29/10/2014 15:52 GMT+7

Vàng hồi hộp, cổ phiếu hân hoan chờ kết quả họp FED

CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)
CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)

TTO - Vàng kỳ hạn thế giới giao dịch gần mức sàn 2 tuần 1.222,20 USD/ounce, trong khi Phố Wall tăng vọt hơn 1% trước khi Cục Dự trữ liên bang FED công bố kết quả cuộc họp chính sách ngày 29-10 (giờ Mỹ).

Các nhà đầu tư trên Phố Wall hôm 28-10 - Ảnh: Reuters

13g35 ngày 28-10 (giờ New York), vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex tăng dưới 0,1% lên 1.229,40 USD/ounce. Trước đó giá đã chạm mức 1.222,20 USD/ounce - thấp nhất đối với các hợp đồng giao dịch khối lượng lớn từ ngày 15-10.

Tính trong ngày 28-10, kim loại vàng lên 0,5% trước khi xóa sổ mức tăng do tác động của báo cáo chính phủ cho thấy đơn đặt hàng hóa lâu bền bất ngờ giảm trong tháng 9. Chỉ số biến động vàng 30 ngày cũng tăng khi các nhà đầu tư dựa vào dữ liệu kinh tế để dự đoán thời gian FED sẽ bắt đầu tăng chi phí đi vay.

Từ tháng 12-2008 đến tháng 6-2011, vàng đã tăng 70% khi Ngân hàng trung ương Mỹ mua nợ và hạ lãi suất đi vay xuống gần 0%, để vực dậy tăng trưởng. Dự kiến FED sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng tháng trong cuộc họp diễn ra 2 ngày 28 và 29-10.

Các nhà buôn đã có "phản ứng ngay tức khắc" trước dữ liệu đơn hàng hóa lâu bền đáng thất vọng, theo nhận xét của chiến lược gia hàng hóa cấp cao Mike Dragosits tại TD Securities ở Toronto.

Giá đã rớt khỏi mức cao khi các nhà đầu tư hạ nhiệt "chờ ngày mai". Thị trường lúc này đang trong trong tình trạng “theo dõi”.

Sau khi FED khẳng định các nền kinh tế nước ngoài trì trệ là nguy cơ đối với M, vàng ngày 6-10 phục hồi 6,1%. Theo đó, hôm 15-10 giới đầu tư đã cắt giảm còn 50% xác suất ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất đi vay, trước đó hôm 30-9 là 79%.

Bạc kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex tăng 0,4% còn 17.226 USD/ounce. Trên sàn New York Mercantile Exchange, palladium giao tháng 12 tăng 0,8% lên 793,35 USD/ounce. Giá kim loại này đã tăng 8 phiên liên tiếp và là chuỗi tăng dài nhất kể từ ngày 18-8. Platinum giao tháng 1 tăng 0,9% lên 1.266,30 USD/ounce.

Chứng khoán Mỹ hôm 28-10 tăng hơn 1%, với chỉ số S&P 500 chốt cao hơn mức trung bình 50 ngày lần đầu tiên kể từ ngày 29-9, nhờ thu nhập khả quan đã xóa dần lo ngại của giới đầu tư về triển vọng của các tập đoàn nước này.

Tốc độ tăng lan rộng trong 10 nhóm ngành chủ chốt của S&P 500. Cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhất trong ngày với 2,2%.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 187,81 điểm, tương đương 1,12%, lên 17.005,75. Chỉ số S&P 500 tăng 23,42 điểm, tương đương 1,19%, lên 1.985,05 và Nasdaq Composite tăng 78,36 điểm, tương đương 1,75%, lên 4.564,29.

Theo dữ liệu giao dịch BATS, khoảng 6,17 tỉ cổ phiếu đã được giao dịch tại Mỹ trong ngày 28-10 - dưới mức lũy kế tháng trung bình là 7,92 tỉ.

Thêm một dữ liệu khả quan khác, đó là niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Dữ liệu này đã làm lu mờ báo cáo cho thấy các đơn hàng bền bỉ tháng 9-2014 bất ngờ giảm mạnh nhất trong 8 tháng qua.

Chứng khoán châu Á ngày 29-10 tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng theo đà tăng của Phố Wall, và triển vọng FED sẽ tái khẳng định quyết định sẵn sàng chờ thêm một thời gian nữa mới tăng lãi suất.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật) tăng 0,3%, dẫn đầu là Hàn Quốc tăng 0,6%. Trong khi đó sàn Nikkei Nhật Bản tăng nhẹ 0,5%. Đồng USD giao dịch ở mức 108,12 yen - không xa so với mức cao nhất 2 tuần 108,36 yen đạt được hồi tuần trước.

Đồng euro hôm 28-10 tăng lên mức cao nhất 1,2765 USD và đứng ở mức 1,2738 trong phiên giao dịch đầu ngày 29-10 tại châu Á. 

 

CHÂU LUÂN (Theo Bloomberg)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên