20/05/2013 09:54 GMT+7

"Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế"

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Đó là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phần phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII tại Hà Nội sáng nay 20-5.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh HùngTrình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 199220-5 khai mạc kỳ họp Quốc hội, sẽ bàn nhiều vấn đề “nóng”

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết kỳ họp lần này được tiến hành trong lúc tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa thực sự bền vững; kinh tế trong nước đã có những chuyển biến tích cực.

Năm tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm trước, lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, hoạt động đối ngoại được tăng cường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

oxVcV555.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Việt Dũng
tN4CKgCy.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ hai từ phải sang) và các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm được giải quyết; tồn kho hàng hóa và bất động sản còn lớn; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn...

“Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết một lòng, có những giải pháp tích cực và đồng bộ, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho những năm sau” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng sau đây:

Một là, tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân.

Hai là, xem xét dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Ba là, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm, thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các vị được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây sẽ là một nội dung hoạt động quan trọng, thường niên của Quốc hội, bảo đảm để Nghị quyết của Quốc hội được thực thi trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân”.

Bốn là, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; thông qua 10 dự án luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2013 của Quốc hội và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.

Quốc hội cũng sẽ dành thời gian giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan Quốc hội; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, chánh án Tòa án NDTC, viện trưởng VKSNDTC và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo nêu trên của Chính phủ.

Chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tiếp đó là một số báo cáo liên quan đến ngân sách nhà nước, các dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi, bổ sung) và thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung).

Ngay trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự. Cụ thể, sáng thứ năm (23-5), Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc tờ trình Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Sau khi thảo luận, chiều cùng ngày Quốc hội tiến hành xem xét việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Thứ sáu (24-5) và sáng thứ bảy (25-5), Quốc hội tiếp tục xem xét công tác nhân sự.
V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên