29/05/2013 08:21 GMT+7

Vay 100 triệu USD để cấp cho hộ nghèo 200.000 đồng/tháng

HỒ VĂN 
HỒ VĂN 

TT - Nhiều câu hỏi đã được đặt ra tại cuộc họp về dự án vay 75 triệu USD (và có thể là 100 triệu USD) của Ngân hàng Thế giới (WB) để cấp cho hộ nghèo.

My23s3ca.jpgPhóng to
Chị Trần Thị Hương, hộ nghèo ở xã Trà Ka (Bắc Trà My, Quảng Nam), luộc mít non, xào ốc đá cho hai con nhỏ ăn bữa trưa - Ảnh: TẤN VŨ
rv9cdPzA.jpgPhóng to
Trẻ em đồng bào dân tộc Khmer đến trường tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Bộ GD-ĐT đề xuất bổ sung Trà Vinh vào dự án SASS - Ảnh: N.C.T.

Ngày 28-5, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã cùng chủ trì cuộc họp xung quanh dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội tại VN” (dự án SASS). Tổng ngân sách cho dự án là 75 triệu USD, thực hiện tại ba địa phương trong ba năm và dự kiến ngân sách sẽ tăng lên 100 triệu USD, thực hiện trong hai năm nếu số địa phương triển khai là bốn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính khả thi của đề án này.

“Chẳng thấm vào đâu”

Theo dự án do Bộ Lao động - thương binh và xã hội trình bày tại cuộc họp, dự án gồm ba hợp phần, trong đó hợp phần chính trị giá 55 triệu USD để thí điểm cấp “gói hỗ trợ” 200.000 đồng/tháng cho hộ gia đình nghèo có trẻ em 0-15 tuổi đang đi học tại Hà Giang, Quảng Nam và Lâm Đồng trong ba năm (2014-2016).

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đề xuất nên bổ sung tỉnh Trà Vinh, địa phương đại diện khu vực Tây Nam bộ đang gặp nhiều khó khăn, được coi là “vùng trũng giáo dục” với tổng số sinh viên chỉ bằng nửa tỉ lệ chung của cả nước.

Bổ sung tỉnh Trà Vinh là vấn đề mà Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã tính đến. Tại cuộc họp ngày 23-5, nhóm xây dựng dự án đã cho biết nếu bổ sung Trà Vinh, tổng ngân sách của dự án này sẽ lên đến 100 triệu USD, thời gian triển khai rút xuống còn hai năm.

Ngân sách thực hiện dự án lấy từ nguồn vay ODA của WB.

Tuy nhiên, tính khả thi của một dự án vay vốn (mặc dù là vay ưu đãi) lên tới 100 triệu USD chỉ để cấp cho các hộ nghèo... 200.000 đồng/tháng đã được nhiều đại biểu đặt ra.

Vừa đi công tác Trà Vinh về, đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết: “Tiền công làm thuê mỗi ngày 100.000 đồng/người, nếu thời gian làm không đều thì mỗi tháng họ cũng thu được 1,5-2 triệu đồng/người, khoản tiền này chi đủ thứ nên họ rất khó khăn, nhưng nếu hỗ trợ 200.000 đồng/tháng/hộ thì chẳng thấm tháp vào đâu. Với vị trí công tác của mình, tôi rất yêu mến bà con dân tộc, nhưng cũng phải tính đến hiệu quả và tính bền vững của chương trình sau 2-3 năm thí điểm” - vị đại diện này băn khoăn.

17 chính sách chồng chéo

Phát biểu tại cuộc họp, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết hiện có 17 chính sách trợ giúp liên quan đến người nghèo, người có công.

Trong đó tính riêng tại tỉnh Trà Vinh năm 2012 có đến 14 chính sách trợ giúp người nghèo bằng tiền mặt, do ba cơ quan thực hiện.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều chính sách trợ giúp cùng lúc đã khiến việc thực hiện trở nên khó đánh giá, chồng chéo, phân tán nguồn lực, tạo gánh nặng về thực thi cho cán bộ địa phương.

Theo phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Quảng Nam Trương Thị Xuân, Quảng Nam là một trong những địa phương có tỉ lệ người đang hưởng các chính sách xã hội ở mức cao.

Bà Xuân cho biết dự án mới dự kiến thay thế hỗ trợ tiền điện là 30.000 đồng/tháng và tiền hỗ trợ chi phí học tập 70.000 đồng/tháng/học sinh, bình thường không có dự án này, mỗi gia đình nghèo có hai con đi học đang được hỗ trợ 170.000 đồng.

Việc tích hợp các chính sách trợ giúp cũng là chủ trương hợp lý để đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội vốn đang rất chồng chéo.

Băn khoăn

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc hội thảo, rất nhiều ý kiến cho rằng nên hạn chế dần việc hỗ trợ trực tiếp, mà nên có giải pháp hỗ trợ cho người nghèo kiến thức để họ làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Còn hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt thì họ sẽ ỷ lại, mà cũng không biết hỗ trợ bao nhiêu cho đủ.

“Hỗ trợ 200.000 đồng/tháng để người nghèo cho con đi học thì thực tế họ có cho đi học không, hay lại mua rượu uống? Nhiều đoàn từ thiện đến vùng nghèo tặng tiền mặt, nhận tiền xong là bố mẹ mua rượu luôn” - một đại biểu băn khoăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mặt cho toàn bộ người nghèo, nhưng chỉ ở 3-4 địa phương trong 2-3 năm sẽ gây thắc mắc cho những người nghèo khác, ở ngay những địa phương lân cận nhưng không thuộc vùng triển khai dự án.

Bên cạnh đó, dự án chi đến 100 triệu USD chỉ trong hai năm ở bốn địa phương, nên khả năng mở rộng ra toàn quốc sau khi hết giai đoạn thí điểm là rất khó khăn vì nguồn tài chính quá lớn.

Tại cuộc họp này, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý có thể dành ngân sách của Chính phủ để hỗ trợ người dân, không bắt buộc phải vay vốn viện trợ phát triển.

Hiện đại hóa công tác quản lý bảo trợ xã hội

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm, dự án SASS đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo do sự hỗ trợ từ WB. Dự án nhằm mục đích xây dựng dữ liệu về bảo trợ xã hội, giúp công tác giảm nghèo một cách bền vững hơn. Từ đó, hệ thống hóa thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý bảo trợ xã hội. Nếu được duyệt, dự án sẽ triển khai thí điểm tại một số địa phương được chọn.

Thực tế, việc triển khai chương trình trợ giúp tiền mặt này là thay thế (hoặc hợp nhất) chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo nghị định 49/2010/NĐ-CP và chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo quyết định số 268/QĐ-TTg bằng một gói trợ cấp cơ bản cho hộ gia đình. Theo đó, mức hỗ trợ là 200.000 đồng/hộ/tháng. Trường hợp các hộ đang được hưởng từ hai chính sách trên cao hơn mức 200.000 đồng/tháng thì vẫn giữ mức hưởng như cũ.

Đối tượng được thụ hưởng trực tiếp từ dự án bao gồm: các hộ gia đình nghèo có trẻ em dưới 15 tuổi, hoặc có trẻ em trên 15 tuổi nhưng vẫn đang đi học phổ thông với điều kiện trẻ em phải được đến trường, hoặc phụ nữ mang thai và trẻ em phải được đảm bảo chăm sóc y tế cơ bản. Đối với các huyện có tỉ lệ hộ nghèo trên 60%, hỗ trợ toàn bộ cho các hộ gia đình có trẻ em từ 0-15 tuổi hoặc có trẻ em trên 15 tuổi nhưng vẫn đang đi học phổ thông. Đối với các hộ gia đình thoát nghèo trong quá trình tham gia dự án, sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm hai năm để đảm bảo tính bền vững.

Phải đạt kết quả đề ra mới được hỗ trợ tiền mặt

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 28-5, đại diện WB tại VN cho biết dự án này mới đang ở giai đoạn chuẩn bị và dự kiến bắt đầu thực hiện khoảng giữa năm 2014. Dự án được thiết kế theo hình thức chuyển giao tiền mặt có điều kiện mà WB đã thực hiện ở VN vài năm gần đây. Ví dụ trước đây đã có dự án tiếp cận dịch vụ nước sạch cho nông thôn hay dự án tăng cường giáo dục phổ thông. “Tiền sẽ được giải ngân nếu dự án đạt được điều kiện kết quả đề ra. Đó là tiền viện trợ có điều kiện, khác với các khoản hỗ trợ tiền mặt theo hình thức nhân đạo khác” - vị đại diện này giải thích.

Với dự án mới này, dự kiến mỗi hộ gia đình trong diện đối tượng dự án sẽ được nhận 200.000 đồng hỗ trợ nếu đảm bảo con cái đi học đều đặn và đạt được kết quả học tập nhất định (điều kiện này cụ thể ra sao sẽ được quyết định trong quá trình xây dựng dự án đang diễn ra). “Đó là một cách thức nhằm giúp các gia đình khó khăn đảm bảo việc học hành và tương lai cho con cái” - vị đại diện WB nói.

H.GIANG

HỒ VĂN 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên