Hình ảnh toa tàu metro số 1 bị xịt sơn vẽ bậy - Ảnh: C.T.V
Về pháp lý, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc dùng sơn vẽ làm cho hình ảnh của những toa tàu này bị ảnh hưởng.
Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 178 Bộ luật hình sự, có mức hình phạt lên đến 20 năm tù.
Ngoài ra người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Thậm chí thiệt hại về tài sản dưới 2 triệu đồng vẫn có thể xử lý vì hành vi này nếu gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu trong quá trình điều tra mà chứng minh được động cơ, mục đích của người vi phạm "nhằm chống chính quyền nhân dân" thì có thể bị xử lý về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 114 hoặc tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo điều 303 Bộ luật hình sự
Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị xử lý hành chính theo điều 15 nghị định 144/2021, có mức phạt đến 5 triệu đồng
Còn theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), việc vẽ lên tàu hay những công trình công cộng thì tùy theo tính chất, mức độ, hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính, hình sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, vụ việc có người vẽ lên tàu tại nơi công cộng cần xem xét về tính chất hành vi, ý chí chủ quan của người vẽ vì có thể họ không nhận thức được hành vi hủy hoại tài sản, ý thức khi họ vẽ cũng chỉ có mục đích cho đẹp, không có mục đích tư lợi, gây thù hay cố ý hủy hoại tài sản của cá nhân hay tổ chức nào.
Trừ khi tại các tàu, bức tường, nơi công cộng đã có bảng cấm vẽ lên nhưng vẫn cố tình vẽ thì mới cân nhắc xử lý hình sự…
Cơ quan bị thiệt hại có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường theo điều 584 Bộ luật dân sự 2015.
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm,
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận