Chất lượng giáo dục ĐH kém do đầu tư quá thấpTốt nghiệp THPT: tỉ lệ cao chót vót Thủ tướng làm chủ tịch Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo
Đã có quá nhiều lời kêu ca về một kỳ thi cồng kềnh, chỉ để xét tốt nghiệp mà năm nào cũng đạt tỉ lệ xấp xỉ 100% thì không biết “thi để làm gì?”.
Đáp lại thái độ bức xúc của xã hội, không ít lần lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phải đăng đàn lý giải: dù kết quả đỗ tốt nghiệp 98-99% hay cao hơn thì nhất quyết vẫn phải thi, vì thế mới đạt chuẩn, mới bảo đảm chất lượng.
Thế nhưng những phân tích có vẻ khoa học của Bộ GD-ĐT vẫn không thể thuyết phục được những chuyên gia giáo dục đã mất nhiều công nghiên cứu đổi mới thi cử. “Tại sao lại chậm trễ?”, “cớ gì lại chần chừ?” khi ý tưởng cho một kỳ thi “hai trong một” đã quyết, nhưng thời hạn thực hiện vẫn cứ là một “ẩn số” khó lường? Gần đây nhất, tại cuộc họp báo cuối tháng 6, dù khẳng định kỳ thi “hai trong một” là tất yếu nhưng ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lại bày tỏ những lo lắng trong tổ chức “một kỳ thi”: đơn vị nào tổ chức coi thi, chấm thi, ai có trách nhiệm ra đề, nội dung đề thi ra sao?... Xem ra vẫn còn một tâm lý chần chừ, lo bỏ thi tốt nghiệp là buông mất khâu quản lý chất lượng.
Thật ra có nhiều cách để đánh giá chất lượng giáo dục. Suốt 12 năm học phổ thông, bao nhiêu môn học là bấy nhiêu môn thi, chưa kể các kỳ kiểm tra theo quy định. Tại sao không coi mỗi năm học, mỗi học kỳ học sinh trải qua chính là một lần kiểm định? Sao không siết kỷ luật học đường, chấm thi, đánh giá nghiêm túc suốt quá trình học, từng môn học, môn thi, kỷ luật nghiêm giáo viên nâng điểm hay trù dập học sinh, tăng cường dân chủ hóa nhà trường để ngăn ngừa tiêu cực?
Hàng triệu thí sinh mất ăn mất ngủ, hàng chục triệu phụ huynh và người nhà thí sinh phấp phỏng. Rồi chi phí phòng ốc, điện nước, luân chuyển điều động giáo viên coi thi, rồi kẹt xe, bụi bặm, rồi nóng bức ngột ngạt, rồi áp lực kỳ thi đại học liền kề ngay sau đó... Bớt một kỳ thi tốt nghiệp sẽ làm xã hội giảm bớt áp lực, nhẹ nhàng hơn mà hiệu quả chất lượng vẫn bảo đảm. Nếu ngành giáo dục không mạnh dạn thay đổi thì giáo dục sẽ còn nặng nề, phụ huynh và học sinh sẽ còn đau đầu với hai kỳ thi liên tiếp đầy áp lực, mà mục tiêu nâng cao chất lượng “học để làm việc, làm người” vẫn cứ là bài toán xa vời...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận