Anh Võ Quốc Bình (phải) tham gia đứng bếp tại bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP - Ảnh: BÌNH MINH
Sắp tới, từ 4.000 suất/ngày, trung tâm dự kiến sẽ tăng lên mức 7.000 suất/ngày để phục vụ nhu cầu đang tăng cao, đồng thời phân phát các nguyên liệu tươi sống để hộ gia đình tự chế biến thức ăn.
30 người và 4.000 suất ăn
Anh Võ Quốc Bình, trưởng phòng kết nối tình nguyện Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP, mở đầu câu chuyện bằng chia sẻ về những tình nguyện viên dốc lòng nỗ lực để hoàn thành hàng ngàn suất ăn mỗi ngày.
Đó là Cẩm Nhung, dù bị thương trong quá trình chặt gà đến mức ngón tay sưng tấy, tổn thương nặng đến gần hoại tử, vẫn cố gắng tiếp tục công việc. Là Hương, cô sinh viên năm 3 đã vác balô, quần áo ngủ lại trung tâm hơn một tháng nay, kể từ ngày bếp ăn bắt đầu nổi lửa.
Hiện nay, số lượng tình nguyện viên chế biến 4.000 suất ăn mỗi ngày dao động từ 25 đến 30 bạn. Theo anh Quốc Bình, dù dự tính tăng thêm 3.000 suất nhưng trung tâm chỉ có kế hoạch tuyển thêm khoảng 5 tình nguyện viên.
"Không phải chúng tôi không muốn tuyển thêm để có nhân lực hoạt động, nhưng trong tình hình dịch bệnh căng thẳng còn cần đảm bảo hạn chế tập trung đông người. Đó cũng là giữ an toàn cho các tình nguyện viên và cho bếp ăn", anh Bình nói.
Để được tuyển, tình nguyện viên cần cung cấp thông tin về khu vực sinh sống và dịch tễ trong vòng 14 ngày, đồng thời được yêu cầu không tham gia các hoạt động tình nguyện khác như chống dịch, lấy mẫu... để tránh nguy cơ lây lan dịch.
Với số lượng 4.000 suất ăn, bếp ăn trung tâm phải sử dụng hơn 1 tấn rau củ và khoảng 400kg thịt. Mỗi ngày, các tình nguyện viên thức dậy từ 6h sáng, bắt bếp, rửa rau củ, hấp cơm, nấu thức ăn, sau đó chia thành các phần ăn. 50 phần ăn được gom thành một túi, chờ các đơn vị đến nhận. Công việc được làm cuốn chiếu để kịp ra thành phẩm. Đôi khi,
các tình nguyện viên lên giường ngủ vào 5h sáng hôm sau, sau khi hoàn thành hết công việc, và lại dậy vào 6h sáng để tiếp tục làm.
Đến nay, bếp ăn cung cấp suất ăn cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Trưng Vương, các khu phong tỏa, cách ly, các mái ấm, ký túc xá... ở nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố như quận 10, quận 8, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân...
Riêng các suất ăn tại Bệnh viện Trưng Vương được làm để cung cấp cho các bệnh nhi mắc COVID-19. Trung tâm dành riêng một nhóm để thực hiện các suất ăn này, trong đó thực đơn được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo các em ăn ngon miệng, phù hợp ý thích.
"Các em được quan tâm đặc biệt hơn, chúng tôi làm nhiều món đa dạng như mì Ý, hamburger, gà rán, cháo thịt bằm... và mỗi suất ăn đều kèm thêm hai hộp sữa. Sức khỏe các em nhỏ khác với người lớn, nên suất ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, khuyến khích các em ăn để có sức đề kháng chống lại bệnh tật", anh Bình cho biết.
Không có bếp ăn, phường cũng rất khó khăn khi chăm lo cho người bị dịch COVID-19 ảnh hưởng. Nhiều người không đi làm được, không có thu nhập thì không có tiền lo cho bữa ăn.
Chị Nguyễn Võ Thị Thảo Nguyên (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 14, quận 10)
Đặt hết tâm huyết vào bữa ăn
Hầu hết các tình nguyện viên của bếp ăn đều ngủ lại trung tâm để đảm bảo công việc được liên tục, và giữ cho bếp ăn an toàn, tránh lây lan dịch từ bên ngoài.
Huỳnh Thị Hương, cô sinh viên năm 3 ngành công tác xã hội Trường đại học Mở TP.HCM, tươi cười rạng rỡ khi nói về trải nghiệm vác balô lên trung tâm ở hơn một tháng qua. Khi trường vào đợt nghỉ hè, gia đình gọi Hương về, nhưng cô nhủ lòng ở lại cùng đồng đội tại bếp ăn.
Lúc soạn đồ, Hương nghĩ cô chẳng ở lại lâu đến vậy, nên chỉ soạn có 4-5 bộ quần áo. Ngót nghét hơn một tháng trôi qua, mỗi ngày Hương vẫn miệt mài cùng các tình nguyện viên thức khuya, dậy sớm chuẩn bị các suất ăn.
"Mình đã từng hứa sẽ ở lại với mọi người ở trung tâm, nên giờ mình ở lại thôi", Hương cười. Cô nói, nhìn thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ bữa ăn, cô thấy những ngày trôi qua của mình thật ý nghĩa.
Còn với Văn Thị Cẩm Nhung, người đã suýt mất một đốt ngón tay vì hoại tử do xương gà đâm phải trong quá trình chặt hơn 330 con gà, trải nghiệm ở trung tâm mang lại cho cô nhiều kỷ niệm. Nhung không phải là đầu bếp chuyên nghiệp.
Ở trung tâm, các tình nguyện viên đều đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Hương là sinh viên, Nhung là nhân viên văn phòng, hay một trong hai bếp trưởng, anh Cổ Văn Long, vốn bán hàng online nhưng "rẽ hướng". Ở họ, chỉ có chung niềm đam mê cực kỳ mạnh mẽ dành cho việc bếp núc.
Một ngày, nhóm của Nhung mà cô gọi vui là "5 anh em siêu nhân" sơ chế từ 300 đến 500 con gà, hoặc đôi khi là xắt 400kg thịt, làm hàng trăm con cá trê. Đôi khi, chặt gà từ 6h sáng đến tận 12h đêm mới xong. Có ngày, Nhung thức đến 5h sáng để lột trứng chuẩn bị cho món thịt kho. Vậy nhưng cô nói làm rất vui, vì nhiều hoàn cảnh quá khó khăn để có được bữa ăn, "mình giúp được họ thì cứ giúp".
Anh Quốc Bình chia sẻ, bếp ăn còn một tình nguyện viên nữ thầm lặng chịu trách nhiệm đi quyên góp rau mỗi khi trung tâm thiếu hụt nguồn rau củ. Từ 3h sáng, chị theo xe tải đến chợ đầu mối Thủ Đức xin rau, sau đó lại theo xe gom về.
Ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nhận tin phong tỏa do có ca nhiễm, bếp ăn trung tâm được phân công chế biến 500 suất ăn cho các y bác sĩ. 22h đêm, các tình nguyện viên chạy ra gõ cửa từng sạp rau ở chợ Bà Chiểu để xin quyên góp rau cho kịp chế biến.
Với anh Cổ Văn Long, mỗi ngày trôi qua là một niềm vui khi anh được tự tay lên thực đơn cho các tình nguyện viên lẫn người dân. Các món ăn phải đảm bảo độ ngon, hấp dẫn và lạ miệng để thực khách thưởng thức trọn vẹn. Bếp ăn cũng không sử dụng bột ngọt để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
"Đôi khi bận bịu quá, tình nguyện viên sẽ dùng chung thực đơn với các đơn vị. Tuy nhiên, khi có thời gian, tôi thường suy nghĩ ra những món để các bạn ăn vừa miệng, thoải mái", anh chia sẻ.
"Từ hồi vô làm tới giờ, bị phỏng, chảy máu là chuyện thường tình. Với hai bếp gas, bốn bếp than, đứng múc tới múc lui lát hồi văng nước là phỏng", anh cười.
Gia đình số 5
Đó là cách gọi vui của các tình nguyện viên tại Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP, trong đó số 5 là địa chỉ của trung tâm. Ở đây, Huỳnh Thị Hương nói các thành viên quen thân đến mức xem nhau như người trong gia đình. Chị Cẩm Nhung được trìu mến gọi bằng "má", anh Long trở thành "bác Long". Những giờ làm việc nhẹ nhàng, vui tươi hơn với tiếng cười nói, đùa giỡn.
Một chiếc loa được các tình nguyện viên sử dụng để mở nhạc giúp "xả stress" trong hàng chục giờ làm việc, với các bài nhạc trải dài từ nhạc thiếu nhi đến nhạc trữ tình. Giữa buổi chiều oi ả, hơi nóng hừng hực phà từ bếp, nghe giai điệu ca khúc "kìa chú là chú ếch con có hai là hai mắt tròn", bỗng dưng thấy công việc mỗi ngày ở trung tâm thật đẹp đẽ và vui nhộn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận