14/07/2011 06:21 GMT+7

Uống cà phê, xem Kiều cổ

THÁI QUYÊN
THÁI QUYÊN

TT - Lần đầu tiên, 86 ấn bản cổ xoay quanh Truyện Kiều - thi phẩm nổi tiếng của tác gia Nguyễn Du - được tụ hội trong một đợt trưng bày sách báo cũ tại Nhã Nam thư quán (nhà 015, lô B, chung cư 43 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM).

eUEXO2wF.jpgPhóng to

Ông Thanh Hoài giới thiệu các ấn bản đặc biệt về Kiều - Ảnh: L.Điền

Ðợt trưng bày sẽ kéo dài đến hết ngày 22-7, bắt đầu từ 7g sáng và kết thúc vào 7g tối mỗi ngày với 40 bản Truyện Kiều quốc ngữ và 48 đầu sách báo có liên quan, không ít trong số đó là những ấn bản Truyện Kiều mang giá trị học thuật cao và quý hiếm cả với giới sưu tầm.

Có những bản in ra đời cách đây trên dưới 100 năm như bản Kim Vân Kiều của Trương Vĩnh Ký (1911) hay Kim Vân Kiều chú thích của Bùi Khánh Diễn (gồm hai bản năm 1923 và 1926). Lâu đời hơn là bản Truyện Kiều do Abel Des Michels dịch sang tiếng Pháp, Ernest Leroux xuất bản từ năm 1884-1885 với trọn bộ ba tập và có kèm theo bản chữ Nôm.

Ðây là bản Kiều cực quý hiếm bởi niên đại cổ xưa và quan trọng hơn, nó được một người VN sưu tập từ bản lưu ở thành Vienna (Áo). Một ấn bản quý hiếm nữa là Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, do các danh họa VN đầu thế kỷ 20 như họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Phạm Hầu... cùng thực hiện. Ðây là tập tranh lấy các câu Kiều làm đề tài sáng tác, phát hành ngày 19-9-1942.

Triển lãm còn giới thiệu hai ấn phẩm đặc biệt: truyện Kiều được dịch sang thơ chữ Hán, một bản của Lý Văn Hùng (in năm 1954) và một bản dịch của Trương Cam Vũ (in năm 1961). Bên cạnh đó là bản Tuồng Kim Vân Kiều của Trương Minh Ký, Phê bình khảo luận về Kim Vân Kiều của Ðào Duy Anh, Giai phẩm Bách Khoa (số tưởng niệm Nguyễn Du năm 1972), số đặc biệt 76 bis của báo Bình Minh nhân dịp 200 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Du (9-9-1965), Thơ vịnh Kiều (Nguyễn Văn Y), Tập Kiều (Tú Poanh)... Tất cả đều góp phần khắc họa bức tranh tổng thể về sự tồn tại của Truyện Kiều trong những năm tháng cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20, cũng là thời gian đầu của chữ quốc ngữ và ngành in ấn ở VN.

Triển lãm được thực hiện nhờ sự đóng góp của gần 10 nhà sưu tập tư nhân trong Nam ngoài Bắc, trong đó có những người chơi sách như Vũ Hà Tuệ (TP.HCM), Nguyễn Thế Bách (Hà Nội), Trịnh Hùng Cường (Bắc Ninh) hay những nhà nghiên cứu như nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, nhà phê bình Khổng Ðức...

Cùng với đợt trưng bày về Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu trước đây (cũng do Nhã Nam thư quán tổ chức), buổi "trình diễn" những ấn phẩm cổ của Truyện Kiều đã cho thấy ngoài những tác phẩm được cất giữ tại các thư viện quốc gia, vẫn còn rất nhiều tài liệu sách báo cổ xưa và quý hiếm được lưu giữ bởi những cá nhân có tâm huyết. Theo ông Dương Thanh Hoài - phó giám đốc Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam, cũng là người có ý tưởng tổ chức đợt trưng bày các bản Kiều này, đợt trưng bày không nằm ngoài mục đích cổ xúy cho nền văn hóa đọc và "ôn cố tri tân" trong xuất bản. Ðặc biệt, ông mong muốn đây cũng là dịp dành cho những người quan tâm, yêu thích cùng trao đổi, thảo luận và "thẩm Kiều".

Công chúng quan tâm đến Truyện Kiều hẳn sẽ rất thích thú với không gian cà phê sách đặc biệt này. Ðiều thú vị là người tổ chức triển lãm cũng sẵn lòng mở tủ lấy sách cổ cho khách hâm mộ xem và giới thiệu những câu chuyện sưu tập thú vị xung quanh đó.

G5YDmwS8.jpgPhóng to

Bức tranh Khi tỉnh rượu lúc tàn canh của Nguyễn Gia Trí trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du - Ảnh: L.Điền chụp lại

Một ấn bản quý hiếm khác trong cuộc trưng bày là Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, do các danh họa VN đầu thế kỷ 20 như họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Phạm Hầu... cùng thực hiện. Đây là tập tranh lấy các câu Kiều làm đề tài sáng tác, phát hành ngày 19-9-1942.

THÁI QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên