Phóng to |
Ảnh: sheknows |
Dù đó có thể chỉ là những lời nói vô tình nhưng bạn sẽ khó tránh khỏi cảm giác mình bị đối xử như một đứa trẻ hay người già lạc hậu trong công việc. Những lời nhận xét như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới tinh thần làm việc nhóm, nhuệ khí, năng suất và truyền tải thông điệp rằng bạn chưa đủ năng lực để đạt tới vị trí hiện tại hoặc bạn thiếu kinh nghiệm trong công việc.
Khi bạn cảm thấy mình bị coi thường về tuổi tác, dưới đây là những điều bạn nên làm:
Thừa nhận vấn đề về tuổi tác
Khi một đồng nghiệp nhận xét về tuổi tác nhỏ hơn của bạn, hãy nghĩ rằng hầu hết mọi người không có ác ý với nhận xét của mình. Chẳng hạn, khi họ nói rằng bạn trông như con trai, con gái của họ, đó có thể chỉ là do câu chuyện trước đó dẫn dắt tới nhận xét đó, do họ bất cẩn hoặc đúng là bạn gợi nhớ tới con cái của họ mà không hề có ý chê trách hay giễu cợt bạn.
Vì vậy, thay vì cảm thấy bực bội, hãy bình tĩnh thừa nhận “Vậy ư? Cảm ơn!” và nhanh chóng quay trở lại công việc.
“Đổi hướng” cuộc nói chuyện
Khi chủ đề về tuổi tác của bạn sắp nổi lên, bạn có thể nhanh chóng đổi hướng cuộc nói chuyện về vấn đề bạn thấy thoải mái. Chẳng hạn, trong bữa trưa, một đồng nghiệp lớn tuổi nói về một bộ phim chiếu “trước khi bạn sinh ra”, hãy đổi hướng cuộc nói chuyện về bộ phim đang chiếu để ai cũng có thể nói về nó. Hoặc nếu trong cuộc họp, một đồng nghiệp nói về dự án từ “hồi xửa hồi xưa”, hãy nói về một dự án tương tự bạn từng đảm nhận trước đó. Cách nói chuyện này sẽ cho mọi người trong phòng hiểu rằng tuổi tác của bạn không phải là vấn đề gì to tát.
Trả lời một cách vui vẻ, hài hước
Một cách khác để làm chệch hướng những nhận xét tiêu cực về tuổi tác là những câu đối đáp hài hước. Chẳng hạn, “Cám ơn nhưng em không trẻ như vẻ ngoài của mình đâu, chẳng qua em chỉ cố tránh ánh nắng mặt trời thôi”, hay “Em đoán là mình trẻ như vậy vì các loại kem dưỡng da đắt tiền đã có tác dụng”. Tận dụng sự hài hước trong những trường hợp này sẽ giúp bạn thoải mái hơn trước lời nhận xét có vẻ tiêu cực từ đồng nghiệp.
Tuy nhiên, hãy sử dụng tính hài hước một cách vừa phải, nếu quá “liều lượng”, nó có thể phản tác dụng và gây hiệu ứng ngược.
Thẳng thắn lên tiếng
Nếu lời nhận xét của người khác làm phiền bạn, ảnh hưởng tới công việc hoặc mang tính châm chọc ác ý, đã đến lúc phải đối mặt trực tiếp với người đó. Hãy bảo vệ mình sau một tình huống “tức nước vỡ bờ”, trực tiếp nói chuyện với anh/ cô ấy, miêu tả những gì đã xảy ra một cách khách quan và giải thích nó ảnh hưởng ra sao tới công việc của bạn.
Chẳng hạn, “Khi anh nói về vấn đề tuổi tác của tôi trước mặt khách hàng, nó làm ảnh hưởng tới bài thuyết trình của tôi và làm chệch hướng cuộc nói chuyện. Tôi biết anh không có ác ý gì nhưng liệu chúng ta có thể bỏ qua vấn đề tuổi tác trong cuộc nói chuyện trong tương lai không?” Điều này cho đồng nghiệp thấy bạn muốn một cuộc nói chuyện hợp tác, thể hiện sự ăn ý chứ không phải đối địch trước mặt khách hàng.
Nếu cách cư xử như vậy vẫn tiếp diễn, hãy lưu lại chứng cứ thời gian cụ thể khi ai đó đùa cợt về tuổi tác của bạn và cách bạn phản ứng. Nếu bạn không thể tự mình giải quyết, hãy đến gặp sếp và giải thích tình huống một cách chuyên nghiệp chứ không phải một cuộc nói chuyện cá nhân.
Giải thích rằng cách cư xử của đồng nghiệp ảnh hưởng tới nhuệ khí làm việc hoặc mối quan hệ với đồng nghiệp sẽ mang lại hiệu quả mạnh mẽ hơn là thể hiện sự bực bội của bạn rằng ai đó đang chọc tức bạn.
Dù thậm chí ai đó có cố gắng trêu tức bạn, điều quan trọng là hãy luôn giữ thế thượng vong và cư xử một cách chuyên nghiệp. Trong dài hạn, sự tự tin và danh tiếng là những gì sẽ khiến bạn nhận được sự tôn trọng của mọi người trong văn phòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận