đô thị.

Chẳng hạn thành cầu Bình Lợi (TP Thủ Đức) xuất hiện dòng chữ phun sơn loằng ngoằng, kèm theo đó là các tờ quảng cáo dán đầy hai bên thành cầu trông "chẳng giống ai".

Gầm cầu vượt gần công viên Tầm Vu và cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (đều thuộc quận Bình Thạnh) cũng xuất hiện chi chít những hình vẽ graffiti với những nội dung phản cảm, hình thù quái dị. 

Tương tự, tại các nhà chờ xe buýt trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua Gò Vấp - Bình Thạnh) cũng bị sơn, vẽ hình mặt người, bàn tay trông mất thẩm mỹ.

Theo người dân, những hình vẽ phun sơn xấu xí này đã tồn tại một thời gian dài. Một vài người dân đã cố gắng chà hoặc sơn lại cho sạch sẽ nhưng rồi các hình vẽ xuất hiện trở lại chỉ sau vài ngày.

Mới đây, hai toa tàu thuộc tuyến metro số 1 đặt bên trong công trường - được sản xuất từ Nhật - đưa về chưa lâu, chưa vận hành đã bị vẽ bậy với hình thù quái dị khiến nhiều người bức xúc.

Vẽ bậy: Cần phải xử nghiêm hành vi phá hoại này - Ảnh 2.

Thành cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) xuất hiện các hình phun sơn xấu xí - Ảnh: CHÂU TUẤN

Coi chừng phạm luật

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), việc viết vẽ hình lên tường nhà người khác, tường công cộng, tàu xe... mà chưa được sự đồng ý, cho phép có thể cấu thành hành vi xâm phạm, phá hoại tài sản của cá nhân, tổ chức, cần phải xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Tùy tính chất, mức độ thiệt hại mà cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo nghị định 144/2021, hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

Không chỉ vậy, hành vi viết, vẽ bậy lên tường, cửa nhà hoặc tường công cộng có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. 

Theo đó, hành vi cố ý viết, vẽ lên tường, phá hoại cửa nhà người khác hoặc tường công cộng do Nhà nước quản lý làm mất giá trị sử dụng, khiến chủ sở hữu tài sản đó phải sửa chữa hoặc khôi phục, sơn lại, thiệt hại có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là di vật, cổ vật... thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. 

Tùy vào tình tiết định khung hình phạt và giá trị thiệt hại cho tài sản sẽ chịu mức phạt khác nhau. Ngoài ra, người vi phạm còn bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Còn luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng vụ việc có người vẽ lên tàu, tường nơi công cộng cần xem xét về tính chất hành vi, ý chí chủ quan của người vẽ. 

Vì có thể họ không nhận thức được hành vi hủy hoại tài sản, ý thức khi họ vẽ cũng chỉ có mục đích cho đẹp, không có mục đích tư lợi, gây thù hay cố ý hủy hoại tài sản của cá nhân hay tổ chức nào. 

Trong khi tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, người vi phạm phải cố ý trực tiếp. Trừ khi tại các tàu, bức tường, nơi công cộng đã có bảng cấm vẽ nhưng vẫn cố tình vẽ thì mới cân nhắc xử lý hình sự. Cơ quan bị thiệt hại có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường theo điều 584 Bộ luật dân sự 2015.

Để giảm bớt tình trạng "vẽ bậy", nhiều địa phương đã tổ chức những khu vực, bờ tường được phép vẽ những bức tranh đẹp với những thông điệp ý nghĩa. 

Đơn cử vào cuối tháng 2-2022, Đoàn phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức đã tổ chức công trình sơn, vẽ tường (khoảng 900m2, thuộc đường Kha Vạn Cân) với nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường, vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch.

Giới graffiti Việt rất hạn chế vẽ theo kiểu "bombing"

Là nghệ sĩ độc lập theo graffiti hơn 10 năm và có nhiều tác phẩm được cộng đồng graffiti trong nước công nhận, CRESK (tên thật là Nguyễn Tấn Lực) chia sẻ góc nhìn cá nhân về việc một số toa tàu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị sơn vẽ nhiều hình thù khác nhau:

"Theo kinh nghiệm của mình, các hình vẽ và tên chữ đó do người nước ngoài vẽ, không phải người Việt Nam. Giới graffiti Việt rất hạn chế việc bombing trên các toa tàu như vậy.

Vẽ bombing (tức "đánh bom", vẽ nhanh các bức vẽ đơn giản hoặc ký tên mà không xin phép ở các ga tàu hoặc nơi công cộng) là văn hóa đã có từ lâu ở phương Tây, đặc biệt ở Mỹ.

Có thời gian phong cách này bành trướng đến nỗi người ta ví "ở New York không thấy được ánh sáng chiếu qua các toa tàu, vì tất cả cửa đều bị những bức graffiti tràn lan che phủ".

Graffiti đã từng như thế nhưng khi du nhập vào Việt Nam, bộ môn này đã có nhiều hướng phát triển khác, không đi theo những lối mòn đó.

Cộng đồng graffiti Việt Nam có những phong cách thể hiện riêng và cũng có những quy tắc riêng khi vẽ. Ví dụ: không vẽ lên những nơi mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo, không vẽ đè lên hình người khác khi chưa được phép...

Hiện tại, việc xin phép để vẽ graffiti ở Việt Nam đã dễ hơn nhiều, mọi người cũng có cái nhìn thiện cảm hơn về graffiti thông qua nhiều dự án, tác phẩm chỉn chu, có ý nghĩa. Mình hy vọng graffiti ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn và được công nhận là một loại hình nghệ thuật đường phố có giá trị, không phải phá hoại".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nghệ sĩ graffiti Suby One cũng phỏng đoán sự việc lần này có thể do người nước ngoài gây ra giống như vụ vẽ bậy lên các tuyến đường ở Hà Nội vào năm 2019.

"Qua quan sát từ ảnh do báo chí cung cấp, tôi thấy người vẽ này có kỹ thuật tốt và có lẽ là đã quen với chuyện này. Nghệ sĩ người Việt có kỹ thuật như vậy sẽ không vẽ lên tàu vì họ thừa hiểu nếu bị bắt sẽ bị xử phạt nặng như thế nào. Phong cách vẽ này cũng không giống giới graffiti Việt Nam cho lắm" - anh phân tích.

HUỲNH VY - MAI THỤY

Người vẽ bậy lên tàu metro có thể bị xử lý hình sự Người vẽ bậy lên tàu metro có thể bị xử lý hình sự

TTO - Liên quan việc 2 toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang ở depot Long Bình (TP Thủ Đức) bị xịt sơn, vẽ bậy, các chuyên gia pháp lý cho rằng người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

TUYẾT MAI - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên