20/10/2015 16:00 GMT+7

Văn đàn dậy sóng chuyện đạo thơ

TTO
TTO

TTO - Những lời trần tình của Phan Huyền Thư trên Tuổi Trẻ sáng 20-10 dường như đã "đổ thêm dầu vào lửa". Rất nhiều ý kiến lên tiếng phản ứng về việc này.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thẳng thắn nói trên Facebook của anh rằng: “Tôi chỉ ngạc nhiên về sự phi logic mà ít người nhận ra "làm thế nào để chị Thường Đoan đạo thơ của Phan Huyền Thư khi mà chính chủ nhân của nó giấu kỹ thơ trong hộc bàn của mình, chả ai biết cả từ năm 1996? Hay chị Thường Đoan có chìa khóa buồng nhà Thư? Hay một nhà thơ ở VN có thể đặt Hợp Lưu và tạp chí Thơ dài hạn nên đọc được bài thơ trên đó, trong khi chính tác giả cũng không biết hai tạp chí trên có đăng hay không"? Thư thật thiếu dũng cảm nhận lỗi!”.

Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, người trước đó ở vụ “đạo Du Tử Lê của Phan Huyền Thư” đã có một tối hậu thư mà Phan Huyền Thư phải nói lại, thì bày tỏ quan điểm:

“Hôm qua khi bị phanh phui bài thơ Bạch lộ giống bài thơ Buổi sáng của P.N.Thường Đoan, nhiều người vừa buồn vừa... thương Phan Huyền Thư. Rõ ràng quá nhiều đồng nghiệp không hiểu gì về Phan Huyền Thư!

Vì vậy, hôm qua tôi đã comment vào Facebook của chị Hằng Chu và chị Thu Ngoc Đoàn để nhắc nhở hai bà chị yêu quý rằng: Phan Huyền Thư sẽ trổ tài biên kịch để chống chế đến cùng. Đồng thời tôi cũng cam đoan với Bùi Thanh Tuấn rằng Phan Huyền Thư quen thói rồi, không nhận đạo thơ đâu chứ đừng nói đến động thái văn hóa là xin lỗi công chúng.

Bây giờ quả nhiên Phan Huyền Thư "sáng tác" ra câu chuyện: mình đã viết bài thơ Bạch lộ vào năm... 1996 và từng gửi qua... Mỹ để in. Phần kịch bản tiếp theo của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Phan Huyền Thư là gì? Sẽ tìm một người quen nào đó bên kia bờ đại dương đứng ra làm chứng giùm, ỡm ờ và õng ẹo tuyên bố: Ừ, à, ừ, ờ... từng nhận được bài thơ như thế nhưng thất lạc bản thảo rồi!”.

Bài thơ Buổi sáng của Thường Đoan in trong tập Đếm cát (NXB Văn Học xuất bản năm 2003 - trái) và bài thơ Bạch lộ của nhà thơ Phan Huyền Thư in trong tập thơ Sẹo độc lập (Nhã Nam & NXB Lao Động ấn hành năm 2014)

Nhưng không phải là không có người chân thành với Phan Huyền Thư, trên Facebook của nhà thơ Nguyễn Danh Lam, anh tự sự:

“Gửi Phan Huyền Thư. Giữa tôi và bạn có nhiều kỷ niệm trân quý, từ những ngày cùng đám trẻ măng viết lách lang thang ở Hội An. Tập thơ bạn ra, tôi mừng lắm, trích giới thiệu ngay trên báo... Sách tôi ra, bạn cũng gí tới cùng để lấy chữ ký làm kỷ niệm. Giữa lúc bạn... ngã mà tôi "khoe" kỷ niệm, mối quan hệ bè bạn với bạn, tôi khùng à? Không, đấy là sự trân trọng nghề nghiệp.

Từ hôm qua đến giờ, biết sự việc của bạn, tôi như người mất hồn. Thú thực chúng ta chưa thân đến mức độ đau cho nhau, bênh cho nhau, và cũng chẳng nên bênh nếu đó là sự thật, bạn xứng đáng... ăn roi lắm, đáng bị đánh đòn lắm.

Nhưng trong tôi có gì đó như đổ vỡ. Buồn. Và tôi vẫn muốn đứng bên bạn ở một khía cạnh nào đó. Nhớ lần trước khi sự việc "đạo lời giới thiệu" ở Văn Miếu, nửa đêm tôi cũng là người nhắn tin cho bạn, mong bạn vượt qua "tai nạn".

Tôi cũng nói với bạn bè: Hãy tưởng tượng một người nữ làm thơ, đầy nhạy cảm, bị đánh tơi tả, chắc cô đơn lắm, hoang mang lắm - nếu phải chọn giữa ba khả năng, mắng bạn vài câu - im lặng - hay chia sẻ, lúc ấy tôi đã chọn cách thứ ba.

Lần này tâm trạng của tôi cũng vậy, cũng muốn chọn cách thứ ba nhưng không được nữa rồi. Nếu sự việc xảy ra đúng vậy, bạn nên chân thành xin lỗi tác giả bài thơ gốc, xin lỗi tất cả mọi người, trong đó có cả tôi vì tôi đã giới thiệu chùm thơ bạn trên báo, trả lại giải thưởng, rút lui một thời gian cần thiết.

Ngã đâu đứng dậy ở đó, trả lại công bằng cho người khác Thư nhé!”.

Trên TTO, ý kiến các độc giả cũng khá đồng nhất. Độc giả Văn Minh nói: “Không thể tin cái chuyện sáng tác năm 1996 được, khi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cho in tập thơ này vào năm 2003 thì không thấy ai nói gì đến việc bài thơ có vấn đề trong suốt 12 năm (2015), còn Phan Huyền Thư chỉ mới xuất bản có một năm là bị phát hiện đạo thơ rồi.

Cá nhân tôi nghĩ cần phải kiểm tra lại toàn bộ tập thơ của nhà đạo thơ Phan Huyền Thư xem còn bài nào sao chép và chỉnh sửa không, tôi nghĩ có khả năng là còn khá nhiều bài đạo thơ chưa bị phát hiện”.

Bạn Trầm Hương đặt câu hỏi: "Nếu như là của mình, sao cô Thư đã nghe bài hát Phú Quang phổ nhạc bài thơ của Thường Đoan mà không có động thái phản đối gì?”.

Đặt vấn đề ai chịu trách nhiệm, độc giả Chu Văn Lai nói: “Bài thơ và bài hát được phổ nhạc cả trên 10 năm mà tác giả Huyền Thư không có phản ứng gì thì bất thường quá! Thơ sinh ra từ cảm xúc, mà cảm xúc ít khi nào đến với ta hai lần giống nhau nên các nhà thơ thường chỉ sửa một số từ trong bài chứ ít khi nào "cắt xén" kiểu Huyền Thư lắm!

Mà Hội Nhà văn Hà Nội cũng rất bất thường, tại sao không nhận ra được việc này hay các vị ấy chẳng đọc và so sánh mà cứ cho đại. Tôi nghĩ lỗi trước tiên thuộc về Hội Nhà văn Hà Nội!”.

Lật lại chuyện bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn, một số người cho rằng bài này đã được Phan Huyền Thư ghi tặng cho nhà thơ Đỗ Thị Tấc nhưng không hiểu sao khi vào sách, Huyền Thư lại ghi tặng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và có một diễn giải dài về lý do viết bài thơ này gắn với sự kiện liên quan đến nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Một bạn đọc đã chuyển cho TTO bằng chứng này từ bản thảo anh có của Phan Huyền Thư…

Bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn, một số người cho rằng bài này đã được Phan Huyền Thư ghi tặng cho nhà thơ Đỗ Thị Tấc nhưng không hiểu sao khi vào sách, Huyền Thư lại ghi tặng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và có một diễn giải dài về lý do viết bài thơ này gắn với sự kiện liên quan đến nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. 
TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên