Sách do Viện IRED và NXB Hội nhà văn ấn hành - Ảnh: MINH TỰ
Văn chương đã từng gõ cửa nhà văn, nhà lý luận - phê bình Huỳnh Như Phương nhiều lần và nó được đáp trả với gần 20 tác phẩm sáng tác lẫn nghiên cứu có giá trị. Lần này, văn chương lại gõ cửa, và "công tích" là tập tiểu luận Giấc mơ, Cảnh tượng và Cái nhìn.
Cuốn sách tập hợp 21 bài nghiên cứu, phê bình của tác giả đã từng công bố, được cấu tứ thành 3 phần một cách khoa học và đặt tên rất nên thơ: Gọi tên những giấc mơ (thơ), Những cảnh tượng trần gian (văn xuôi), Khoảng cách và cái nhìn (phê bình, lý luận). Cuốn sách có khả năng cuốn hút và mang lại bất ngờ cho người đọc ngay cả khi bạn đã đọc các tiểu luận này rải rác trên báo chí.
Đối tượng nghiên cứu của cuốn sách rất rộng với nhiều tác gia, tác phẩm và trào lưu: Trần Mai Châu, Nhất Hạnh, Trụ Vũ, Đỗ Hồng Ngọc, Chinh Ba, Lữ Quỳnh, Tam Ích, tạp chí Trình Bầy, văn xuôi hư cấu, những nhà văn khuynh tả ở miền Nam trước 1975, báo chí và phê bình văn học...
Cho dù khảo sát những đối tượng cũ hay mới, "chìm" hay "nổi" trên văn đàn, tác giả Huỳnh Như Phương cũng mang lại cho người đọc những kiến thức mới mẻ về nội dung lẫn phương pháp phê bình.
Ngay cách đặt nhan đề, tiêu đề của các tiểu luận trong cuốn sách cũng cho thấy sự gia công nghệ thuật và sáng tạo của người viết. Kháng cự Thơ Mới?, Bùi Giáng: thơ phơi giữa nắng, Mộ huyệt và cơn khát nắng, Cái chết và cuộc trở dạ, Văn xuôi - chứng từ của chiến tranh, Đầu thai nhằm lúc sao mờ, Khối tình mang xuống... Dạ Đài chưa tan, Tình thế của những nhà nghiên cứu văn học... đó là những câu chữ có sức vẫy gọi rất lớn.
Luôn luôn như vậy, không rộn ràng khái niệm, không rổn rảng thuật ngữ, GS Huỳnh Như Phương chinh phục người khác bằng những nhận định sắc bén nhưng điềm đạm với một kiểu văn phong mềm mại nhưng quả quyết.
Ông thường chỉ ra được "dấu vân tay" của mỗi nhà văn, đặc biệt là các nhà văn chưa được giới phê bình chú ý nhiều. Điều đó cho thấy sự âm thầm đãi cát tìm vàng, tôn trọng cái riêng trong sáng tác của các nhà văn không có huy chương với tinh thần tiên phong của một nhà nghiên cứu.
Đọc bài phê bình của Huỳnh Như Phương, ta luôn nhận được những nhận định có tính khái quát và gợi mở cao: "Bùi Giáng là một thứ của lạ, của hiếm trong văn học Việt Nam.
Ông là thứ quả mà cây văn chương chỉ kết được một lần"; "Bài thơ trên xương cụt" của Chinh Ba là "một trong những truyện ngắn hay nhất của văn học Việt Nam thế kỷ 20". Những tác phẩm như thế, cùng với những anh em ruột thịt của nó trong văn học miền Nam, qua "phong ba bão táp của thời cuộc, thiếu chút nữa thì bị bỏ quên bên dòng trôi đi vô tình của lịch sử...".
Ở một chừng mực nào đó, trong "sự điềm tĩnh của lý trí", ta sẽ nhìn thấy tấm lòng người viết muốn tái sinh những giá trị bị bỏ quên trong vô tình và cố tình của lịch sử. Đó chính là tính công bằng trong nghiên cứu văn chương, bởi vì cuộc đời văn chương cũng như cuộc đời con người, những thăng trầm xảy ra nhiều lúc không phải từ lỗi lầm mà từ vận mệnh của chính nó.
Hãy cùng nối tiếp Giấc mơ, mở rộng Cảnh tượng với Cái nhìn công bằng như một khát vọng công lý văn chương của GS Huỳnh Như Phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận