Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân của Ván bài lật ngửa
Bài đầu tiên, Tín lĩnh xướng giọng nam chính trong hợp ca Hòn vọng phu (Lê Thương) của chương trình Trường trung học công lập Mạc Đĩnh Chi (Q.6, Sài Gòn) năm 1970, trong một cuộc thi văn nghệ liên trường, khi anh đang học lớp 12 tại đây. Để lấp chỗ trống giờ chót, Tín còn được hát thêm 2 ca khúc Tìm nhau và Nghìn trùng xa cách (Phạm Duy).
Khi chương trình được Đài truyền hình Sài Gòn đưa lên, gương mặt trẻ đẹp và giọng hát ấm áp của Tín qua 3 bài hát, nhất là với Nghìn trùng xa cách, ngồi hát với đôi mắt buồn, đã làm xốn xang không biết bao nhiêu trái tim các cô nữ sinh thời ấy. Tín đã đi vào lòng người từ Nghìn trùng xa cách này.
Năm 1972, khi đang học luật khoa Đại học đường Sài Gòn, được chính nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (chủ sự phòng văn nghệ Đài phát thanh Sài Gòn) giới thiệu, Tín bắt đầu bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp, cho tới tháng 4-1975...*
Cuộc đời một diễn viên có khi chỉ cần một vai diễn là đã đủ để được nhớ đời.
Năm 1982, đoàn phim Ván bài lật ngửa 8 tập bấm máy. Tập 1 đã quay xong mà cả đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) lẫn tác giả kịch bản Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) đều không hài lòng về nam diễn viên chính, vai Nguyễn Thành Luân.
Người đạo diễn học Hollywood đã nhớ đến Nguyễn Chánh Tín (trước 1975 Tín đã tham gia các phim Vĩnh biệt tình hè do Lê Mộng Hoàng làm đạo diễn, Đời chưa trang điểm của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Riêng Đời chưa trang điểm đoạt 7 giải vàng, trong đó có Nguyễn Chánh Tín giành huy chương vàng diễn xuất. Ai nói anh là tay ngang trong điện ảnh là không đúng). Và ông Trần Bạch Đằng, bằng sự biết nhìn người, cũng đã đồng ý cho Tín thử vai. Tín đóng đạt đến nỗi ông tác giả đã dùng hết uy tín cá nhân để vận động cho Tín được vào vai.
Để sau 8 tập, cái tên Nguyễn Chánh Tín - Nguyễn Thành Luân đã còn lại mãi cho đến nay. Từ gương mặt, ánh mắt, vóc dáng, cách diễn..., Tín đã tạo nên một Nguyễn Thành Luân không thể quên trong lòng người hâm mộ.
Một vai nam mà cá nhân tôi cho là gây ấn tượng nhất (tôi không nói hay nhất) của điện ảnh Việt Nam, kể cả từ Bắc vào Nam, trước 1975 và cho tới nay.
Ca sĩ Nguyễn Chánh Tín
Ai cũng nhớ Tín với Nghìn trùng xa cách, nhưng với riêng tôi, Tín hát bài blues Đời tôi chỉ yêu một người (Huỳnh Anh) là hay nhất. Nghe câu hát ấy và nhìn cặp mắt liếc lẳng lơ của anh, thiệt tình chịu không nổi.
Từng có lúc cả mấy năm ngày nào cũng gặp nhau hàng buổi, tôi hầu như biết hết các câu chuyện của Tín với một danh sách dài những người không chịu nổi sức quyến rũ của cặp mắt ấy. Sự đào hoa của Tín là điều không thể chối cãi, giấu giếm, ai trong giới cũng biết. Nhưng người đáng nể nhất trong số "không chịu nổi" đó vẫn là ca sĩ Bích Trâm, người vợ đồng cam cộng khổ với anh trong những năm khó khăn nhất.
Cặp ca sĩ Nguyễn Chánh Tín - Bích Trâm đã từng có hàng chục năm đi hát các tụ điểm, thời vừa mở cửa. Trâm hơn Tín một tuổi, xuất thân con nhà quyền quý, học trường Tây, đi hát trước chồng, xưa nổi tiếng với bài Poupee de cire poupee de son (France Gall)...
Có lẽ tôi chưa thấy người vợ nghệ sĩ nào thương yêu chăm lo chịu đựng ông chồng bay bướm đến như vậy. Tới nhà, bao giờ tôi cũng thấy Bích Trâm (bạn tuổi mèo với tôi) lo bếp núc phục vụ chồng - như một ông vua - và bạn bè ăn nhậu như ý. Đúng là lạt mềm buộc chặt nên Trâm đã giữ chân được người nghệ sĩ đào hoa này. May phước cho anh!
Cuối đời Tín có nhiều chuyện buồn nhưng sau cùng, Tín đã ra đi nhẹ nhàng bên cạnh người vợ hết lòng yêu thương chăm sóc mình.
Với Tín vậy là để lại quá nhiều: những ca khúc, những vai diễn nằm sâu trong người hâm mộ.
Ván bài cuối của cuộc đời đã được lật, hãy yên nghỉ nhé Tín!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận