Dịch tả là một thảm họa y tế tồi tệ tại quốc gia Tây Á đang bị chiến tranh tàn phá, kinh tế sụp đổ và cận kề nạn đói này.
Trên trang mạng Tweeter, Giám đốc ICRC khu vực Robert Mardini cho biết tình hình lây nhiễm dịch bệnh diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm mới mỗi ngày giờ đã tăng lên tới 7.000 trường hợp tại Yemen.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Yemen từ tháng 4 đến 7-7, có 297.438 trường hợp nghi nhiễm tả, 1.706 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, WHO không công bố con số cập nhật hàng ngày vào ngày 9-7, khi số người nhiễm bệnh có thể lên tới 300.000 người.
Khu vực dịch tả hoành hành nhiều nhất là miền Tây Yemen, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa liên quân do Saudi Arabia đứng đầu và phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn.
Bệnh tả là bệnh do vi khuẩn lây lan nhanh qua nguồn nước hay thực phẩm bị ô nhiễm. Tả là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy nặng và mất nước. Tình trạng nặng không được điều trị, bệnh có thể gây tử vong trong vài giờ.
Dịch tả ở Yemen đang lây lan nhanh trong bối cảnh hệ thống y tế của nước này bị tàn phá nặng nề và người dân đang đối mặt với nạn đói. Các điều kiện sống tồi tàn như thiếu lương thực và nước sạch cũng làm trầm trọng thêm dịch bệnh này.
Chiến dịch quân sự kéo dài hơn hai năm qua của liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu chống lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen đã phá hủy các hạ tầng y tế đồng thời gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn dược phẩm tại quốc gia nghèo nhất thế giới Arab này.
Ngoài ra, Yemen còn đang đứng bên bờ vực của nạn đói và hoàn toàn phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu. Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hồi năm, 17 triệu người (tương đương 2/3 dân số) đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, trong đó 7 triệu người là nạn nhân của nạn đói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận