Tuy nhiên, vấn đề mà chính quyền và người dân trồng vải tại địa phương lo lắng là tình trạng gian lận trong xuất xứ và mã số vùng trồng vải Bắc Giang ở một số nơi khác.
Ông Nguyễn Thế Thi, phó chủ tịch huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Thi nói:
- Năm 2023, toàn huyện có hơn 17.000ha vải, sản lượng dự kiến trên 98.000 tấn. Dù mới đầu vụ nhưng đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến để tìm hiểu, khảo sát và ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều cho bà con nhân dân huyện Lục Ngạn. Năm nay là một trong những năm có sản lượng xuất khẩu rất lớn.
Tuy nhiên do tình hình nắng nhiều, khô hạn, thiếu điện nên huyện Lục Ngạn đã có các đề xuất, kiến nghị với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, trung ương, nhất là điện lực để ưu tiên đảm bảo điện cho các xưởng sản xuất, vùng đóng gói và bảo quản vải thiều lớn cho Lục Ngạn.
Chúng tôi cố gắng hạn chế thấp nhất việc cắt điện để bà con tiêu thụ vải thuận lợi. Với chỉ đạo của UBND Bắc Giang, tới đây sẽ có những khung giờ cắt điện, do vậy huyện đã đề nghị ngành điện rà soát để ưu tiên các vùng đang thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ vải thiều lớn.
* Theo người dân phản ảnh, có một số nơi trộn vải vùng khác với vải Lục Ngạn và sử dụng mã số vùng trồng của Lục Ngạn để bán. Hướng xử lý gian lận thương mại ra sao?
- Đã có một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải của Lục Ngạn để xuất khẩu hoặc mang tiêu thụ tại thị trường khác. Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương.
Đồng thời, tuyên truyền cho bà con hiểu, cam kết giữ thương hiệu, uy tín của vải Lục Ngạn vì nếu không giữ được mã số, thương hiệu thì thiệt hại rất lớn.
Trường hợp phát hiện các địa phương sử dụng mã số vùng trồng, mã số đóng gói của Lục Ngạn thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.
* Cụ thể sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
- Thương hiệu địa phương rất quan trọng. Ở đâu giữ được thương hiệu thì sẽ giữ được giá trị và phát triển bền vững. Tôi có thể khẳng định là không vùng nào có sản lượng, chất lượng tốt như vải Lục Ngạn.
Nếu phát hiện gian lận thương mại thì phải xử lý nghiêm, không những bằng xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự. Chúng ta cần có quy định nghiêm ngặt hơn như thu hồi, cắt các mã số.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp biết đến, không dám sử dụng mã số của Lục Ngạn. Vừa qua, có một trường hợp bị thu hồi mã số do mã đóng gói ở Lục Ngạn nhưng mang lên Sơn La đóng gói.
* Năm nay phía Trung Quốc, nơi nhập khẩu phần lớn vải Việt Nam, có những quy định gì mới hay không?
- Nhiều người cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng chúng tôi nhận định hiện tại và tương lai thì đây là thị trường khó tính và có quy định ngày càng nghiêm ngặt, khắt khe hơn.
Chúng tôi đã có những nghiên cứu, đánh giá giải pháp để nông sản nói chung và vải thiều nói riêng có thể tiêu thụ vào các thị trường có tiêu chuẩn cao. Ví dụ chỉ số test, đảm bảo an toàn xuất đi châu Âu, Mỹ còn tốt hơn quy định.
Với các lệnh 248, 249 của Trung Quốc, chúng tôi đã tuyên truyền, cảnh báo tới các hộ dân, doanh nghiệp thu mua để đảm bảo đúng yêu cầu của thị trường tiếp nhận.
* Còn với thị trường trong nước, năm nay địa phương có kế hoạch gì để xúc tiến tiêu thụ vải thiều?
- Chúng tôi không phân biệt thị trường trong hay ngoài nước. Chất lượng quả vải cũng như chế biến, bảo quản phải đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn cao nhất. Hiện nay, xuất khẩu có những hướng mở song trong nước cũng là thị trường tiêu thụ quan trọng.
Vải thiều Lục Ngạn đã đến được hầu hết các siêu thị, chuỗi cung ứng cao cấp nhất của Việt Nam. Từ đầu vụ, nhiều doanh nghiệp đã ký kết lâu dài để tiêu thụ vải cho người dân với giá ổn định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, tỉnh đã có chỉ đạo và Công ty Điện lực Bắc Giang đã có phương án cấp điện bảo đảm cho tiêu thụ vải thiều. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên cấp điện cho thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải gắn với đó là vận động nhân dân vùng vải chung tay tiết kiệm điện.
Ghi nhận ngày 10-6 tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), khu vực dành riêng cho vải thiều chờ xuất khẩu không có tình trạng ùn ứ. Đơn cử tại bãi xe Bảo Nguyên, rất ít xe container bốc xếp hàng hóa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Dương Thanh Tiệp - trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Tân Thanh - cho biết dự báo trong thời gian tới lưu lượng phương tiện gia tăng khi vải thiều vào chính vụ.
Do vậy, theo kế hoạch, nhiệm vụ của Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, cán bộ chiến sĩ của trạm sẽ tổ chức tăng ca và điều tiết, hướng dẫn phân luồng phương tiện ngay từ khi xe đến khu vực cửa khẩu.
Theo thiếu tá Tiệp, lực lượng biên phòng tại Trạm kiểm soát biên phòng Tân Thanh và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã chuẩn bị phương án tiếp nhận, làm thủ tục cho 100 - 200 xe vải thiều/ngày lên cửa khẩu Tân Thanh, đảm bảo thông thương nhanh chóng, công khai, minh bạch, tránh ùn ứ nông sản.
Trung bình các năm trước mỗi ngày có 100 - 150 xe vải thiều xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh.
Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng chủ trì với các lực lượng chức năng khác thống nhất với các doanh nghiệp họp bàn, thống nhất phương án để ưu tiên mặt hàng vải thiều xuất khẩu sớm, tránh thiệt hại kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận