21/03/2023 10:39 GMT+7

Bảo vệ con trước nguy cơ trên mạng

Ông Ngô Tuấn Anh - phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) - chia sẻ cách trang bị kỹ năng số cho con và xử trí khi trẻ gặp mối nguy trên mạng.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ lên mạng mà người lớn cần nhiều phương pháp, công cụ để bảo vệ các em - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ lên mạng mà người lớn cần nhiều phương pháp, công cụ để bảo vệ các em - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông NGÔ TUẤN ANH nói:

- Theo thống kê mới nhất, có 87% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet ít nhất một lần/ngày. Như vậy, gần như tất cả trẻ em Việt Nam ngày nào cũng sử dụng Internet. 

Đây là kết quả đáng suy ngẫm vì mục đích để học tập chỉ đứng thứ tư trong khi xem video, vào mạng xã hội, nhắn tin qua ứng dụng lần lượt chiếm ba vị trí dẫn đầu.

* Thưa ông, trên mạng có nhiều nguy hiểm và người lớn cần làm gì để giúp các em lướt mạng an toàn?

- Mạng cũng giống như cuộc sống bên ngoài. Có những nguy cơ để kẻ xấu, kẻ lừa đảo dụ dỗ, đánh cắp thông tin, thậm chí là quấy rối, gây ảnh hưởng đến tâm lý, mất tiền. 

Chúng ta cần lưu ý là người trưởng thành đã có sức đề kháng, kinh nghiệm nhận biết nguy hiểm, thông tin giả nhưng trẻ em thì không nhiều.

Chúng ta có thể cài phần mềm giám sát thiết bị của các con. Ví dụ như con có điện thoại thông minh (smart phone), máy tính bảng, laptop thì các phần mềm sẽ bảo vệ trước mối nguy hại trên mạng cũng như giám sát thiết bị, báo cáo cho người lớn. 

Thứ hai, hệ thống bảo vệ mạng toàn gia đình trước hacker như một trạm gác bảo vệ tòa nhà trước thông tin xấu độc. 

Thông tin không phù hợp sẽ bị ngăn chặn ngay từ bên ngoài và không có cơ hội xâm nhập vào các thiết bị điện tử. Cách này sẽ cân bằng giữa việc bảo vệ con trên mạng, đồng thời tôn trọng quyền riêng tư của con.

Cha mẹ có thể dạy trẻ không trao đổi thông tin cá nhân với người lạ, không tin tưởng người khác nếu chỉ nhìn qua hình ảnh. Tuy nhiên, việc cấm đoán và theo dõi bí mật có thể gây phản ứng ngược, thậm chí con sẽ tìm cách vượt qua lớp bảo vệ đó vì nghĩ rằng mình bị kiểm soát.

Do đó, phụ huynh cần cân nhắc lựa chọn giải pháp theo từng lứa tuổi. Ví dụ trẻ cấp I quá nhỏ để nhận biết nội dung clip này là nguy hiểm hay không nguy hiểm nên cần cài đặt các phần mềm quản lý máy tính nhằm hạn chế các con vượt khỏi vùng an toàn. 

Với trẻ học cấp II, các em bắt đầu có nhận thức, kỹ năng khi sử dụng Internet nên các biện pháp kiểm soát có thể lỏng hơn.

Ông Ngô Tuấn Anh

Ông Ngô Tuấn Anh

Thay vì dùng biện pháp cực đoan, kiểm soát ngay tức khắc, cha mẹ nắm thông tin và trao đổi lại với con về nội dung không an toàn. Trẻ đủ độ trưởng thành, đủ nhận thức nếu phát hiện bị cha mẹ kiểm soát quá mức sẽ gây tâm lý không tốt.
Ông NGÔ TUẤN ANH

* Nhưng nếu con phát hiện cha mẹ kiểm soát khi sử dụng Internet và phản ứng lại thì cha mẹ nên làm gì, thưa ông?

- Cha mẹ phải cởi mở, thống nhất giữa hai bên về lịch trình, thời gian biểu sử dụng mạng xã hội, xem YouTube, TikTok... 

Ví dụ, ngày thường sử dụng tối đa bao lâu cho việc học, cuối tuần được thêm bao nhiêu thời gian giải trí. Nếu con vi phạm quy ước thì có thể tuần sau, tháng sau, thậm chí ngay hôm sau, con sẽ không được sử dụng Internet.

Dần dần một thói quen cân bằng giữa giải trí và học tập sẽ hình thành. Đó mới là giải pháp lâu dài. Chúng ta không nên cấm ngay hoặc để con quá thoải mái khi lướt mạng. Cha mẹ và con cái đồng hành trên mạng mới tạo được "hệ miễn dịch" trên mạng.

* Ông có thể nói rõ hơn về "hệ miễn dịch trên mạng"?

- Cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an đều có bộ phận chuyên trách về an ninh mạng hoặc bảo vệ trẻ em. 

Ngoài ra còn có nhà trường - nơi trẻ được cung cấp tri thức phòng vệ trên mạng. Phụ huynh - những người hằng ngày tiếp xúc với các con - cũng nên trang bị kỹ năng, kiến thức cho con về sử dụng mạng Internet. Cuối cùng bản thân các em phải tự có nhận thức, nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc trên mạng.

Thực tế không nhiều người biết rằng các trang web chia sẻ video chỉ cần vài từ khóa để truy cập vào các nội dung không phù hợp với lứa tuổi. 

Như cha mẹ cho con cái mượn thiết bị thông minh và con tìm theo từ khóa theo lịch sử truy cập nội dung người lớn thì thực sự nguy hiểm. Hiện chưa có bất kỳ biện pháp nào kiểm soát việc này, mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm đối với người dùng ở lứa tuổi vị thành niên và trẻ em.

Vai trò giám sát, quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước phải được chú ý song song với việc cung cấp thông tin phòng tránh, đảm bảo an toàn trên mạng của nhà trường, phụ huynh. 

Những thông tin về nội dung này xấu độc, nội dung kia có ích phải được "tiêm" vào đầu trẻ em hằng ngày, liên tục để hình thành hệ miễn dịch, hệ sinh thái sử dụng mạng Internet an toàn.

Đồng hành, trao đổi với con

* Là một chuyên gia bảo mật, ông áp dụng những biện pháp nào để bảo vệ chính các con trong gia đình?

- Tôi đồng hành, trao đổi, chia sẻ với con về những nguy cơ con có thể gặp trên Internet qua ngồi nói chuyện với nhau. Từ những câu chuyện thực tế, tôi lồng ghép các thông điệp sử dụng Internet an toàn bên cạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật.

Trên thị trường có nhiều phần mềm chủ động chặn lọc những thông tin không phù hợp với lứa tuổi, giới hạn thời gian sử dụng mạng. Ví dụ, con chỉ có thể xem YouTube trong khoảng thời gian cụ thể, nếu ngoài thời gian đó thì sẽ có cảnh báo, giới hạn…

Đau đầu bảo vệ con trước mạng xã hộiĐau đầu bảo vệ con trước mạng xã hội

Không thể cấm vì càng làm thế chúng càng tò mò, nhưng thả cho con tự do vào mạng xã hội, nỗi lo càng lớn hơn, thật là "tiến thoái lưỡng nan".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên