Phóng to |
Ngư dân xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) kéo thuyền lên bờ tránh bão số 7 - Ảnh: Duy Thanh |
Tại Bình Định, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tập trung theo dõi lượng mưa và ứng phó kịp thời với diễn biến lũ, kể cả sau khi bão tan. “Tuy tâm bão đã đổi hướng vào Phú Yên nhưng Bình Định không được chủ quan, bởi diễn biến sau bão còn bất thường, sẽ còn mưa nhiều, có thể lượng mưa sắp tới sẽ rất lớn. Do vậy cần chủ động gia cố hạ tầng, điều tiết nước hợp lý ở các công trình thủy lợi, chống sạt lở công trình, đảm bảo đủ nước tưới cho các mùa vụ sau” - ông Phát nhấn mạnh. Ở Bình Định, sau khi có mưa và gió cấp 5, chiều tối 6-10 trời dứt mưa và quang mây. Đối phó với bão số 7, mấy ngày qua Bình Định đã triển khai phương án di dời 20.000 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, đưa hơn 3.000 tàu thuyền vào neo đậu khu trú ẩn, bảo đảm an toàn cho 159 hồ chứa nước và hơn 400km đê kè.
Tại Phú Yên, ông Cao Đức Phát lưu ý: “Chúng ta hãy nhớ bài học kinh nghiệm về cơn bão số 11 năm 2009. Sau cơn bão đó, dự báo lượng mưa chỉ là 100-200mm, thế nhưng tại Phú Yên có mưa rất lớn, riêng ở huyện Đồng Xuân mưa đến 900mm, gây ra lũ lụt cực lớn, thiệt hại nặng nề về người và tài sản”. Ông cũng yêu cầu tỉnh Phú Yên tạm thời chưa cho những người dân đã sơ tán vì lý do sạt lở đất, triều cường, ngập lụt về nhà mà phải ở nơi an toàn đến khi không còn nguy cơ lũ lụt.
Ở Phú Yên, từ sáng đến trưa 6-10 mưa lớn tại các địa phương ven biển, song lượng mưa trung bình đo được trên địa bàn toàn tỉnh chỉ hơn 100mm, buổi chiều mưa giảm dần. Ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết trong ngày 6-10, các địa phương trong tỉnh đã sơ tán hơn 2.000 hộ dân với 7.000 người khỏi nơi có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, triều cường uy hiếp. Phú Yên cũng đã huy động 3.500 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng cứu cho các vùng xung yếu. Trong ngày, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chỉ xả lũ ở mức 2.200m3/giây.
Theo báo cáo nhanh từ các huyện miền núi lẫn huyện đảo Lý Sơn, các xã ven biển tỉnh Quảng Ngãi, chưa có thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra. Tỉnh đã có quyết định cho các hồ đập lớn như Núi Ngang, Diên Trường xả nước về lại mức nước chết, không được tích nước nên mưa lớn gây lũ cũng có thể cắt nước, giảm lũ cho vùng hạ lưu kịp thời. Chiều 6-10, ông Nguyễn Nhung - giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi - cho biết toàn tỉnh có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ, trong số này có 28 hồ chứa bị xuống cấp, mất an toàn trong mùa mưa lũ. Công ty và chính quyền địa phương cắt cử lực lượng canh trực 24/24 giờ.
Hủy hàng chục chuyến bay đến miền Trung Vietnam Airlines cho biết do ảnh hưởng của bão số 7 nên đến 14g ngày 5-10 đã có ba chuyến bay đến miền Trung (Hà Nội - Buôn Ma Thuột, Chu Lai - Hà Nội và TP.HCM - Quy Nhơn) bị hủy. Ngoài ra, sẽ có thêm 16 chuyến bay trong buổi chiều 6-10 từ Hà Nội và TP.HCM đi Bình Định, Quảng Nam, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Cam Ranh và ngược lại; hai chuyến bay từ Đà Nẵng đi Pleiku và ngược lại buộc phải hủy để đảm bảo an toàn khai thác. Toàn bộ hành khách bị ảnh hưởng (gần 1.900 khách) sẽ được Vietnam Airlines bố trí đi trên những chuyến bay thường lệ và tăng chuyến vào ngày 7-10. Vietnam Airlines khuyến nghị hành khách chủ động liên hệ với các phòng vé của hãng và theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động kế hoạch đi lại của mình, đồng thời mong nhận được sự thông cảm và hợp tác từ phía khách hàng trong trường hợp các chuyến bay phải hủy hoặc điều chỉnh giờ khai thác do ảnh hưởng của bão trong giai đoạn này. Do chỉ khai thác đường bay đến Đà Nẵng chứ không có thêm nhiều điểm đến miền Trung như Vietnam Airlines nên các hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines, VietJetAir không bị ảnh hưởng nhiều. Đến 16g30 ngày 6-10, Jetstar Pacific Airlines cho biết không có chuyến bay nào tới Đà Nẵng bị ảnh hưởng bão. Còn VietJetAir cho biết hai chuyến bay đến Đà Nẵng bị chậm do thời tiết xấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận