
Vùng giáp ranh Tây Ninh được Long An quy hoạch thêm rất nhiều đường mở mới - Ảnh cắt từ bản đồ quy hoạch giao thông Long An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Vùng giáp ranh giữa Long An và Tây Ninh có vị trí địa lý khá đặc biệt khi nằm trong vùng chuyển tiếp giữa TP.HCM và Campuchia. Vì vậy, trong quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 6 trục động lực kinh tế thì đã có 3 trục động lực liên quan đến khu vực này.
Long An và Tây Ninh sẽ trở thành một trong những khu vực sôi động kinh tế
Đầu tiên là trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, nhằm kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây với vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và TP.HCM.
Hai là trục động lực quốc lộ N1, kết nối Long An với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Ba là trục động lực Đức Hòa để kết nối cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hòa, Bến Lức với TP.HCM.
Song song đó, hệ thống giao thông trong khu vực này cũng được quy hoạch mở rộng thêm rất nhiều trong tương lai.
Để phát triển trục động lực đầu tiên, quy hoạch có đường mở mới Bình Chánh - Lương Hòa - Bình Hòa Bắc - Mỹ Quý Tây, đi từ cửa khẩu Mỹ Quý Tây ở biên giới hướng tây bắc huyện Đức Huệ đi xuống tây nam huyện, nối vào đường vành đai 4 TP.HCM ở xã Bình Hòa Nam.
Với trục động lực quốc lộ N1, quy hoạch sẽ mở rộng tuyến đường 838C đang kết nối từ Long An sang Tây Ninh hiện tại, cùng với tỉnh lộ 838, để trở thành quốc lộ 14C, nối từ khu vực biên giới Mỹ Quý Tây và tỉnh Tây Ninh xuống trung tâm huyện Đức Huệ.
Sau đó kết nối với đường quốc lộ N1 ở thị trấn Đông Thành, kết nối theo quốc lộ N1 tiếp tục đi về hướng tây sang các huyện vùng Đồng Tháp Mười thuộc Long An rồi sang tỉnh Đồng Tháp.
Với trục động lực Đức Hòa, quy hoạch có đường mở mới nối từ đường tỉnh 838, theo đường tỉnh 822B đến gần ngã tư Tân Mỹ (Đức Hòa), phóng qua các xã Đức Lập Thượng, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ đến ranh TP.HCM và kết nối vào đường Võ Văn Kiệt nối dài.
Gần đó còn mở mới thêm đường Đức Hòa Thượng - Tân Hội, đường Mỹ Hạnh… và còn có đường mở mới Tây Bắc (823D), nối từ vòng xoay Hòa Khánh Đông đến TP.HCM đang được thực hiện.

Khu vực giáp ranh Tây Ninh đang có nhiều công trình giao thông như đường Hồ Chí Minh (cao tốc Bắc - Nam phía tây), đường mở mới Tây Bắc (823D), nâng cấp cải tạo đường 822... - Ảnh: SƠN LÂM
Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều đường mở mới quan trọng như đường mở mới kết nối quốc lộ N1 và N2 từ trung tâm thị trấn Đức Huệ đi đến nối vào cao tốc Bắc Nam phía Tây ở xã Lộc Giang (Đức Hòa) để sang Tây Ninh. Mở thêm đoạn đường tỉnh 823C theo ranh giới Long An và Tây Ninh.
Theo tầm nhìn đến năm 2050, khi những tuyến đường mở mới này được đầu tư thêm, khu vực giáp ranh giữa Long An và Tây Ninh sẽ trở thành một trong những khu vực sôi động kinh tế, gắn chặt với hành lang kinh tế theo vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM.
Bổ sung vào hệ thống các khu vực kinh tế quan trọng của Long An như vùng trung tâm Đức Hòa, và của Tây Ninh như vùng thị xã Trảng Bàng…
Tây Ninh "giải phóng sức bật" gắn với cửa khẩu Mộc Bài
Với những chuyển biến hạ tầng thời gian gần đây, cùng với dự kiến sáp nhập tỉnh thành sắp tới, nhiều chuyên gia đánh giá Tây Ninh có thể "giải phóng sức bật" gắn với kinh tế cửa khẩu.
Tây Ninh có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là cửa khẩu lớn của cả khu vực phía Nam. Theo "chiều dọc" thì có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang chuẩn bị khởi công. Theo "chiều ngang" thì các tuyến đường kết nối Tây Ninh với Long An, Bình Dương, Bình Phước cũng dần hình thành.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa dự kiến thông xe sớm ngay trong năm 2025. Dự án đường vành đai 4 TP.HCM dự kiến khởi công trong năm nay cũng tạo hành lang thông suốt với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và các tuyến đường khác để các tỉnh Đông Nam Bộ giao thương qua cửa khẩu Mộc Bài.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa qua địa bàn tỉnh Tây Ninh chuẩn bị được thông xe trong năm nay, trong đó cầu Thanh An bắc qua sông Sài Gòn đã hợp long từ tháng 3-2025 - Ảnh: TUẤN DUY
Một doanh nghiệp cho biết nếu Tây Ninh và Long An sáp nhập thì với các tuyến đường đã và đang được hình thành, hàng hóa nguyên liệu từ Long An có thể không nhất thiết đi qua các tuyến đường cũ kẹt xe mà có thể cùng với Tây Ninh qua các cây cầu và con đường mới, "đi tắt" qua Bình Dương rồi về sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép - Thị Vải...
Bên cạnh các thế mạnh truyền thống như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch..., thời gian tới Tây Ninh hoàn toàn có thể phát triển các lĩnh vực mới như công nghiệp, đô thị, dịch vụ để mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Đã có những nhà đầu tư lớn về Tây Ninh tìm hiểu cơ hội hợp tác. Vừa qua Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) và Tổng công ty Becamex IDC cũng đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về ý tưởng nghiên cứu các khu công nghiệp lớn tại tỉnh này, gắn với đó là mở thêm tuyến đường 10 làn xe kết nối Tây Ninh và các tỉnh lân cận...
Vàm Cỏ Đông là tuyến đường thủy quan trọng
Nằm giữa vùng là tuyến đường thủy quan trọng của Long An dọc theo sông Vàm Cỏ Đông. Tuyến đường thủy này kết nối từ Tây Ninh xuống Long An, qua các khu vực cảng Mỹ Thạnh Bắc, cảng Hiệp Hòa của hai huyện Đức Huệ, Đức Hòa xuống đến hệ thống cảng huyện Bến Lức, đi ra đến cảng quốc tế Long An ở huyện Cần Giuộc.
Quy hoạch đặt tên tuyến đường thủy này là Tân Tập (Cảng quốc tế Long An) - Bến Lức - Đức Hòa. Tuyến được đưa vào chương trình nâng cấp, cải tạo thường xuyên và phát triển bền vững trong giao thông đường thủy của tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận