Các nghệ sĩ trẻ tham quan cầu Hiền Lương - Ảnh: LINH ĐOAN
Trong bốn ngày của chuyến đi, các thành viên đã được thăm thành cổ Quảng Trị, thả hoa trên dòng Thạch Hãn, viếng nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn, thăm địa đạo Vịnh Mốc, vĩ tuyến 17 sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, cầu Đakrong, Làng Vây, sân bay Tà Cơn...
Trong đoàn có khá nhiều nghệ sĩ trẻ lần đầu tiên tham gia chuyến về nguồn. Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng, vừa tham gia biên đạo cho vở múa Hoàng hôn về đề tài hậu chiến, chia sẻ: "Tôi thích làm đề tài hậu chiến, khai thác thân phận phụ nữ.
Khi đến cầu Hiền Lương, đứng ở ranh giới chia cắt đất nước đằng đẵng mấy chục năm trời, tự nhiên tôi nghĩ đến hình ảnh người mẹ khi bị chia cắt với con trai ở phía bên kia cầu, đau đớn lắm. Nói chung chuyến đi cho mình nhiều kiến thức, cảm xúc, biết được nhiều điều bổ ích mà mình có thể đưa vào những sáng tác sau này".
Lần đầu tham gia chuyến về nguồn, Phạm Văn Đằng - tác giả trẻ đang gây chú ý trong lĩnh vực cải lương - bày tỏ: "Đến cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, sông Bến Hải... tôi càng hiểu giá trị hòa bình thật sự quá lớn, phải đánh đổi biết bao nhiêu xương máu của lớp tiền nhân.
Về chủ đề Trường Sơn, tôi có viết bài Mãi mãi tuổi đôi mươi cho Võ Minh Lâm ca. Khi viết, tôi tra cứu tài liệu trên mạng. Nhưng được đi thực tế như thế này mới thấy cảm xúc mãnh liệt vô cùng...".
Tham gia chuyến đi bên cạnh những nghệ sĩ trẻ còn có những nghệ sĩ kỳ cựu như nghệ sĩ Lê Thiện, tác giả Nguyễn Thanh Bình, Trần Văn Hưng, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Trần Xuân Tiến, Thế Hiển, ca sĩ Tạ Minh Tâm...
Bà Lê Thiện từng đi dọc Trường Sơn biểu diễn phục vụ chiến sĩ. Bà nghẹn ngào nói khi nghe tin Ban Tuyên giáo mời tham gia chuyến này bà mất ngủ cả hai đêm.
Mỗi địa điểm đi qua bà không ngăn được nước mắt. Khi đến viếng mộ chiến sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, bà thầm hỏi: "Các anh nằm đây có ai từng nghe tôi hát bài Khốc hoàng thiên ngày xưa không?". Rồi bà hát, bà khóc và mọi người cũng khóc theo bà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận