Hệ thống cảng biển của Việt Nam đã không ngừng mở rộng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong ảnh: hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc hôm nay 20-10 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo về cuộc suy thoái khi lạm phát cao, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia và cuộc xung đột Nga - Ukraine...
Từng chứng kiến cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, TS Trần Du Lịch - nguyên phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - nhận định Việt Nam cần chuẩn bị những giải pháp, kịch bản để ứng phó.
"Tại phiên thảo luận ở Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 do Quốc hội tổ chức trước kỳ họp, nhiều vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế, xã hội được đặt ra, trong đó có vấn đề rất quan trọng là đánh giá bối cảnh suy thoái của kinh tế quốc tế và khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam.
Kể cả những vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản, chứng khoán, xăng dầu, hay việc thực hiện nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... cũng được thảo luận kỹ. Những ý kiến nhận định tại diễn đàn về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu khá phù hợp với tình hình hiện nay" - ông Lịch chia sẻ.
TS Trần Du Lịch
Những động thái khởi tố, xử lý vi phạm một số doanh nghiệp liên quan đến hoạt động tài chính, kinh doanh bất động sản thời gian qua phần nào có ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Trong quá trình lành mạnh hóa có thể khiến thị trường chững lại, đó là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng chúng ta không thể vì khó khăn trước mắt mà để kéo dài sự mập mờ, vi phạm, làm nhụt chí của những người làm ăn chân chính và mất niềm tin của thị trường.
Xu hướng suy thoái từ quý 4-2022
* Là đại biểu Quốc hội khóa XII và trực tiếp chứng kiến cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, ông có so sánh gì với tình hình hiện nay, thưa ông?
- Đại khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu từ thị trường bất động sản của Mỹ và từ những tổ hợp tài chính, ngân hàng, tức là xuất phát từ thị trường. Hiện nay tình hình Nga - Ukraine, chính sách đối phó COVID-19 làm gãy đổ chuỗi cung ứng hay cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn cũng đều xuất phát từ nhà nước và các nhà nước (quốc gia) phải có trách nhiệm cùng xử lý.
Tôi tin các nền kinh tế lớn phải thỏa hiệp để xử lý các vấn đề như biến động về xăng dầu, năng lượng bởi không ai muốn sụp đổ nhưng chắc chắn hậu quả của những bất ổn có thể kéo dài 1-2 năm. Vì thế, xu hướng suy thoái ở mức độ nào đó của kinh tế toàn cầu từ quý 4 trở đi là thật.
* Với những phân tích, nhận định trên thì kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng thế nào?
- Việt Nam từng chịu ảnh hưởng nặng nề và tốc độ phục hồi nền kinh tế sau cuộc đại suy thoái năm 2008 chậm hơn các nước trên thế giới bởi vừa phải chống đỡ áp lực tiêu cực bên ngoài, vừa chống đỡ khắc phục cái đang tồn tại bên trong. Đó là hệ quả của bong bóng chứng khoán năm 2006 và bong bóng bất động sản năm 2007.
Năm 2007, tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam lúc đó tăng 53% so với năm trước trong khi thông thường chỉ khoảng 20 - 22%. Bong bóng này cực lớn và hệ quả tới 2008 tự nó đã thành áp lực lạm phát. Mặt khác, hệ thống tài chính từ dự trữ quốc gia, hệ thống ngân hàng nói chung và các chính sách tài khóa, tiền tệ rất yếu kém, nhất là vấn đề dự trữ.
Hiện nay, dù còn một số yếu kém nhưng sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam tốt hơn nhiều so với năm 2008. Từ dự trữ ngoại hối cho tới việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mấy năm gần đây đã tăng tỉ lệ trích lập dự phòng nợ quá hạn, tức là dự phòng rủi ro. Đặc biệt nguồn thu ngân sách hiện nay tăng vượt trội.
Nền kinh tế phát triển hơn 10 năm qua và vai trò của thị trường nội địa đã khác hoàn toàn ngày trước. Ví dụ khi vừa hết COVID-19, dù kinh tế đang đà phục hồi nhưng du lịch nội địa vùng trở lại nhanh chóng.
Công nhân làm việc tại công ty có 100% vốn nước ngoài trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp làm ăn chân chính
* Thưa ông, chúng ta nói sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn nhưng chắc hẳn không tránh khỏi những khó khăn?
- Trong năm nay, nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 của phần lớn doanh nghiệp đã đạt mức giới hạn nên cần có chính sách mới để tạo sức bật mới. Trong khi động lực tăng trưởng mới lại tùy thuộc vào niềm tin thị trường. Năm 2022, thu ngân sách và xuất khẩu có mức tăng trưởng rất cao và khó đạt được như thế trong năm 2023. Với tình hình này, rất khó kỳ vọng kinh tế tăng trưởng cao hơn nữa trong năm 2023.
Diễn biến ở tương lai còn nhiều điều chưa lường hết được. Dự báo suy giảm là có thật nhưng khủng hoảng thì theo tôi có lẽ không xảy ra ở quy mô toàn cầu. Do vậy, chúng ta vẫn còn điều kiện để tiếp tục phát triển, nhất là có lợi thế quy mô thị trường nội địa được mở rộng hơn nhiều so với 10 năm trước nhờ tầng lớp trung lưu tăng nhanh trong những năm gần đây.
Dữ liệu: T. CHUNG - Đồ họa: TUẤN ANH
* Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị những gì để ứng phó với xu hướng suy thoái?
- Việc ứng phó phải dựa vào cái mình đang có tương đối mạnh, giữ để làm trụ như hệ thống tài chính, ngân hàng. Cùng với đó, phải có chính sách minh bạch hơn để doanh nghiệp làm ăn chân chính tin tưởng và tiếp tục củng cố việc kinh doanh, sản xuất khi chúng ta đang trong cuộc đấu tranh sàng lọc giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính và doanh nghiệp làm ăn lôi thôi.
Đi vào chi tiết hơn, để tận dụng lợi thế của thị trường nội địa, chúng ta phải tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội gần 350.000 tỉ đồng để giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cùng với đó cần có cơ chế phát triển mạnh thị trường du lịch, đẩy mạnh chính sách nhà ở cho công nhân, cho người lao động... để kích thích tất cả các mặt của thị trường nội địa. Riêng thị trường của lĩnh vực xây dựng vừa qua chững lại rất nhiều do điểm nghẽn của việc hấp thụ vốn đầu tư nên cần nhanh chóng giải quyết điểm nghẽn này để thị trường xây dựng tăng trưởng tốt hơn.
Lạm phát dưới 5% là được
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của Quốc hội trong việc chuẩn bị ứng phó với những giải pháp mà ông đã kể ra?
- Quốc hội cần rà soát, đánh giá lại việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội theo nghị quyết 43, nếu cần thiết cần bổ sung các chính sách mới.
Về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong điều kiện vừa tăng trưởng vừa kiểm soát lạm phát, Việt Nam nên theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu để thấy rõ dư địa của chính sách tài khóa, tiền tệ đến đâu. Từ lạm phát mục tiêu, chúng ta mới tính tới phân bổ nguồn lực đầu tư công chuẩn bị cho giai đoạn 2026 - 2030 và bổ sung đầu tư công giai đoạn hiện nay.
Quốc hội cần thảo luận để đặt tỉ lệ lạm phát mục tiêu cho 3 năm (từ năm 2023 - 2025). Chúng ta đang bàn kiểm soát lạm phát ở mức 4-4,5% và theo tôi, cứ dưới 5% là chấp nhận được.
Cấp thiết giải ngân đầu tư công
* Ông nói đến việc phân bổ nguồn lực đầu tư công, nhưng hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư công là một điểm nghẽn rất lớn?
- Đúng vậy. Tôi cho rằng đầu tư công vẫn là vai trò cực kỳ quan trọng, kích thích kinh tế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Vì vậy việc tháo gỡ được điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vô cùng cấp thiết.
Một điểm nghẽn lớn nữa cần được tháo gỡ là sự chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật. Quốc hội cũng cần rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật có liên quan từng loại thị trường như thị trường hàng hóa, tài chính, lao động, bất động sản và chuyển giao khoa học công nghệ để tháo gỡ những chồng chéo, tạo hành lang pháp lý thống nhất.
Tôi mong rằng các cơ quan thuộc Quốc hội và Chính phủ sẽ lập những nhóm nghiên cứu tổng thể để có thể điều chỉnh một cách hoàn chỉnh nhằm tạo một khung vận hành được toàn bộ thị trường, chứ không phải cứ sửa luật này xong lại đi sửa luật kia và sau đó lại vướng. Đây chính là việc đột phá vào khâu thể chế như tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII về "hoàn thiện thể chế kinh tế".
Các chương trình du lịch nước ngoài thu hút khách lựa chọn tại Ngày hội du lịch TP.HCM 2022 - Ảnh: HỮU HẠNH
* Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN MINH SƠN: Quan trọng nhất cần ổn định kinh tế vĩ mô
Khi xem xét thẩm tra báo cáo Chính phủ về đánh giá thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng như phương hướng 2023, Ủy ban Kinh tế đã theo dõi rất chặt chẽ, đánh giá bối cảnh của kinh tế thế giới, trong đó có việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, lạm phát ở châu Âu, tình hình Trung Quốc... Đồng thời chúng tôi cũng theo dõi rất kỹ việc mất giá của đồng tiền các nước cũng như của chính đồng tiền Việt Nam.
Từ việc phân tích, đánh giá, chúng tôi đã đưa ra các nhận định cho bối cảnh kinh tế trong nước những tháng cuối năm 2022 và dự kiến năm 2023. Trước tình hình này nhiều ý kiến được nêu ra nhưng nền tảng, mục tiêu quan trọng nhất cần căn cứ từ nội lực của nền kinh tế nên phải hướng tới củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì mới có thể làm được những thứ khác. Trong đó phải dung hòa tất cả các giải pháp, phối hợp hài hòa, thận trọng điều hành giữa chính sách tiền tệ, tài khóa với các chính sách vĩ mô.
Việc giải ngân đầu tư công thời gian qua còn đạt mức khá thấp nên trong báo cáo của Chính phủ đã đưa một loạt giải pháp để đẩy mạnh giải ngân. Bởi giải ngân đầu tư công còn liên quan các chương trình phục hồi nên phải có sự điều hòa phối hợp giữa vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và vốn của chương trình phục hồi theo nghị quyết 43 của Quốc hội, nghị quyết 11 của Quốc hội.
Chúng tôi hy vọng trong nghị quyết tới đây của Quốc hội khi quyết định về kế hoạch, phương hướng năm 2023 sẽ bàn thảo để có các mục tiêu tổng quát, quyết sách cụ thể hơn.
* Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN THỊNH (ủy viên Ủy ban Kinh tế): Hướng tới những vấn đề mang tính cốt lõi
Vấn đề suy thoái kinh tế đã thấy rõ ở các nước châu Âu và thời gian qua đã bắt đầu tác động đến Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp may mặc khi nhiều đơn hàng bị cắt giảm, công nhân phải nghỉ việc. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ nội dung các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2023 kết cấu thành 12 nhóm, tập trung vào 8 trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành.
Chúng ta tin tưởng với những giải pháp được Chính phủ xác định thì kinh tế, xã hội sẽ có sự phát triển ổn định và không có cú sốc lớn trong năm tới, thực hiện được chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tuy nhiên tôi cho rằng có điểm nên lưu ý đó là điều hành của Chính phủ trong năm tới cần hướng tới những vấn đề mang tính cốt lõi để cho xã hội, cho nền kinh tế dựa vào nền tảng đó mà tự vận hành và tự tiến bộ. Thực tế một nền kinh tế tốt khi mà các giao kết hợp đồng dân sự được thực hiện một cách dễ dàng và dễ dàng được tuân thủ. Khi đó nền kinh tế rất năng động.
Để làm được như thế cần chuẩn hóa dữ liệu về mặt tài sản để làm sao chỉ bằng một vài động tác rất đơn giản sẽ có được dữ liệu minh bạch về tài sản của từng tổ chức, các cá nhân. Chính phủ nên có một chuẩn dữ liệu về mặt tài sản gắn với chủ tài sản để những dữ liệu đó được đổ vào một trung tâm quản lý dữ liệu để quản lý được.
Khi thực hiện minh bạch về tài sản, kết hợp với thanh toán không dùng tiền mặt và gắn với việc tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu bắt buộc thanh toán bằng chuyển khoản sẽ có một xã hội thượng tôn pháp luật và quản lý thuận lợi hơn. Từ nền tảng đó thì nền kinh tế sẽ tự vận hành đi lên.
* Chuyên gia kinh tế ĐINH THẾ HIỂN: Cần giải pháp ngắn hạn tạo kích cầu nội địa
Thời gian qua tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động theo chiều hướng suy thoái, đặc biệt với các thị trường động lực của Việt Nam như Mỹ và châu Âu. Việc này khiến đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bị giảm và dòng vốn FDI vào trong nước chậm lại.
Những khó khăn khách quan này không chỉ đối với Việt Nam mà còn với nhiều nước Đông Nam Á khác. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải giải quyết bài toán rất mâu thuẫn đó là giữ nhịp phát triển kinh tế đồng thời không để lạm phát tăng cao gây khó khăn cho đời sống, mất sự bền vững.
Để giải quyết câu chuyện này có lẽ kỳ họp Quốc hội nên bàn thảo để làm sao tập trung vào đầu tư hạ tầng. Cụ thể có thể tung tiền ra kích thích kinh tế thông qua đầu tư phát triển hạ tầng, bởi chúng ta vẫn còn dư địa lớn cho vấn đề này. Cạnh đó cần có chính sách để tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm thu hút vốn FDI vào để phát triển các nhà máy, khu công nghiệp, tạo việc làm.
Muốn vốn FDI vào thì việc quan trọng nhất là cần đảm bảo ổn định nền kinh tế bao gồm giữ ổn định tỉ giá đồng tiền và vấn đề lạm phát. Thêm vào đó, hàng loạt doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề giảm đơn hàng xuất khẩu, công nhân phải nghỉ việc nên cần có giải pháp để trong ngắn hạn có thể quay hướng sản phẩm vào thị trường nội địa. Việc này để giữ đà sản xuất, duy trì việc làm và tạo kích cầu nội địa.
THÀNH CHUNG ghi
Thách thức kiểm soát lạm phát
Lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng ở TP.HCM đã có xu hướng tăng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã nêu về áp lực lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.
Theo bà Hồng, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Tỉ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận