Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo - Ảnh: M.G
Hội thảo tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Hoàng Như Mai.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Mạnh Nhị - nguyên vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT - đặt câu hỏi vì sao giáo sư Hoàng Như Mai được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên yêu thích, các giờ dạy luôn cuốn hút để mọi người suy nghĩ và tự trả lời.
Theo ông Nhị, "giáo sư Mai là người truyền cảm hứng, giúp người học học văn từ cuộc sống, khác xa cách dạy và học hàn lâm. Thầy luôn yêu cầu học trò tự học, tự làm việc, sáng tạo còn thầy chỉ gợi ý ý tưởng và chủ yếu là truyền cảm hứng".
Từ đó ông Nhị đặt vấn đề vì sao nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH vẫn không thể viết một văn bản hoàn chỉnh, diễn đạt lủng củng, không biết cách hành văn. Một số ý kiến cho rằng cách dạy văn hàn lâm, chú trọng kiến thức sách giáo khoa như hiện nay đã làm học sinh ngán học văn, không có hứng thú khi nó sơ cứng và rập khuôn.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, thừa nhận chương trình Ngữ văn hiện hành về cơ bản vẫn tiếp cận theo hướng dạy học nội dung, chạy theo nội dung… vì thế nhiều nội dung vẫn nặng nề, hàn lâm, thiếu thiết thực.
Cũng theo ông Thống, chương trình phổ thông mới môn Ngữ văn sẽ được thiết kế theo hướng mở, không qui định chi tiết nội dung dạy học, chỉ yêu cầu các năng lực học sinh đạt được về ngôn ngữ, văn học.
Phương pháp dạy học chuyển từ nhồi nhét nội dung sang cách dạy hình thành và phát triển năng lực. Kiểm tra đánh giá cũng có nhiều thay đổi để hạn chế văn mẫu, học thuộc tài liệu có sẵn, thiếu chân thực…
Nhiều ý kiến đề xuất giảng dạy văn học theo chuyên đề, đẩy mạnh hoạt động trải nhiệm sáng tạo, truyền cảm hứng cho người học bằng các vấn đề tích cực của hiện thực xã hội, ứng dụng công nghệ trực quan, liên hệ tác phẩm văn học với thực tiễn cuộc sống…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận