22/10/2021 12:14 GMT+7

Văn hóa khẩu trang

TS TRẦN ĐỨC SĨ
TS TRẦN ĐỨC SĨ

TTO - Đại dịch COVID-19 vẫn đang là một vấn đề y tế toàn cầu. Số lượng người nhiễm và số ca tử vong trên thế giới vẫn chưa dừng.

Văn hóa khẩu trang - Ảnh 1.

Đeo khẩu trang khi giao tiếp, đi chơi, đi làm là một trong những điều cần thiết ở giai đoạn bình thường mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngay từ trước dịch, nhiều người Việt đã có thói quen mang khẩu trang khi đi xe máy để chống nắng, chống bụi. Nét văn hóa này giúp chúng ta dễ chấp nhận khẩu trang hơn các dân tộc, quốc gia khác, nhưng có lẽ nó cũng khiến một số người có những ngộ nhận. 

Nhiều người đã cảm thấy đủ an toàn khi mang khẩu trang đi đường, ở những nơi có nhiều người lạ, nhưng lại hoàn toàn không đề phòng "người quen". Họ mặc nhiên nghĩ rằng láng giềng, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp là những đối tượng "an toàn". Đâu đó có thể có người cảm thấy khó chịu khi người khác đeo khẩu trang tiếp chuyện mình. Một số người cũng vì thế mà ngại mang khẩu trang khi gặp gỡ người quen. 

Thực tế đã chứng minh ngược lại. Đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất cho thấy một khi một thành viên gia đình nhiễm bệnh, hầu hết những người sống chung nhà khó an toàn. Một số cụm lây nhiễm là những đồng nghiệp làm chung cơ quan, chểnh mảng khẩu trang trong không gian hẹp, kín, ít thoáng gió; có khi còn cùng nhau ăn trưa, hẹn ăn uống chia sẻ bàn bạc công việc, thời sự. 

Đó mới chính là lúc dịch bệnh lây lan. Từ nay, việc mang khẩu trang nơi công sở, nhà máy, xí nghiệp... phải được quy định như là một yêu cầu bắt buộc và được quản lý nghiêm, kèm các biện pháp chế tài. Các trường hợp ngoại lệ phải được nghiên cứu và quy định rõ ràng, bị giới hạn bởi những điều kiện nhất định hoặc một số hoàn cảnh đặc biệt nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm.

Đeo khẩu trang cũng làm giảm lây lan các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, cải thiện được ý thức vệ sinh, ý thức cộng đồng.

Khẩu trang nên được xem như một phần trang phục hằng ngày của mỗi người trong giai đoạn bình thường mới này. Việc mang khẩu trang khi nói chuyện, khi ở gần người khác phải được xem là một trong các phép lịch sự tối thiểu, một quy chuẩn trong xã hội.

Để bắt đầu một cuộc sống "bình thường mới", cần phải chấp nhận một nét văn hóa mới: văn hóa mang khẩu trang. Chúng ta đã trải qua nhiều đợt lây nhiễm cộng đồng. Nhưng sau mỗi giai đoạn giãn cách, khi các quy định về khai báo... được dỡ bỏ, người dân đều vội vã hướng đến một cuộc sống "bình thường cũ", một cuộc sống không khẩu trang. Điều hiển nhiên là sẽ có những đợt lây nhiễm cộng đồng mới.

Nhiều người dân nhìn ra thế giới và kỳ vọng rất nhiều vào miễn dịch cộng đồng, vào hiệu quả vắc xin. Cần hiểu rằng tác dụng của vắc xin chỉ là để phòng ngừa diễn tiến nặng. Ngoài ra, nhiều khả năng là vắc xin không thể tạo miễn dịch suốt đời, đặc biệt là với loại virus có mức độ biến chủng quá nhanh. 

Như vậy, mọi biện pháp đều nên được áp dụng và sẽ mang lại những lợi ích nhất định, nhưng không có bất cứ biện pháp nào hoàn toàn thay thế được khẩu trang trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh.

Mang khẩu trang khi ra đường còn giúp hạn chế tác động của ô nhiễm không khí.

Mang khẩu trang là có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Trang bị Trang bị 'mắt thần' nhắc đeo khẩu trang trên xe khách

Khi xã hội chuyển mình sang giai đoạn thích ứng an toàn, sống chung với dịch COVID-19, thì việc phòng dịch trên phương tiện vận tải khách sẽ vô cùng cấp thiết.

TS TRẦN ĐỨC SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên