08/06/2024 07:59 GMT+7

'Vầng trăng thơ ấu': Phim thấm đẫm tình mẫu tử về tuổi thơ Bác Hồ

Trong phim 'Vầng trăng thơ ấu', hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung thông minh, hoạt bát và người mẹ Hoàng Thị Loan nhân từ nổi bật giữa câu chuyện gia đình chìm nổi.

Diễn viên trẻ Ngô Lệ Quyên trong vai bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ, trong bộ phim Vầng trăng thơ ấu - Ảnh: ĐPCC

Diễn viên trẻ Ngô Lệ Quyên trong vai bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ, trong bộ phim Vầng trăng thơ ấu - Ảnh: ĐPCC

Đã có nhiều bộ phim làm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tuổi thơ của Bác vẫn là chủ đề ít được điện ảnh Việt khai thác. Từ tinh thần đó, phim Vầng trăng thơ ấu được Nhà nước đặt hàng Công ty cổ phần phim Giải Phóng sản xuất.

Hình ảnh "vầng trăng thơ ấu" xuất hiện ở cuối phim chính là người mẹ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung - bà Hoàng Thị Loan - khi bà đã ra đi mãi mãi nhưng vẫn luôn là vầng trăng soi sáng đường đời của con trai mình.

Tình mẹ bao la, lòng yêu nước thương dân

Dài hơn một tiếng rưỡi, Vầng trăng thơ ấu kể chuyện từ khi ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan đưa hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Côn) vào Huế để ông Sinh Sắc theo nghiệp đèn sách.

Cả gia đình đi bộ từ Nghệ An vào Huế, vượt qua những đồi cát lớn, leo lên những ngọn núi bằng đường mòn, đi thuyền... Trên đường đi, bà Loan tần tảo gánh hành lý, chăm lo cho chồng con. Dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé Côn đã luôn lo lắng, động viên, bóp chân cho mẹ. 

Khi sống ở nơi đất khách, để chồng chuyên tâm đèn sách, người phụ nữ yêu chồng thương con là bà Loan gồng gánh việc sinh nhai, vừa chăm con vừa ngày đêm dệt vải.

Trailer phim Vầng trăng thơ ấu

Ngay từ những phút đầu tiên, phim đã khắc họa mối liên kết mẫu tử thiêng liêng giữa cậu bé Côn và người mẹ hiền lành, nhân từ, bao dung.

Dù rất hiếu động, có phần nghịch ngợm khiến bố mẹ lo lắng, nhưng cậu bé Côn cũng giàu lòng trắc ẩn, yêu thương tha thiết những người xung quanh mình. Cậu học hỏi đức tính ấy từ mẹ và cha - một sĩ phu yêu nước, chính trực.

Xuyên suốt bộ phim, nhân cách cao đẹp của cậu bé Côn ngày càng được vun đắp mạnh mẽ. Cậu đau lòng khi chứng kiến người dân Việt bị quan Pháp nhục mạ, đánh đập. Cậu tổn thương sâu sắc sau bi kịch của người bạn thân tên Đồng, một cậu bé người lai bất hạnh.

Cùng với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, cậu cũng bộc lộ tư chất thông minh, đĩnh đạc, mạnh dạn và ham học hỏi từ nhỏ.

Vì nghiệp học, ông Nguyễn Sinh Sắc phải xa nhà, đưa hai con trai theo cùng để dạy dỗ. Bà Hoàng Thị Loan ở Huế, mang thai và sinh con khi sức khỏe ngày càng suy giảm đúng lúc mất mùa, đói kém, bắt bớ.

Em bé đói sữa khóc ngặt trên tay, cậu bé Côn phải bế em đi xin sữa...

Cậu bé Côn bế em đi xin sữa, em khóc ngặt trên tay - Ảnh: ĐPCC

Cậu bé Côn bế em đi xin sữa, em khóc ngặt trên tay - Ảnh: ĐPCC

Vầng trăng thơ ấu dành nhiều thời lượng và cảm xúc để khắc họa mất mát lớn trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là khi bà Hoàng Thị Loan qua đời vào năm 1901 vì bệnh nặng, sức yếu.

Năm đó 11 tuổi, cậu bé Côn đã cảm nhận được nỗi đau mất mẹ. Cậu liên tục khóc và gọi "Mẹ ơi" khiến những người chứng kiến đều đau xé lòng.

Dàn diễn viên xứ Nghệ đóng gia đình Bác Hồ

Vầng trăng thơ ấu không đột phá về nghệ thuật làm phim mà mang tính truyền thống với cách kể chuyện quen thuộc.

Điểm sáng của phim là dàn diễn viên chính, đặc biệt là phần lớn đất diễn được dành cho diễn viên nhí Phạm Hữu Đại vai cậu bé Nguyễn Sinh Cung, diễn viên trẻ Ngô Lệ Quyên vai bà Hoàng Thị Loan và diễn viên Trần Việt Bắc vai ông Nguyễn Sinh Sắc.

Diễn viên nhí Phạm Hữu Đại khắc họa cảnh cậu bé Côn (Cung) đau lòng vì người dân Việt bị đàn áp - Ảnh: ĐPCC

Diễn viên nhí Phạm Hữu Đại khắc họa cảnh cậu bé Côn (Cung) đau lòng vì người dân Việt bị đàn áp - Ảnh: ĐPCC

Phim quy tụ các diễn viên phần lớn là người xứ Nghệ, nói giọng Nghệ, cùng trải qua 2 tháng chịu nắng, mưa bão ở Huế và Nghệ An để quay phim.

Điều mà các nhà làm phim mong muốn mang lại là câu chuyện về thời thơ ấu nhiều mất mát to lớn nhưng cũng chan chứa tình yêu thương và giàu trải nghiệm sống của Bác để truyền cảm hứng cho thế hệ sau, đặc biệt là trẻ em hôm nay.

Về khâu trang phục, phim có những bộ trang phục với chất liệu và kiểu dáng hơi mới mẻ so với thời kỳ đó. Một số diễn viên phụ nhập vai còn gượng gạo.

Cảnh phim cậu bé Côn chăm sóc mẹ trong những ngày cuối cùng của bà - Ảnh: ĐPCC

Cảnh phim cậu bé Côn chăm sóc mẹ trong những ngày cuối cùng của bà - Ảnh: ĐPCC

Ông Nguyễn Tiến Hưng, tổng giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng, chia sẻ trước đây hãng phim Giải Phóng chưa thực hiện phim nào về đề tài Bác Hồ nên cảm thấy thiếu sót.

Về tuổi thơ và thời niên thiếu của Bác, hầu như chưa có phim điện ảnh nào làm nên hãng quyết định triển khai. Ê kíp thực hiện chọn giai đoạn gia đình Bác từ Nghệ An vào Huế sinh sống và gặp nhiều biến cố nhất.

"Tôi chọn thời điểm này để sau này bộ phim sẽ có giá trị về mặt lịch sử, đồng thời có giá trị giáo dục cao. Bác là người con hiếu thảo, thông minh, có lòng nhân ái từ thuở còn là một cậu thiếu niên.

Tất cả những điều tái hiện trong phim đều dựa trên tài liệu đồng thời thông qua những giai thoại của các nhà sử học đang sinh sống tại Huế" - ông Hưng cho biết.

Mong Vầng trăng thơ ấu được chiếu rộng rãi

Sau buổi chiếu phim đầu tiên vào ngày 5-6 tại TP.HCM cho ê kíp của Công ty cổ phần phim Giải Phóng và bạn bè trong giới điện ảnh, nhiều khán giả bày tỏ mong muốn phim được chiếu rộng rãi ở rạp thương mại để đưa người thân đi xem.

Về việc này, Công ty cổ phần phim Giải Phóng đã có kế hoạch nộp lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đơn xin cấp phép chiếu rạp, bán vé tương tự phim Đào, phở và piano.

Buổi chiếu phim Vầng trăng thơ ấu diễn ra tại TP.HCM tối 5-6, nhân 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2024).

Sự kiện có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, phó trưởng Phòng văn hóa - văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; bà Phạm Thị Như Thúy - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Trường Lưu - chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM;

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Kỷ, đại diện văn phòng Cục Điện ảnh tại TP.HCM; bà Dương Cẩm Thúy, chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM...

Sắp có phim về thời thơ ấu của Bác Hồ, tên Vầng trăng thơ ấuSắp có phim về thời thơ ấu của Bác Hồ, tên Vầng trăng thơ ấu

Phim làm về cuộc đời của Bác Hồ thời còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ ra Huế sinh sống vừa được công bố những hình ảnh đầu tiên, tác phẩm có tên Vầng trăng thơ ấu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên