Phóng to |
Một trường hợp bị cơ quan Công an P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM bắt giữ khi sử dụng giấy tờ giả mạo để lừa đảo bán hàng tại nhà - Ảnh: L.Sơn |
“Hôm nay bán được một bếp thôi sếp” - một nhân viên tiếp thị báo cáo. Vài phút sau, một tốp tiếp thị khác cũng trở về, xua tay lắc đầu thông báo không bán được cái nào. Ngay sau đó nhân viên thu tiền cũng về tới, cầm xấp tiền lẻ mới thu của khách đưa cho “sếp”.
“Nghề lượm đồng bạc cắc này chua lắm!” - ông Phạm Anh Tài, giám đốc Công ty Thiên Phước, cho biết gần sáu năm nay ông chọn công việc gõ cửa từng nhà dân thuyết phục họ mua sản phẩm gia dụng trả góp.
Nếm trải đủ cả những rủi ro nhưng thời điểm này lại thêm khó bởi những chiêu mánh lừa đảo bán hàng tại nhà rộ lên khiến người dân nhìn những nhân viên tiếp thị bằng ánh mắt khác hẳn trước.
Ông Tài tâm sự: “Nhân viên gọi mình là sếp chứ mình cũng như những anh em khác, cũng từng mang bếp điện, quạt máy, xoong nồi... gõ cửa từng nhà dân chào bán. Có chút vốn, tôi kêu hơn chục anh em lại cùng làm chung với nhau. Bán đủ loại sản phẩm gia dụng có giá từ vài trăm ngàn đến hơn triệu đồng với mức trả góp 50.000 đồng/tuần.
Như vậy, trung bình mỗi ngày người mua chỉ cần tiết kiệm 7.000 đồng là có thể “thỏa sức mua sắm”. Người mua cũng đa dạng lắm, nhưng phần lớn là người có thu nhập thấp, công nhân viên chức, người buôn bán nhỏ...
Tuy nhiên, giờ đây phương thức bán hàng trả góp được áp dụng rộng khắp nên những chiêu trò lừa đảo cũng nở rộ. Một bếp hồng ngoại chúng tôi bán trả góp giá chưa đến 1,5 triệu đồng nhưng họ thêm thắt chiêu trò khuyến mãi, thổi phồng công năng sản phẩm để bán với giá 4 triệu đồng rồi lặn mất tăm.
Người dân bị lừa khá nhiều nên khi gặp những nhân viên tiếp thị của công ty, họ thẳng thắn từ chối, thậm chí chỉ thẳng mặt nói chúng tôi là những kẻ lừa đảo. Bởi thế nhân viên tiếp thị phải vững tâm lý, nếu không dăm ba bữa là nản, xin nghỉ việc liền.
Thuyết phục được khách mua hàng đã khó, tuy nhiên những rủi ro sau đó cũng không phải ít. Có khách hàng vừa mua hàng của chúng tôi xong lập tức... chuyển nhà.
Chúng tôi đành mất trắng. Không như những siêu thị, trung tâm điện máy bán hàng trả góp, họ liên kết với các công ty tài chính cho khách hàng vay, phụ trách thu tiền và chịu mọi rủi ro.
Mình vốn ít nên lấy công làm lời, ngoài hơn chục nhân viên tiếp thị còn có ba nhân viên chuyên đến tận nhà khách hàng ở khắp các quận huyện thu tiền. Mỗi tuần, khách hàng góp 50.000 đồng nhưng có khách phải đến dăm ba lần mới gom được tiền.
Gần đây, nghe tin Công an Q.12 (TP.HCM) mới bắt quả tang một vụ bán hàng lừa đảo tại nhà, nhân viên của chúng tôi vừa mừng vừa lo.
Mừng vì dần dẹp được nạn lừa đảo, nhưng cũng lo vì e ngại người dân đánh đồng tất cả những người tiếp thị bán hàng tại nhà đều là lừa đảo. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm những trường hợp lừa đảo này, bởi không những bán hàng với giá cao, sản phẩm người dân mua phải hầu hết kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, tiền mất tật mang”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận