Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH |
Xác định mục tiêu rõ ràng
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng mỗi sinh viên phải xác định việc học đại học có tầm quan trọng như thế nào đối với bản thân chứ không phải học vì bố mẹ hay “a dua” theo bạn bè.
Theo chuyên gia tâm lý - TS Huỳnh Anh Bình, giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, hầu hết các bạn sinh viên mang có suy nghĩ sau 12 năm đèn sách nên vào đại học là để “xả hơi” nhưng thực chất học đại học không phải là “học đại”. Đại học là một cuộc chiến thật, không dành cho những ai “ngủ quên” trên chiến thắng.
Thêm vào đó, TS Bình khuyên các bạn sinh viên phải từ bỏ tư tưởng năm nhất là không cần học, đến năm 3, năm 4 rồi học, vì thời gian không thể “đứng lại” chờ bạn hay “quay trở lại” để bạn có thể làm những điều mà bạn chưa kịp làm.
Chính sinh viên phải là người tin vào khả năng của mình và từ đó định hướng mục tiêu rõ ràng. Ai còn băn khoăn, chưa xác định được mục tiêu thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm hiểu nghề nghiệp và khẳng định mình trong cuộc sống.
Tìm phương pháp học phù hợp
“Sinh viên nên học đến đâu tư duy đến đó” - TS Lâm khuyên. TS cho biết cách học này vừa giúp tư duy được nâng cao vừa tận dụng thời gian. Thông qua cách học này, sinh viên sẽ nắm được những nội dung cốt lỗi của vấn đề và dễ dàng vận dụng vào thực tiễn.
Với thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc tìm kiếm tài liệu sẽ dễ dàng hơn so với trước đây nhưng quan trọng là sinh viên phải biết cách lưu trữ, tóm tắt bài giảng theo phương pháp học của mình.
TS Bình cho hay các bạn sinh viên thường nghĩ học đại học là mạnh ai nấy học nhưng thực tế để đạt kết quả cao thì sinh viên phải áp dụng phương pháp “một câu làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Nếu không có phương pháp học thì sinh viên khó có thể “dung nạp” hết khối kiến thức khổng lồ tại môi trường đại học. Vì thế có rất nhiều bạn sinh viên rớt môn, điều đó đồng nghĩa với việc lãng phí một phần tiền bạc và thời gian của bản thân.
Đi tìm “lời giải” cho “bài toán” hoàn cảnh
Nam sinh viên đang dạy tin học cho học sinh tiểu học tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương - Ảnh: CẨM TIÊN |
Mỗi sinh viên có mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau vì vậy sinh viên nên chọn trường theo đam mê và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
TS Lâm cho biết, thông thường các bạn sinh viên nhìn người này, người kia có cái này, cái kia thì cũng đòi hỏi bố mẹ để được như bạn bè để ra dáng sinh viên.
Theo TS, sinh viên phải gạt chuyện này sang một bên và lấy mục tiêu học tập làm chính. Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện được mục tiêu đó trong khi mỗi sinh viên có hoàn cảnh gia đình. Đó là bài toán phải tìm lời giải.
Theo TS Lâm, để đưa ra lời giải này thì sinh viên phải biết gắn hoàn cảnh đời sống thực tế của mình để giải quyết từng vấn đề trong cuộc sống. Sinh viên nên có phương án để giải quyết vấn đề kinh tế nếu hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn. Tóm lại, mọi sinh viên phải có ý thức tự giải quyết vấn đề, tức là mỗi sinh viên nhận thức rõ vai trò tự chủ để quyết định cuộc sống của mình chứ không ai thay đổi cuộc sống mình cả.
“Một lần ngã là một lần bớt dại” Đó là ý kiến của TS Lâm. Ông cho hay, trên thực tế, không có thành công nào mà không phải trải qua vấp ngã nhưng điều quan trọng là phải có quyết tâm vượt qua khó khăn. Khi vấp ngã hãy nghĩ đó là bài học cho mình và đứng lên đi tiếp. Tuổi trẻ còn sức lực, còn nhiều thời gian để xây dựng cuộc đời, không nên bi quan, chán nản, mang tư tưởng thất bại, không làm được cách này thì tìm cách khác, không trong thời gian này thì thời gian khác. Sinh viên phải thực hiện được mục tiêu mà mình đã đặt ra. |
Mời bạn đọc nghe phát biểu trong bài:
>> TS Nguyễn Tùng Lâm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận