PGS-TS Văn Như Cương - Ảnh: VIỆT DŨNG
Có thể nói, ông thuộc "thế hệ vàng" những chuyên gia giàu tâm huyết và cũng thẳng thắn đến gay gắt.
Người luôn làm "nóng" các diễn đàn giáo dục
Tư duy sắc sảo, đặc biệt là quan điểm luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên đã khiến tiếng nói của ông được sự quan tâm, đồng thuận của dư luận xã hội.
Đã có rất nhiều vấn đề nhạy cảm mà người khác e ngại chưa đề cập thì PGS Văn Như Cương không ngại bày tỏ ý kiến thẳng thắn. Khi câu chuyện 34.000 tỉ đồng để đổi mới chương trình SGK được đưa ra tranh luận, ông đã thẳng thắn cho rằng, biên soạn một bộ sách chỉ cần 34 tỉ, thoáng hơn thì 50 tỉ là cùng.
PGS-TS Văn Như Cương cũng có những bài phân tích, hé mở những bất cập trong vấn đề xây dựng chương trình, viết SGK, sức ép từ nhiều phía và quan điểm sai lầm khiến người xây dựng chương trình SGK đưa vào chương trình phổ thông những kiến thức hàn lâm, quá khó, xa rời thực tế cuộc sống và đặc biệt là vô bổ với học sinh.
Ông cũng chỉ ra nhiều bất cập trong các cuộc đổi mới liên tiếp về thi cử, đặc biệt là kì thi THPT quốc gia…
Tiếng nói phản biện, không né tránh, không nhân nhượng với những yếu kém bất cập, tiêu cực trong giáo dục khiến một số người e ngại ông. Nhưng rõ ràng đó là tiếng nói cần thiết, giúp xã hội, giúp các trường có một kênh thông tin khách quan, giúp các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc, điều chỉnh.
Vị hiệu trưởng đặc biệt
PGS-TS Văn Như Cương là người sáng lập trường THPT Lương Thế Vinh. Đây là một trong những trường dân lập thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam và cũng là một trong số ít trường ngoài công lập gây dựng được danh tiếng nhờ chú trọng đến chất lượng.
Khác với các trường ngoài công lập cùng thế hệ, trường THPT Lương Thế Vinh nằm trong tốp các trường có sức hút rất mạnh vào mỗi mùa tuyển sinh đầu vào. Điểm chuẩn vào trường này luôn ngang bằng với một số trường công lập thuộc tốp đầu Hà Nội.
PGS Văn Như Cương trao đổi về chất lượng giáo viên tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ năm 2013 - Clip: Truyền hình Tuổi Trẻ
Ngay khi thành lập, PGS-TS Văn Như Cương không đặt cao việc đầu tư nóng vào cơ sở vật chất, duy trì mức học phí trung bình để học sinh có hoàn cảnh kinh tế bình thường cũng có thể đủ điều kiện học tập.
Cái ông nhắm đến là chất lượng. Trường đặt ra cơ chế đặc biệt trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên, vì thế thu hút được khá nhiều thầy, cô giáo dạy giỏi tham gia thỉnh giảng. Chất lượng và nề nếp là những yếu tố luôn được coi trọng.
Phải đến những năm gần đây, trường mới mở rộng, xây dựng được cơ sở khang trang. Khi đó thương hiệu Lương Thế Vinh đã được khẳng định.
Rời vị trí hiệu trưởng nhà trường từ lâu nhưng thầy Cương vẫn theo sát những hoạt động của trường. Những ngày đau ốm, ông ở lại luôn phòng làm việc ở trường để bất cứ lúc nào cũng có thể nhìn thấy các học sinh của mình.
Chúng ta là một xã hội hiếu học, nhưng hiếu học của chúng ta bây giờ rất lạc hậu, ai cũng phải vào đại học, ai cũng tốt nghiệp đại học, mặc dù tốt nghiệp đại học cũng thất nghiệp khá nhiều".
Thầy Văn Như Cương
Tượng đài của nhiều thế hệ học sinh
Thầy Văn Như Cương và gia đình - Ảnh: NGUYỄN GIA PHONG
Ba năm chống chọi với căn bệnh ung thư, thầy Văn Như Cương vẫn giữ được sự lạc quan, tình cảm gắn bó với nghề, với học sinh. Các dịp khai giảng năm học, ông vẫn gắng có mặt để gặp gỡ học sinh.
Các bài trò chuyện đầu năm học của thầy giản dị, lắng động, thấm thía đã được hàng ngàn học sinh chia sẻ.
"Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ".
"Đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc tự ti, sợ hãi không phải mục tiêu của giáo dục".
"Trước hết phải là người tử tế".
Những câu nói đó của ông được rất nhiều nhà giáo, nhiều học sinh ghi nhớ và nó luôn đúng, luôn còn ấm nóng tính thời sự.
Là người có tiếng nói phản biện gay gắt trên các diễn đàn giáo dục, nhưng với học sinh, PGS-TS Văn Như Cương thực sự là một ông đồ nhân hậu, thân thiện. Ông nghiêm với những thói xấu của trò, nhưng lại luôn tạo cho các em cảm giác gần gũi hệt như ông là người cha, người ông trong gia đình của mình.
Hành xử đó, tình cảm đó có sức ảnh hưởng rất mạnh. Và thật không có gì ngạc nhiên khi biết người thầy của mình bệnh nặng, hàng ngàn học sinh đã hát đồng ca, đã gấp hạc giấy để mong ông bình phục.
3.000 học sinh hát tặng thầy Văn Như Cương mong ông bình phục - Clip: YouTube
Một học sinh đã viết về thầy: "Thầy cực kì hóm hỉnh, thân thiện. Bao giờ gặp học sinh chào mình, thầy cũng vẫy tay cười, thậm chí còn đến gần hỏi các bạn học sinh chơi gì. Thầy là tượng đài của sự nhiệt tâm, nhân hậu và hết lòng vì học sinh".
Ở tuổi 80 nhưng Facebook của thầy Văn Như Cương vẫn thu hút rất nhiều người quan tâm tới giáo dục, đặc biệt là học sinh.
Ông không chỉ răn dạy học sinh mà luôn tự dặn chính mình, từ chuyện ra đường phải đội mũ bảo hiểm đến chuyện sinh hoạt thường ngày phải đúng mực vì mình phải làm gương cho học trò.
Khoảng trống PGS-TS Văn Như Cương để lại cho hàng vạn học sinh các thế hệ là có thật khi các em không còn nhìn thấy ông, không còn được đọc những bài viết hỏm hỉnh, sâu sắc của ông nữa.
Nhưng tình yêu của thầy để lại thì hẳn không bao giờ phai...
Vào năm 2013, trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ, một bạn đọc hỏi ông: "Người Việt Nam rất thông minh, nhưng kết quả nghiên cứu khoa học rất hạn chế, mà nguyên nhân một phần do văn hóa cộng đồng, làng xã của người Việt khiến mỗi người không dám sống "khác người" vì sẽ bị coi là lập dị, là gàn. Thầy có đồng ý không?".
Thầy Cương khi đó trả lời rằng: "Ta vẫn thường nói 'Ba anh thợ giày thành một Gia Cát Lượng'. Tuy nhiên với văn hóa người Việt, việc này ngược lại, ba anh Gia Cát Lượng ngồi với nhau có khi thành một anh thợ giày". Phát biểu này của ông đã gây ấn tượng mạnh cho nhiều người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận