10/03/2016 07:58 GMT+7

Ưu tiên xây cơ sở y tế cho quận huyện 
xa trung tâm

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TT - Sáng 9-3, Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc giám sát tình hình đầu tư công các dự án bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến dưới để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trong ảnh: máy chụp MRI hiện đại tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến dưới để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trong ảnh: máy chụp MRI hiện đại tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

* Bệnh viện ngập nước, bác sĩ phải đi ủng!

Tại buổi làm việc, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP cho biết trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn TP có khoảng 80 dự án y tế từ tuyến trung ương đến tuyến quận huyện, phường xã. Tổng kinh phí đầu tư hơn 13.300 tỉ đồng. Trong đó có năm dự án y tế trọng điểm là: BV Ung bướu cơ sở 2, BV Chấn thương chỉnh hình, ba BV đa khoa các khu vực Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi. Ở tuyến quận huyện có 30 dự án xây dựng mới, sửa chữa, mở rộng các BV, trung tâm y tế dự phòng và các trạm y tế.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc sở Y tế, cho biết với những dự án mà ngành y tế đang đầu tư để nâng cao năng lực các cơ sở y tế tuyến dưới cùng với việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình thì đến năm 2020, có khoảng 80% bệnh nhân tại TP.HCM sẽ khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Khi đó, các BV tuyến trung ương sẽ không còn quá tải vì dân TP. Các BV chuyên khoa sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu sẽ không còn cảnh nằm ghép.

Ông Huỳnh Công Hùng, ủy viên thường trực HĐND TP, đề nghị Sở Y tế TP rà soát các dự án trung tâm y tế dự phòng quận huyện, ưu tiên xây dựng trước các trung tâm ở những vùng xa như Củ Chi, Bình Chánh, Thủ Đức... vì những địa bàn này xa trung tâm, dân cư đông nên dịch bệnh dễ bùng phát. Ông Hùng cũng lưu ý sở Y tế TP phải nhanh chóng xây dựng BV ở những khu vực ít cơ sở y tế. “Ví dụ như cánh phía đông TP hiện chỉ có mỗi BV quận Thủ Đức đang gồng gánh cho toàn bộ khu vực quận Thủ Đức, quận 9 và một phần quận 2. Tại sao BV Đa khoa khu vực Thủ Đức có đất sạch rồi mà chưa khởi công xây dựng?” - ông Hùng đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP, cũng lưu ý sở Y tế TP ưu tiên đầu tư các BV đang xuống cấp. Bà Nhung nêu thực tế: khi trời mưa, BV quận 8 nước ngập cả sân, BV quận 7 cũng bị ngập nước khiến bác sĩ phải đi ủng trong BV, BV quận 1 luôn bị quá tải, BV Nguyễn Trãi xuống cấp trầm trọng...

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM, yêu cầu sở Y tế TP rà soát toàn bộ danh sách các dự án của ngành y tế trên địa bàn TP, xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ cần thiết để HĐND TP có cơ sở kiến nghị với UBND TP về việc ghi vốn hoặc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách. Đối với các dự án nhóm A, nhóm B thì cơ quan chức năng phải chuẩn bị sẵn mặt bằng và những hạ tầng cần thiết để khi có điều kiện có thể khởi công nhanh.

Về dự án sửa chữa, cải tạo BV Đa khoa Sài Gòn (quận 1), các cơ quan chức năng đề nghị phải cân nhắc việc sửa chữa vì đến năm 2020, phía chủ đầu tư sẽ bàn giao BV mới để sử dụng mặt bằng nơi BV cũ đang tọa lạc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiện chủ đầu tư chưa bồi thường khu Mả Lạng (nơi dự kiến xây dựng BV mới) thì khả năng bàn giao BV mới đúng hẹn là khó.

Đối với dự án Viện trường y tế tại Củ Chi, các đại biểu chất vấn giám đốc Sở Y tế TP có tiếp tục thực hiện hay không? Dự án này được UBND TP phê duyệt từ năm 2005, người dân được thông qua phương án bồi thường từ năm 2007 và để đất hoang chờ nhận tiền bồi thường chín năm nay. “Tôi sẽ có buổi làm việc với các sở ngành TP để bàn xem nên tiếp tục hay xóa treo dự án này, trả đất cho dân” - ông Lâm nói. Ông Bỉnh cho biết đây là dự án dự tính thực hiện xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư nhưng vị trí quá xa (cách trung tâm 35km - PV) nên chưa có nhà đầu tư.

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên