21/09/2021 09:53 GMT+7

Vất vả với giáo án online

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - Để có những tiết dạy trực tuyến và trên Internet cho học sinh, giáo viên mệt nhoài với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giáo án, làm video, mất thời gian "hơn gấp 9, 10 lần" so với việc đứng lớp trực tiếp.

Vất vả với giáo án online - Ảnh 1.

Một người mẹ kèm cho con học tại khu nhà trọ bến Phú Định, quận 8, TP.HCM. Để có một tiết học trực tuyến cho học sinh, giáo viên phải soạn rất nhiều giờ - Ảnh: TỰ TRUNG

Kể về những ngày đầu bắt tay vào làm video để gửi đến học sinh, thầy Võ Kim Bảo - giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM - cho biết đó là một trải nghiệm đáng nhớ. Sau khi đã tìm hiểu nhiều về cách thức thực hiện video clip, cách ứng dụng các phần mềm, thầy Võ Kim Bảo bắt tay vào thực hiện video clip "Bài giải đáp án đề thi học kỳ II cho học sinh lớp 9" nhưng cả ngày vẫn chưa xong.

Dở khóc dở cười

"Bài giải đáp án đề thi học kỳ II này chỉ có 45 phút nhưng loay hoay cả ngày tôi vẫn chưa hoàn thành được. Tôi gặp rất nhiều tình huống dở khóc dở cười với video như: quay xong xem lại thì bị lỗi, lúc đang quay có người đi vào phải làm lại, đủ thứ âm thanh lọt vào nghe lại rất buồn cười. Khi quay với phần mềm này xong thì không thể xuất file vì file quá nặng, lại phải mò mẫm xem lại các phần mềm khác để có thể tải lên" - thầy Bảo kể.

Sau hơn một năm thực hiện video clip phục vụ cho việc dạy học trực tuyến, đến nay thầy Võ Kim Bảo đã thao tác nhanh hơn trong việc thực hiện giáo án. "Những giáo viên trẻ như chúng tôi còn rành công nghệ thông tin, có vốn tiếng Anh, ứng dụng nhanh hơn nên làm video clip sẽ tốt. Cực nhất là giáo viên lớn tuổi. Làm những video này rất mất thời gian nhưng hiệu quả dạy học sẽ không thể như dạy trực tiếp. Đó là điều nhiều giáo viên tâm tư", thầy Bảo chia sẻ thêm.

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM, các video clip được thực hiện theo từng tổ chuyên môn. ThS Kiều Tuấn Hưng, tổ trưởng bộ môn toán của trường, cho biết tổ chia thành từng nhóm để thực hiện bài giảng video theo khối. Sau đó các giáo viên sẽ họp bàn bạc với nhau để phân công nhiệm vụ thực hiện các công đoạn trong video clip. 

"Giáo viên soạn bài trên Powerpoint, lồng tiếng vào đó... Khi xong được khoảng ba phần thì những giáo viên trong tổ sẽ xem và góp ý. Để có một tiết gửi bài cho học sinh bằng video clip, nhóm phải họp rất nhiều lần, góp ý rất nhiều lần, thực hiện đến cả chục lần và có khi cả tuần mới xong một sản phẩm như vậy" - thầy Kiều Tuấn Hưng cho hay.

Đối với những giáo viên lớn tuổi, việc thực hiện những bài giảng điện tử còn mệt hơn. "Tôi loay hoay soạn giáo án suốt ngày, coi tới coi lui, chỉnh tới chỉnh lui vẫn chưa thấy ổn. Đó là chỉ với những bài giảng trực tuyến, còn soạn những bài kiểm tra trắc nghiệm thì khổ cực lắm, công đoạn nhiều, cái nào cũng phải học lại, đọc lại, tìm kiếm cái đúng, cực gấp nhiều lần và mất rất nhiều thời gian so với dạy trực tiếp", một giáo viên THPT hơn 50 tuổi tại quận 7, TP.HCM chia sẻ.

Rất cần những bài giảng hấp dẫn

Thực hiện video clip chỉ là một dạng bài của giáo viên dạy online hiện nay. Tại TP.HCM, tùy vào quận, huyện, trường mà giáo viên sẽ có những yêu cầu khác nhau về việc gửi tài liệu và soạn giáo án, bài giảng điện tử gửi đến học sinh. Để có những bài giảng hấp dẫn, học sinh tham gia vào thảo luận, phát biểu, tương tác với thầy cô nhiều, giáo viên phải chọn lọc các trò chơi trên mạng để đưa vào, thực hiện các kỹ thuật trình bày đẹp...

Thầy Vũ Nguyễn Anh, giáo viên bộ môn công nghệ thông tin Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM, cho biết: "Dịp này, ban giám hiệu chỉ đạo tổ công nghệ thông tin hỗ trợ tối đa cho giáo viên, tư vấn, gỡ rối thực hiện các bài giảng cho giáo viên các bộ môn. Nhà trường luôn cập nhật những cách dạy hay, dạy tốt, nhưng dẫu vậy phải nói rằng giáo viên dạy online rất cực khổ, mất nhiều thời gian mới có thể có những bài dạy chất lượng qua Internet được".

Chia sẻ việc giáo viên dạy online phải làm nhiều việc không tên, như "đứng sau hậu trường để có những buổi trình diễn tốt trước mắt học sinh, phụ huynh", ông Lê Duy Tân, trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: "Hiện nay có nhiều cách để giáo viên hỗ trợ lẫn nhau. Một người làm, cả nhóm góp ý cho các bài giảng, video clip, đóng góp theo công sức của mình rồi đưa vào kho dữ liệu dùng chung của các trường, các quận, huyện để chia sẻ khó khăn trong giai đoạn này".

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Thầy cô lưu ý 4 điểm

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, để phần nào hạn chế được sự vất vả, cực nhọc của giáo viên và có những bài dạy hiệu quả hơn, thầy cô giáo cần lưu ý 4 điểm.

Thứ nhất, nên tự tìm hiểu, kiểm tra, đánh giá rồi thành thạo về các công cụ trên nền tảng trực tuyến mà mình lựa chọn giảng dạy. Thứ hai, cần chủ động tận dụng và tìm hiểu nhiều công cụ để thiết kế các bài tập kiểm tra, câu hỏi trắc nghiệm hay hoạt động nhóm trên các ứng dụng Kahoot, Mentimeter, Jamboard, Slido, Wheel of names, Zalo, Mind Map, Quizizz, Wordwall... để tạo sự thích thú cho học trò. Thứ ba, khai thác tối đa các tính năng của phần mềm như: Chat box, bình luận, chia sẻ, đặt câu hỏi và tương tác trong lớp học trực tuyến để tạo bài giảng tốt cho lớp học trực tuyến.

Thứ tư, giáo viên cần chú ý hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, giọng nói, khuôn mặt cũng như các yếu tố khác có liên quan đến background và các yêu cầu khác về thính thị. Hình ảnh thầy cô khi lên video, lên bài giảng phải sáng trên màn hình để học trò thấy rõ, background an toàn và đừng lộn xộn người ra người vào, ăn mặc lịch sự như đang đứng trước lớp với hàng chục đôi mắt học trò ngước nhìn.

TP.HCM: Tặng thiết bị học trực tuyến cho 369 học sinh khó khăn TP.HCM: Tặng thiết bị học trực tuyến cho 369 học sinh khó khăn

TTO - Chiều nay 20-9, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM triển khai chương trình 'Máy tính trao tay - Nắm ngay kiến thức' tặng thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19 trong năm học 2021-2022.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên