22/01/2016 17:25 GMT+7

​Vận tải công cộng phát triển mạnh mới hạn chế xe cá nhân

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Ngày 22-1, Bộ GTVT và Sở GTVT TP tổ chức tọa đàm “Các giải pháp chống ùn tắc giao thông TP HCM giai đoạn 2016 - 2020” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT cho biết sở sẽ nghiên cứu và triển khai một số chính sách thực hiện kiểm soát xe cá nhân như quản lý phương tiện đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận mua xe, tăng phí đăng ký xe và một số giải pháp gián tiếp như thu phí lưu thông vào khu vực trung tâm TP, hạn chế một số loại xe cá nhân lưu thông vào một số tuyến đường khu vực trong các thời điểm nhất định, cấm dừng đậu xe…

Ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM cho rằng cần thu phí xe cá nhân vào khu vực trung tâm TP thì người sử dụng xe cá nhân sẽ giảm dần. Hiện nay hạ tầng giao thông sử dụng chưa tốt, trong đó nhiều địa phương lại thu phí người buôn bán nên không còn đường dành cho người đi bộ, vì vậy cần bỏ việc thu phí vĩa hè.

Qui hoạch phát triển đô thị vệ tinh của TP chưa rõ. Chẳng hạn việc phát triển TP về khu Nam nhưng chưa có định hướng phát triển các trục giao thông trọng điểm để kết nối và chưa có các công trình phụ trợ cho các trục giao thông nhằm giải quyết ùn tắc giao thôn trên các tuyến đường - ông Quân nói.

Bày tỏ sự không hài lòng về vận tải hành khách công cộng TP chỉ đạt tỉ lệ 9,9% nhu cầu hành khách đi lại vào năm 2020, theo ông Quân tỉ lệ này là quá thấp và đề nghị cần tập trung phát triển xe buýt.

Tương tự, PGS,TS Phạm Xuân Mai - trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng  tỉ lệ 9,9 % trên là bảo đảm sự “an toàn” về chỉ tiêu của Sở GTVT, trong khi cách đây 10 năm TP đã đạt tỷ lệ 7%.

Để tăng tỷ lệ người đi xe buýt, Sở GTVT cần đẩy mạnh phát triển xe buýt nhanh - BRT vì vốn đấu tư thấp, thời gian thi công ngắn hơn nhiều so với đầu tư metro. Ông Mai đề nghị TP cần có cơ chế, chính sách rõ ràng sẽ có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia.

Bởi vì qua nghiên cứu TP có thể triển khai được 25 tuyến xe buýt BRT chứ không phải chỉ 8 tuyến BRT theo qui hoạch của Sở, sẽ góp phần tăng tỷ lệ đạt 20% khách đi xe buýt vào năm 2020.  

Về giảm xe cá nhân TP nói mãi mà không làm được, ông Pham Xuân Mai TP đề nghị TP cần xây dựng nhiều bãi đậu xe ngầm  hoặc trên cao để người dân có chỗ gửi xe gắn máy, ô tô đi bộ hoặc đi xe buýt vào trung tâm TP và cần xử phạt nặng đậu xe trên vỉa hè để trả lại đường cho người đi bộ. 

Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM cho rằng vào tháng 4-1975 TP chỉ có 800.000 xe ô tô và gắn máy nay số lượng xe tăng lên gấp gần 10 lần. Rõ rang là sự phát triển đô thị  của TP quá nhanh nên không thể tránh khỏi kẹt xe.

Trong mấy năm gần đây điều đáng buồn là xe buýt đang sụt giảm hành khách đi lại. Do đó, để hạn chế xe cá nhân cần phải nhanh chóng phát triển vận tải hành khách công cộng đi trước một bước và sau đó mới tính đến hạn chế xe cá nhân, trong đó cần xem xét hạn chế trước xe ô tô hoặc xe gắn máy hoặc hạn chế cùng lúc cả hai loại xe này.  

Ông Trần Đình Thọ - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng TP.HCM chỉ  mới giao thông  trên mặt đất mà chưa có giao thông trên cao (đường trên cao) thì đương nhiên xảy ra ùn tắc giao thông ở TP. Do đó TP cần phải thực hiện nghiêm túc về quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.   

 

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên