Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về năng lượng gió cao trong khu vực Đông Nam Á.
Theo tính toán của các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT, với hơn 3.000km đường bờ biển và các đảo lớn nhỏ, tiềm năng năng lượng gió ở Việt Nam được đánh giá vào khoảng 24.000MW (ở tốc độ gió 6-7m/giây).
Thời gian qua, các nhà khoa học trong lĩnh vực này đã xây dựng các phương án phát triển điện gió nhằm thay thế các nhà máy nhiệt điện truyền thống và tính toán lượng giảm phát thải khí nhà kính.
Với các kịch bản phát triển điện gió được xây dựng, Việt Nam có thể giảm được khoảng 1,5 triệu tấn CO2 vào năm 2020 và mức giảm tích lũy từ 2010 đến năm 2020 là hơn 5,2 triệu tấn CO2.
Bộ Công Thương cho biết, hiện có khoảng 48 dự án điện gió được đăng ký ở các giai đoạn khác nhau ở Việt Nam, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung và miền Nam với tổng công suất khoảng 5.000MW, mỗi dự án có công suất từ 6-250MW.
Cho đến nay, mới có 2 dự án điện gió lớn đã hoàn thành đầu tư giai đoạn một và đi vào hoạt động.
Đó là dự án ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với công suất 30MW, bao gồm 20 tuốc bin 1,5MW và dự án ở Bạc Liêu, đã hoàn thành giai đoạn một với 10 tuốcbin 1,6MW.
Trong Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030, năng lượng gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên và khuyến khích phát triển ở Việt Nam.
Điều này đã được cụ thể hóa với mục tiêu đề ra với 1.000MW công suất lắp đặt vào năm 2020 và 6.200MW công suất lắp đặt vào năm 2030.
Không giống như sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, năng lượng gió là công nghệ sạch và không gây ô nhiễm không khí khi đi vào hoạt động. Do vậy, cần đánh giá đầy đủ, quy hoạch chi tiết để phát huy những lợi ích của nguồn năng lượng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận