31/08/2016 11:00 GMT+7

Ước mơ huy chương đầu tiên 
ở Paralympic

TẤN PHÚC (tanphuc@tuoitre.com.vn)
TẤN PHÚC (tanphuc@tuoitre.com.vn)

TT - Lực sĩ Lê Văn Công, kình ngư Võ Thanh Tùng và những VĐV khác của đoàn thể thao người khuyết tật VN đang tràn đầy hi vọng sẽ mang về những tấm huy chương đầu tiên tại đấu trường Paralympic.

Lê Văn Công là niềm hi vọng huy chương lớn nhất của VN tại Paralympic 2016. Ảnh: T.P
Lê Văn Công là niềm hi vọng huy chương lớn nhất của VN tại Paralympic 2016. Ảnh: T.P

Hôm qua (30-8), đoàn thể thao người khuyết tật VN với 11 VĐV đã lên đường đi Rio de Janeiro (Brazil) tham dự Paralympic 2016. Chưa bao giờ thể thao VN giành huy chương ở đấu trường Paralympic. Lần này, kỳ vọng được đặt lên vai 11 VĐV (không tính người dẫn đường) ở ba môn cử tạ, bơi lội và điền kinh, trong đó hai niềm hi vọng lớn nhất là lực sĩ Lê Văn Công và kình ngư Võ Thanh Tùng.

Ước mơ có huy chương để mở phòng thể hình

Trước khi lên máy bay, lực sĩ Lê Văn Công kể chúng tôi nghe nỗi buồn vào đời với đôi chân teo tóp vì di chứng mẹ bị sốt xuất huyết lúc mang thai. Nhà quá nghèo buộc anh một mình từ Hà Tĩnh vào Sài Gòn mưu sinh lúc 19 tuổi với chỉ 1 triệu đồng lận lưng và vài bộ quần áo. Công tâm sự: “Hành trang nặng nhất có lẽ là nỗi khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Không đứng được nhưng Công vẫn làm đủ nghề, từ chà nhám gỗ, đánh máy, sửa chữa đồ điện tử đến cả bán vé số để có tiền vừa ăn, vừa học ngành điện tử ở Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2. Năm 2005, anh đến với cử tạ một cách tình cờ theo chỉ dẫn của bạn bè. Không ngờ Công đã đoạt HCB giải vô địch quốc gia chỉ sau đó vài tháng và gắn bó luôn với nghề.

Hiện tại Công là lực sĩ hàng đầu thế giới ở hạng cân 49kg nam, dù điều kiện tập luyện thiếu thốn và anh vẫn còn vất vả mưu sinh. Công đang giữ kỷ lục thế giới với thành tích 182kg, tức gần gấp 4 lần trọng lượng cơ thể mình.

Công nói: “Các đối thủ châu Âu, châu Mỹ được đầu tư không kém VĐV chuyên nghiệp với đội ngũ HLV, chuyên gia, bác sĩ rất hùng hậu. So với họ, chúng ta chưa là gì nhưng đây vẫn là giải đấu mà chúng tôi được đầu tư nhiều, tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM từ đầu năm”.

Hạng cân 49kg nam của Công quy tụ cả 3 VĐV “xoay tua” giữ kỷ lục thế giới nhiều năm qua là anh và VĐV Omar Sami Hamadeh (Jordan) cùng VĐV Adesokan Yakubu (Nigeria). Cuộc đấu sức sẽ rất quyết liệt và người chiến thắng cần phải có một chút may mắn.

Nói về ước mơ của mình, Công chia sẻ: “Tôi đã lớn tuổi rồi nên quyết tâm phải có huy chương để có tiền thưởng. Tôi ấp ủ ước mơ mở được một phòng tạ để vừa tập cho thỏa đam mê, vừa lo được cuộc sống gia đình”.

Bạn thân của Công là lực sĩ Nguyễn Bình An (hạng cân 54kg nam) cũng hi vọng sẽ giành huy chương khi VĐV đang giữ kỷ lục thế giới Osman Sherif đã chuyển lên thi đấu hạng 59kg nam. Bình An vốn sống bằng nghề bán vé số tại Trà Vinh. Anh đi tập huấn, vợ anh phải bán thay và một mình lo cho hai con nhỏ ở quê nhà Trà Vinh. Bình An đang đứng đầu bảng xếp hạng hạng cân 54kg nam năm 2016 của Ủy ban Paralympic quốc tế với thành tích 180kg.

Đặt tên ở nhà cho con là Rio

Võ Thanh Tùng là niềm hi vọng lớn nhất trên đường đua xanh. Cơ sở cho hi vọng này là chiếc HCV Giải bơi lội người khuyết tật châu Âu mở rộng với thành tích phá kỷ lục châu Á nội dung 50m tự do hạng thương tật S5 (34,43 giây). Võ Thanh Tùng tỏ ra rất quyết tâm: “Tôi rất háo hức chờ đến ngày thi đấu. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để mang huy chương về cho VN”.

Chàng trai An Giang này bị sốt bại liệt từ năm lên 4. Phải rất nỗ lực và chịu nhiều đau đớn, Tùng cũng chỉ đứng được xiêu vẹo trên đôi chân bé xíu của mình. Bơi lội là nơi Thanh Tùng khỏa lấp nỗi buồn bởi trong môi trường nước, anh không hề thua kém chúng bạn. Và cũng chính bơi lội đã mang đến cuộc sống đầy đủ cho Tùng.

Thanh Tùng (bìa phải) cùng đội tuyển bơi người khuyết tật VN đã sẵn sàng cho Paralympic 2016. Ảnh: T.P
Thanh Tùng (bìa phải) cùng đội tuyển bơi người khuyết tật VN đã sẵn sàng cho Paralympic 2016. Ảnh: T.P

Anh nói: “Đây là lần thứ hai tôi tham dự Paralympic. Tôi quyết tâm phải đoạt huy chương Paralympic 2016 để làm quà mừng đứa con đầu lòng sẽ chào đời trong tháng 9. Sau này, con tôi chắc chắn tự hào về ba nó dù tàn mà không phế. Vợ chồng tôi đã thống nhất đặt tên ở nhà cho con là Rio để kỷ niệm chuyến đi dự Paralympic Rio lần này của tôi”.

Tại Rio, Tùng thi đấu ở 4 nội dung gồm 50m ngửa, 50m bướm, 50m tự do và 100m tự do hạng thương tật S5, cùng hạng với VĐV lừng danh từng đoạt 6 HCV Paralympic 2012 của chủ nhà Daniel Dias. Tùng kể: “Lần đầu tiên gặp Daniel Dias, tôi hơi bị sốc bởi tôi đứng chưa tới ngang vai anh ta. Đi cùng Daniel Dias có đến 2 bác sĩ, săn sóc viên xoa bóp liên tục và HLV theo tận hồ. Nhưng ở Giải vô địch châu Âu mở rộng 2016, tôi vượt qua Daniel Dias để đoạt HCV nội dung 50m tự do. Chiến thắng này sẽ là động lực để tôi hướng đến tấm huy chương Paralympic 2016”.

Hoàng Xuân Vinh truyền cảm hứng cho VĐV khuyết tật

Thành tích 1 HCV và 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio đã truyền cảm hứng cho các VĐV khuyết tật VN trước khi họ lên đường dự Paralympic. Trao đổi với Tuổi Trẻ, lực sĩ Lê Văn Công nói: “Chiếc HCV Olympic 2016 của anh Hoàng Xuân Vinh là động lực nhưng cũng là thử thách rất lớn với bản thân tôi. Tôi may mắn vài lần được gặp anh Vinh và biết anh có tài, lại rất nghiêm túc trong tập luyện. Ngày trở về của anh Vinh thật vinh quang khi được đông đảo người đón, cả nước vinh danh. Thể thao VN đã có chiếc HCV đầu tiên tại Olympic thì tại sao lại không có ở đấu trường Paralympic. Thành công của anh Vinh ít nhiều truyền cảm hứng cho tôi”.

Trong khi đó, lực sĩ Nguyễn Bình An nói: “Tôi cũng khát khao có được HCV để đời như anh Vinh dù chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện được tiền thưởng như anh. Tôi sẽ nỗ lực để có tấm huy chương để đời cho sự nghiệp của mình”.

TẤN PHÚC (tanphuc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên