17/02/2009 13:29 GMT+7

Ung thư sàn miệng

 ThS.BS VÕ KIM ĐIỀN(Khoa ung thư BV FV TP.HCM)
 ThS.BS VÕ KIM ĐIỀN(Khoa ung thư BV FV TP.HCM)

TTO - Vào tháng 4-2007, tôi phát hiện có một vết loét phía dưới lưỡi. Lúc đầu là một vết loét nhỏ, khoảng 3 tháng sau vết loét càng lớn, không gây đau. Tôi đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sinh thiết và xác định dương tính. Sau đó tôi được các bác sĩ hướng dẫn nhập viện.

Đến tháng 8-2007 tôi được các bác sĩ tại khoa ngoại 3 mổ và nạo vét hạch cổ, đồng thời chuyển sang khoa xạ trị, giấy chuyển viện ghi K sàn miệng thời kỳ 2, chưa di căn.

Khoa xạ trị đã lên kế hoạch và tiến hành xạ trị máy gia tốc 30 tia, sau xạ trị tôi nhận giấy xuất viện và hẹn tái khám sau một tháng. Tôi đã đi tái khám đúng theo hướng dẫn. Đến tháng 11-2008, bác sĩ hẹn tái khám sau 6 tháng do vết mổ của tôi đã ổn định. Hiện sức khỏe tôi rất tốt, ăn uống bình thường, không kiêng cử, thậm chí tết vừa rồi tôi cũng đã uống bia cùng bạn bè. Xin bác sĩ hướng dẫn giúp, với tiến triển của bệnh tôi đã nêu nên kiểm tra, xét nghiệm thêm những gì? Cơ may khỏi bệnh ra sao? Ăn uống có nên kiêng cử gì không?

Nghe nói hiện nay tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhập một máy chẩn đoán bệnh ung thư rất hiện đại, khi người bệnh được kiểm tra sẽ phát hiện bất cứ triệu chứng ung thư nào hoặc ung thư còn sót. Rất mong được bác sĩ tư vấn giúp.

Ngo Thanh Tam

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Anh Tâm thân mến,

Phẫu thuật và xạ trị là 2 phương pháp điều trị chủ yếu ung thư sàn miệng. Nếu tình trạng bệnh đang ổn định, sức khỏe anh hồi phục tốt đó là điều đáng mừng.

Tỉ lệ khỏi bệnh của ung thư sàn miệng giai đoạn 2 (chưa có di căn hạch cổ và di căn xa) vào khoảng 70-80%. 75% các trường hợp tái phát hoặc bệnh tiếp tục tiến triển thường xảy ra trong 2 năm đầu sau điều trị. Càng về sau thì khả năng tái phát giảm dần và khả năng khỏi bệnh đương nhiên sẽ tăng dần.

Anh nên lưu ý điều này và chính vì thế anh vẫn phải tái khám thường xuyên. Để theo dõi bệnh nhân, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng: quan sát và sờ vào bên trong miệng, bên ngoài cổ. Khi cần thiết, các bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm siêu âm, chụp X-quang, chụp CT scan tùy tình huống cụ thể.

Hiện tại, trên thế giới chưa nơi nào có máy chẩn đoán ung thư có thể giúp phát hiện bất kỳ triệu chứng ung thư. Thông tin này hoàn toàn không chính xác. Ở các nước tiên tiến thuộc Bắc Mỹ, châu Âu và Úc, để phát hiện sớm ung thư người ta đẩy mạnh việc khám sức khỏe định kỳ và thông tin - tuyên truyền về các "triệu chứng báo động" trong ung thư. Khi 1 người trên 40 tuổi có một trong các triệu chứng sau đây nên đi khám ngay:

1) Thay đổi thói quen đi tiêu và đi tiểu: bao gồm các rối loạn như tiêu chảy, táo bón, hay tiêu chảy xen kẽ táo bón mà không có nguyên nhân rõ ràng. Và các bất thường tiểu tiện như tiểu gắt, tiểu lắt nhắt.

2) Một vết loét lâu không lành: nhất là trên vùng da phơi nắng, vùng miệng đã được điều trị trên 2 tuần mà không lành.

3) Chảy máu hoặc dịch bất thường ở các lỗ tự nhiên: như ra máu âm đạo bất thường (sau giao hợp, ngoài chu kỳ kinh, ở phụ nữ quanh tuổi mãn kinh và sau mãn kinh, huyết trắng), chảy máu mũi, đi tiêu ra máu.

4) Một khối u hay một chỗ gồ lên bất thường ở vú hay một nơi nào khác trên cơ thể: thường không đau.

5) Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu không có nguyên nhân rõ ràng.

6) Một thay đổi rõ rệt của một nốt ruồi: lớn nhanh, thay đổi màu sắc, chảy máu...

7) Thay đổi giọng nói và ho kéo dài không liên quan đến nói nhiều hay cảm cúm, hoặc đã đều trị tích cực mà không giảm.

Khi đó, người bệnh có cơ may được phát hiện sớm bệnh ung thư. Cần lưu ý rằng không phải ai có các triệu chứng trên đều bị ung thư.

Các bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để có chẩn đoán chính xác:

- Ung thư vùng tai - mũi - họng và ung thư phổi: soi bằng ống soi mềm hoặc đôi khi bằng ống soi cứng.

- Ung thư đường tiêu hóa: nội soi bằng ống mềm.

- Ung thư vú: có thể phát hiện sớm nhờ tự khám vú và chụp nhũ ảnh.

- Ung thư cổ tử cung: khám phụ khoa và phết tế bào âm đạo - cổ tử cung.

- Ung thư tiền liệt tuyến: khám trực tràng bằng tay và xét nghiệm PSA.

....

Các máy chụp cắt lớp (CT scan), cộng hưởng từ (MRI), xạ hình bằng đồng vị phóng xạ và gần đây là máy PET scan (là máy phối hợp cùng lúc kỹ thuật chụp cắt lớp và kỹ thuật xạ hình) chỉ giúp bác sĩ khảo sát tình trạng lan rộng của ung thư trên bệnh nhân. Có nghĩa là sau khi đã chẩn đoán một bệnh nhân mắc ung thư, các bác sĩ mới chỉ định làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán kể trên. Các kỹ thuật này hoàn toàn chưa thể giúp chúng ta chẩn đoán sớm và chẩn đoán tất cả các loại bệnh ung thư.

Về chế độ dinh dưỡng, anh không cần thiết phải ăn kiêng theo một chế độ đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, nếu như trước đây anh lỡ hút thuốc, uống rượu thì ngay bây giờ anh cần phải từ bỏ thuốc lá và rượu (các loại có nồng độ cồn cao như rượu Tây, rượu đế...) vì chính chúng là thủ phạm của phần lớn các ung thư vùng hầu - họng. Các loại bia, rượu vang có nồng độ cồn thấp thì vẫn có thể dùng chút đỉnh. Đương nhiên không nên nhậu nhiều.

Chúc anh sẽ khỏi bệnh.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

 ThS.BS VÕ KIM ĐIỀN(Khoa ung thư BV FV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên