31/05/2023 09:41 GMT+7

'Vắc xin số' bảo vệ trẻ trên mạng

Trong lúc chờ sửa đổi quy định về quản lý chặt chẽ các công ty công nghệ xuyên biên giới, câu chuyện tiêm "vắc xin số" để trẻ em lướt mạng an toàn được đặt ra như một yêu cầu cần làm ngay.

Vắc xin số bảo vệ trẻ trên mạng - Ảnh 1.

Cần có “vắc xin số” để bảo vệ trẻ an toàn khi giao tiếp với không gian mạng - Ảnh: Q.L.

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nói nhiều người nghĩ phải đến tiểu học, THCS hay THPT trẻ mới cần "vắc xin số" nhưng không phải thế vì trẻ mầm non đã sử dụng thiết bị thông minh, tiếp cận với Internet rồi. Ông cho biết:

- Một số nghiên cứu gần đây công bố 1/3 trẻ em, người chưa thành niên toàn cầu phải đối mặt với các hành vi bắt nạt, bạo lực và xâm hại trên môi trường mạng. Ở Việt Nam, qua một số điều tra, tới 92% trẻ em ít nhiều liên quan đến mạng. Nguy cơ trẻ bị tổn hại và xâm hại trên mạng không ít.

Thông tin, hình ảnh xấu độc không được ngăn chặn sẽ ngấm sâu, trở thành hành vi, ứng xử, lối sống lệch chuẩn, bạo lực, vi phạm đạo đức, pháp luật ở trẻ mà nếu không có giải pháp kịp thời sẽ hệ lụy nhiều thế hệ.

Ông ĐẶNG HOA NAM

Cần nhiều chủng loại "vắc xin số"

* Giải pháp như ông vừa nói có thể là gì?

Hệ sinh thái an toàn cho trẻ em, người trẻ trên không gian mạng có vẻ chưa được nhắc đến nhiều. Muốn an toàn trên Internet, phải có "vắc xin số" chính là kỹ năng số, năng lực tự bảo vệ. Không phải chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần kỹ năng số để biết chọn lọc thông tin cần thiết.

Khi ngồi trước máy tính, điện thoại, "hàng rào" bảo vệ trẻ có nguy cơ bị phá bỏ. Bắt đầu từ phụ huynh, rồi các cơ quan an ninh mạng, bảo vệ pháp luật phải giúp trẻ có kiến thức tự bảo vệ. Trẻ cần biết thông tin nào là xấu độc, kết bạn với ai, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thế nào, khi nào bấm like, share.

Hệ sinh thái số luôn thay đổi nên "vắc xin số" không chỉ tiêm một, hai lần mà cần lâu dài, thường xuyên để trẻ thích ứng với hành vi, thủ đoạn xâm hại mới của tội phạm mạng. Và phải có sự tham gia của nhiều bên, "tiêm" càng sớm càng tốt, không chỉ một mà mỗi độ tuổi sẽ có chủng loại riêng.

* Chúng ta đang hành động gì để có "vắc xin số" cho trẻ, thưa ông?

- Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng Tổ chức Childfund, UNICEF phát động cuộc thi ý tưởng về phát triển một số game online chứa kiến thức và kỹ năng về an toàn cho trẻ em, sẽ phổ biến trên không gian mạng và cả trong đời sống. Chúng tôi hy vọng các công ty sản xuất trò chơi trên mạng sẽ hiện thực hóa ý tưởng thành ứng dụng cho trẻ. Thách thức nhất là các sản phẩm lành mạnh, tử tế lại ít hấp dẫn hơn các sản phẩm xấu độc, không tử tế.

Chế tài nặng việc lợi dụng trẻ em

* Không thể không nhắc đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?

- Chúng ta hưởng lợi nhưng cũng khá bị động từ sự phát triển của công nghệ thông tin. Yêu cầu cấp bách là cần bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật, chính sách và có thể tiếp cận theo hướng các hành vi gây tổn hại cho trẻ em trên môi trường mạng đều phải xử lý, đánh giá mức độ tương tự các hành vi ngoài đời thực.

Cần quy định trách nhiệm cụ thể với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trên Internet. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhận hưởng lợi về kinh tế, vật chất, giá trị "mềm" như sự nổi tiếng, đông người theo dõi trên mạng phải có trách nhiệm giảm, lọc, chặn, gỡ hoặc sử dụng giải pháp công nghệ để bảo vệ trẻ em, nếu không phải bị xử lý. Cần có tình tiết tăng nặng để răn đe những ai lợi dụng môi trường mạng xâm hại trẻ, lợi dụng trẻ em để hưởng lợi.

Chúng ta đang lúng túng khi xử lý hành vi lợi dụng trẻ của nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng. Cần có quy định pháp luật chế tài xử lý vi phạm hành chính, nặng hơn là xử lý hình sự.

* Nhưng các công ty công nghệ đặt máy chủ ở nước ngoài làm sao ngăn chặn?

- Chúng ta đang hoàn thiện cơ sở pháp luật trong nước và thỏa thuận, đàm phán với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Hoàn toàn có thể áp chế tài xử phạt vì nhiều quốc gia đã thực hiện thu thuế, xử phạt hoặc yêu cầu có người đại diện, bộ phận kỹ thuật đặt tại quốc gia sở tại. Các thông tin truyền tải phải phù hợp văn hóa, thuần phong mỹ tục ở nước đó. Việc cấp phép kinh doanh, hoạt động trên môi trường mạng đi kèm quy định, chế tài sẽ ngăn chặn nguy cơ từ sớm.

Quý 1-2023, công an cả nước đã tiếp nhận, xác minh, xử lý 135 vụ việc xâm hại, vi phạm quyền trẻ em trên mạng. Trong đó, 116 vụ (86%) liên quan đến xâm hại tình dục, 13 vụ trẻ bị phát tán thông tin, làm nhục, xúc phạm danh dự...
Bảo vệ con trước nguy cơ trên mạngBảo vệ con trước nguy cơ trên mạng

Ông Ngô Tuấn Anh - phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) - chia sẻ cách trang bị kỹ năng số cho con và xử trí khi trẻ gặp mối nguy trên mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên