30 năm trước ông là một trong số những người Kinh đầu tiên được phân công về xây dựng vùng đất này. Khi ấy nơi đây rừng thiêng nước độc, đêm nằm ngủ tắc kè kêu váng vất cả đầu. Giờ đây Cát Tiên không chỉ là một thị trấn trù phú mà ở nơi heo hút ấy, huyện này đang xây dựng chương trình sản xuất lúa gạo mang xuất xứ Cát Tiên.
Gạo Cát Tiên, bò - dê Cát Tiên
Từ TP.HCM đi Lâm Đồng, đến thị trấn Madagui rẽ về phía trái hơn 40km là vào Cát Tiên. Vừa qua những con đồi nhỏ trập trùng, thung lũng bỗng hiện ra ngút ngàn trước mặt. Đó là cánh đồng Đồng Nai, cũng là nơi làm ra phần lớn sản lượng lúa gạo mà người dân ở đây hi vọng sẽ làm nên thương hiệu Cát Tiên.
Cát Tiên có trên 41.000 dân và trên 90% là dân nhập cư. Dân tộc bản địa là người Châu Mạ, S’Tiêng. Phần lớn dân cư nơi đây là những người sau kháng chiến ở lại lập nghiệp, thầy cô giáo và di dân kinh tế mới những năm 1980. |
Ông Phạm Trung Thành, một người dân đang làm loại lúa này ở thôn Liên Phương, xã Gia Viễn, cho biết lúa gạo Cát Tiên chưa thể sánh bằng gạo nàng thơm chợ đào miền Nam, gạo tám thơm miền Bắc nhưng vẫn có nét đậm đà đặc trưng.
Ông vo gạo nấu nồi cơm bốc khói mời khách: gạo thơm, dẻo, ngọt. Gạo Cát Tiên không đặc sắc và như ông Thành nói, “giá cả chỉ khoảng 15.000 đồng/kg là người bình dân có thể có một ký gạo ngon”. Ông Thành là một trong 15 người tham gia tổ hợp tác sản xuất loại gạo này. Riêng ông, vụ đông xuân rồi làm được 18 tấn lúa giống và vài chục tấn lúa thịt.
Ở Cát Tiên, những người làm ăn khá như ông Thành chưa nhiều và những người có đời sống khá giả đều là những người thật sự đổ mồ hôi trên đồng ruộng. Như ông Huỳnh Ngọc Hưng, có hơn 20 ha đất ruộng, đồi, ao cá và đàn dê, bò hơn 100 con. “20ha này tôi đều vỡ đất bằng tay, ngày cũng làm, đêm đốt đèn đốt đuốc làm. Cứ gánh đất đồi đổ xuống hố bom, riết rồi cũng thành ruộng” - ông cho hay. Bây giờ thì đã đỡ hơn, ông mua được hai chiếc máy làm đất bằng tay, bớt đi nhọc nhằn. Ông cho biết dê, bò trong chuồng hằng tháng đều có người mua và chỉ riêng hai đàn này mỗi năm ông thu hơn 100 triệu đồng, chưa kể 40 tấn lúa.
Mong ước làm hậu cần cho du lịch
Ông Đào Duy Mai, trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, cho biết ngoài hạt lúa, Cát Tiên hiện đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lăng và đang muốn đưa con cá lăng Cát Tiên ở thượng nguồn sông Đồng Nai thành thương hiệu. “Không chỉ cá lăng, chúng tôi hiện đang phát triển trồng cây diệp hạ châu (cây chó đẻ) để bán cho các công ty dược” - ông Mai cho biết. Theo ông, một số công ty dược ở miền Trung đã thử nghiệm và thấy hàm lượng dược chất trong loại cây trồng ở đây cao hơn nhiều vùng khác, rất tốt cho việc bào chế thuốc. Loại cây này trồng ở vùng đất đồi, đất khó canh tác nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn cả trồng lúa, ông Mai cho hay.
Không chỉ về nông nghiệp, người dân Cát Tiên còn mong muốn làm du lịch. Ông Hiển bày tỏ: “Chúng tôi muốn sẽ trở thành nơi cung cấp các dịch vụ du lịch ở vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Thông qua du lịch, chúng tôi sẽ truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường”. Hiện ở vườn quốc gia đã có các tour du lịch sinh thái như đi thuyền trên Bàu Sấu, xem thú đêm... Rất nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia các tour này.
Vùng đất di sản và lịch sử “Thành phố tắc kè” là huyện lỵ của Cát Tiên (Lâm Đồng), tên chính thức ngày nay là thị trấn Đồng Nai, cách Sài Gòn chưa đầy 200km, nơi có những địa danh nổi tiếng như vườn quốc gia Cát Tiên; thánh địa vương quốc Phù Nam tồn tại hơn 1.300 năm đang được các nhà khảo cổ khai quật và bảo tồn... Hơn 30 năm trước, nơi đây là đầm lầy, rừng rậm nguyên sinh. Vùng đất này cũng là một phần căn cứ của chiến khu D nổi tiếng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận