07/10/2022 08:01 GMT+7

Vất vả chạy khắp nơi tìm mua xăng

ĐÌNH CƯƠNG - NGỌC HIỂN
ĐÌNH CƯƠNG - NGỌC HIỂN

TTO - Sau khu vực ĐBSCL, đến lượt các cây xăng tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cũng đua nhau thông báo ngừng bán hoặc treo biển tạm nghỉ khiến việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn bị gián đoạn, người dân gặp nhiều khó khăn.

Vất vả chạy khắp nơi tìm mua xăng - Ảnh 1.

Một cây xăng tại TP.HCM đang đóng cửa “để sửa chữa” vào ngày 6-10 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong khi đó, để có được nguồn hàng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho biết phải nhờ sự hỗ trợ từ các DN đầu mối, thậm chí phải chấp nhận chịu lỗ chi phí vận chuyển để đến mua hàng ở các kho xa hơn.

Chạy khắp nơi để mua xăng

Ngày 6-10, ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông cho thấy nhiều cây xăng tư nhân ở TP Gia Nghĩa, huyện Đắk Song và đặc biệt tại tuyến quốc lộ 14 qua huyện Đắk R’Lấp đã bắt đầu ngừng kinh doanh, nghỉ bán xăng dầu hoặc treo biển "hết xăng nhưng còn dầu". 

Khoảng 8h cùng ngày, tại trạm xăng dầu số 2 (xăng dầu Đạt Thành, TP Gia Nghĩa), nhiều người dân qua tuyến đường Trần Phú nối dài với quốc lộ 28 không đổ được xăng sau chặng đường dài.

Tại thời điểm ghi nhận, trạm xăng dầu này không có nhân viên trực bán, cũng không treo biển thông báo tình trạng kinh doanh trong khi cả năm trụ bán xăng dầu đều đang bị tắt máy. 

Không chỉ ở Gia Nghĩa, tại huyện Đắk Song và Đắk R’Lấp, nơi có tuyến quốc lộ 14 đi qua với lưu lượng phương tiện di chuyển lớn, nhiều người dân lưu thông qua khu vực này cũng phải "mỏi mắt" tìm nơi mua xăng dầu.

Nhiều và dày đặc nhất xảy ra tại khu vực các xã Nhân Cơ, Kiến Thành, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’Lấp). Nguyên một đoạn đường từ xã Nhân Cơ đến thị trấn Kiến Đức, hàng loạt cây xăng tư nhân treo biển hoặc chỉ thông báo bằng miệng về tình trạng hết xăng. 

Có hai cây xăng dựng rào sắt, đóng cửa nghỉ bán và không có nhân viên đứng trực. Đặc biệt có cây xăng thông báo chỉ bán dầu, còn xăng đã hết.

Tại các khu vực vùng sâu vùng xa như ở xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức), các cây xăng tư nhân đóng cửa khiến dân ở đây phải xách can nhựa đi hàng chục cây số để đổ xăng tại các cây xăng dọc quốc lộ 14 thuộc xã Đắk Ru (huyện Đắk R’Lấp). 

Tuy nhiên, ngay cả khi đã ra đến đây, nhiều cây xăng cũng đóng cửa, nghỉ bán khiến nhiều người ngao ngán quay về.

Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho biết qua kiểm tra cho thấy có tình trạng một số cây xăng trên địa bàn nghỉ bán. Những cây xăng này giải thích do xăng chưa vận chuyển kịp từ đại lý về nên trạm xăng tạm thời nghỉ bán. 

Vị này cũng khẳng định thời gian qua chưa phát hiện trạm kinh doanh xăng dầu nào còn xăng dầu trong bồn chứa nhưng báo hết xăng. "Chúng tôi đang phối hợp với Sở Công Thương tiếp tục kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu khác trên địa bàn", vị này nói.

DN bán lẻ xăng dầu lỗ nặng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công ty CP Thương mại và dịch vụ Cần Giờ (Cagico) cho biết do lo ngại sẽ thiếu nguồn cung để đáp ứng cho hơn 50 cây xăng và đại lý nên phía DN này đã có văn bản thông báo trước, đề phòng trường hợp cây xăng bị xử phạt. 

Tuy nhiên, sau đó hệ thống này đã được các DN đầu mối hỗ trợ nguồn cung nên đến ngày 6-10 đã tương đối ổn định nguồn hàng.

Thậm chí, để có được hàng, DN này còn về tận kho đầu mối tại Vũng Tàu để nhập hàng với mức hoa hồng 10 đồng/lít xăng trong khi chi phí vận chuyển lên đến 500 đồng/lít. 

Theo vị này, thương nhân phân phối không được nhập khẩu xăng dầu cũng như mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu nội địa mà phụ thuộc vào các DN đầu mối. Do đó, nếu các DN đầu mối không cấp hàng, thương nhân phân phối sẽ bị ảnh hưởng đến hệ thống.

Lãnh đạo một DN xăng dầu ở TP.HCM cho biết trong ngày 6-10, nhiều DN đầu mối đều đưa ra mức chiết khấu 0 đồng/lít khiến DN bán lẻ lỗ nặng, do phải gánh chi phí vận chuyển, bán hàng, thuê mặt bằng… 

Theo vị này, riêng tiền mặt bằng một cây xăng ở TP.HCM thường 100-200 triệu đồng/tháng. Nếu tính thêm tiền điện nước, chi phí nhân viên, quản trị…, phía cây xăng phải tốn chi phí khoảng 500-700 đồng cho mỗi lít bán ra. Với chiết khấu 0 đồng, nhà bán lẻ lỗ nặng.

"Riêng tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã lỗ hàng tỉ đồng chi phí kinh doanh xăng dầu", vị này than. Tương tự, đại diện một DN hiện đang tạm đóng cửa cây xăng cho biết với mức chiết khấu âm, nếu tính cả chi phí vận chuyển nữa, cây xăng lỗ 300 đồng/lít xăng. 

Trong khi đó, chi phí mặt bằng lên tới 180 triệu đồng/tháng nên các cây xăng ở TP.HCM của DN này liên tục thua lỗ. "Ngay cả khi tạm đóng cửa 15 ngày, chúng tôi cũng phải tốn các chi phí, nhưng mở cửa kinh doanh lại lỗ hơn", vị này nói.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết TP đang nỗ lực thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung và mạng lưới phân phối, nhưng không tránh khỏi tình trạng thiếu cục bộ do quá trình vận chuyển, nhập hàng, tuy nhiên chỉ tạm ngưng cung cấp dịch vụ trong thời gian ngắn, trong vài tiếng đồng hồ. 

"Việc khó khăn về nguồn cung cũng có nguyên nhân do bão, ảnh hưởng đến vận chuyển của các nhà máy lọc dầu từ miền Trung vào TP.HCM nhưng các khó khăn này đã được khắc phục", ông Vũ nói.

Vụ "Một đoạn đường, hai giá xăng":

Giá bán do thương nhân đầu mối địa phương quyết

Phản hồi về tình trạng "một đoạn đường, hai giá xăng" (Tuổi Trẻ ngày 1-10), đại diện Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) cho hay việc áp dụng giá bán lẻ xăng dầu theo vùng địa bàn được thực hiện theo quy định tại nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối và cơ sở sản xuất xăng dầu (vùng 2), nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối sẽ được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.

Trước ngày 31-3 hằng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Trên cơ sở báo cáo kiểm toán này, Petrolimex công bố danh mục địa bàn vùng 2 hằng năm. Do vậy, danh mục địa bàn vùng 2 cũng thay đổi tùy thuộc vào chi phí thực tế phát sinh.

Ngoài ra, theo Petrolimex, giám đốc các công ty xăng dầu thành viên Petrolimex được trao quyền trực tiếp quyết định giá bán thực tế tại địa bàn tổ chức kinh doanh. Căn cứ tình hình thực tế tại khu vực, các công ty xăng dầu thành viên sẽ quyết định giá bán thực tế trên toàn địa bàn hoặc cho từng vùng trên địa bàn...

N.AN

Cây xăng đóng cửa do nguồn cung bị gián đoạn

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc một số điểm bán xăng dầu nhỏ lẻ trên địa bàn đóng cửa ngừng bán, ông Trương Tấn Nhất Linh - phó giám đốc Sở Công Thương Bình Phước - cho biết sau khi nhận được phản ảnh, cơ quan này đã chỉ đạo và lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra thực tế toàn bộ cây xăng con trên địa bàn để nắm tình hình.

Kết quả kiểm tra xác định các cây xăng đóng cửa ngừng bán trong những ngày qua chủ yếu là các cây xăng nhỏ lẻ ở các địa phương và đều trong tình trạng cạn xăng dầu, bị gián đoạn nguồn cung.

Các cây xăng chủ lực của nhà nước hay Petrolimex vẫn đảm bảo thông suốt. Theo ông Linh, cơ quan này cũng đã xin ý kiến UBND tỉnh Bình Phước, Bộ Công Thương có buổi làm việc với các đơn vị đầu mối xăng dầu nhằm ổn định nguồn cung cho các cây xăng nhỏ lẻ, đảm bảo tiêu dùng và sản xuất của người dân.

Trước đó, trong hai ngày 3 và 4-10, người dân một số xã vùng xa của tỉnh Bình Phước phản ảnh nhiều cây xăng đóng cửa không bán xăng, khi hỏi thì nhân viên cây xăng bảo hết hàng.

Do thiếu hụt xăng, người dân phải đi xa nhiều cây số, qua địa phương khác mới có thể đổ được xăng để đi lại. Một số người cho rằng các cây xăng cố tình "găm" hàng hoặc không nhập hàng chờ điều chỉnh giá mới nhập xăng về bán.

A LỘC

5624c4e18a914dcf1480 1(Read-Only)

Một trong số nhiều cửa hàng xăng dầu trên tuyến quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) nghỉ bán làm người dân gặp khó - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Đề nghị tăng chiết khấu cho đại lý xăng dầu

Ông Lê Minh Tuấn, trưởng Phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, thừa nhận gần đây có một số cửa hàng xăng dầu tại địa phương tạm ngưng do thiếu nguồn cung xăng dầu. Nguyên nhân đến từ mức chiết khấu thấp không đủ chi phí hoạt động. Cùng với đó, việc vận chuyển hàng chậm khiến nhiều cửa hàng phải ngưng bán tạm thời.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu cửa hàng nào không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian từ một tháng trở lên sẽ bị tước giấy phép kinh doanh.

Do đó, cơ quan này yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc việc niêm yết giá, đồng thời đảm bảo không bán gián đoạn, chỉ được ngừng bán vì các lý do bất khả kháng như cháy nổ, lũ lụt và phải được sự chấp thuận của Sở Công Thương.

Sở Công Thương nghiêm cấm các hành vi găm hàng tích trữ, tăng giá, buôn lậu, gian lận thương mại.

Sở Công Thương cũng yêu cầu các thương nhân phân phối cung ứng đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ không để thiếu nguồn cung ra thị trường.

Ngoài ra, việc chiết khấu xăng dầu thấp, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính xem xét chỉ đạo thương nhân phân phối tăng chiết khấu giá bán để hỗ trợ đại lý bán lẻ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đ.CƯƠNG

Lãnh đạo Sở Công Thương: TP.HCM chỉ thiếu xăng dầu cục bộ Lãnh đạo Sở Công Thương: TP.HCM chỉ thiếu xăng dầu cục bộ

TTO - Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc khẳng định như vậy khi thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thời gian qua tại buổi họp báo về COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 6-10.

ĐÌNH CƯƠNG - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên