Các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Go - Việt đã góp phần thay diện mạo giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ đi lại - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các hãng đầu tư lớn
Grab và Uber cho ra mắt ứng dụng gọi xe GrabCar và UberX ngay trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng.
Với phương thức đặt xe hiện đại, 100% quản lý cuốc xe qua phần mềm góp phần hỗ trợ tài xế và hành khách mọi lúc, mọi nơi. Điều này giúp giải quyết nhu cầu di chuyển nhanh, an toàn và văn minh cũng đã gắn kết được ngày càng nhiều người dùng hơn.
Chỉ trong thời gian ngắn, các hãng xe công nghệ cũng thu hút lượng lớn tài xế "đầu quân", nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vận tải khiến các hãng taxi truyền thống lao đao.
Một trong số đó phải kể tới ứng dụng gọi xe Grab đã dần trở thành một "siêu App" với lượng thành viên rất lớn.
Không chỉ vậy, ứng dụng của Grab đã tích hợp nhiều tiện ích như Grab Car, Grab Bike, Grab Food…
Thậm chí, giờ đây, người dùng cũng có thể nạp thẻ điện thoại, mua sắm thông qua ứng dụng này. Đặc biệt, trước sự phát triển của loại hình này, thị trường ngành giao thông nói chung, vận tải hành khách nói riêng đã có biến chuyển.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi dịch vụ công nghệ hỗ trợ vận tải như Grab, Uber, Go - Việt … du nhập vào Việt Nam, taxi truyền thống đã bộc lộ hết những bất cập tồn tại bấy lâu nay như cước di chuyển cao, thái độ phục vụ hành khách kém, lái xe chạy vòng vèo để mua đường, đặc biệt là tỉ lệ xe chạy rỗng trên đường tìm khách khá cao.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - nhìn nhận sự xuất hiện của ứng dụng gọi xe công nghệ đã giúp các hãng taxi truyền thống phải nhanh chóng nhìn nhận lại những hạn chế trong vận hành, hoạt động.
Các hãng này buộc phải thay đổi để bắt nhịp với xã hội 4.0. Một số hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun, Thành Công… đều đã xây dựng ứng dụng gọi xe của hãng, thêm tương tác với tổng đài. Một số doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư Việt bắt đầu nhảy vào thị trường, đầu tư "app" đặt xe riêng để cạnh tranh.
Không chỉ vậy, nhờ vào đó, do tính cạnh tranh thị trường, tất cả các hãng tham gia hoạt động vận tải hành khách đều tự thay đổi cung cách, thái độ phục vụ hành khách, tổ chức đào tạo hành vi, thái độ nhân viên với khách hàng bài bản.
Thậm chí, một số hãng còn ra mắt ứng dụng ước lượng tiền cước cho mỗi cuộc di chuyển nhằm giúp hành khách biết trước được số tiền mình sẽ phải trả cho chuyến đi nhưng điều cốt lõi quan trọng là chất lượng tài xế và giá thành thì dường như vẫn… giậm chân tại chỗ.
Từ đó, khách hàng được đi xe với giá thành phù hợp, chất lượng cao, góp phần nâng cao đời sống người dân.
TS Chung Thành Tiến - chuyên gia kinh tế chia sẻ thường xuyên sử dụng các ứng dụng đặt xe hiện đại như Grab, Go - Việt để đi lại hằng ngày.
Khách hàng được nắm rõ, minh bạch giá cước, quãng đường, giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho người dùng. Tâm lý chung của người dùng là cái nào tiện lợi, chất lượng, giá thành phù hợp thì ưu tiên sử dụng.
Hiện nay, hầu hết các phần mềm gọi xe đều đảm bảo an toàn, tiện lợi với chi phí tiết kiệm, tạo thói quen di chuyển mới cho người dùng với độ phủ cao hệ thống dịch vụ đa dạng, hỗ trợ nhiều tiện ích trong cuộc sống của người tiêu dùng. Chính nhờ vậy mà các TP giảm được lượng xe chạy rỗng. Từ đó giảm bớt gánh nặng giao thông cũng như lượng khí thải ra môi trường.
Giảm tỉ lệ thất nghiệp
Trên thực tế, việc các ứng dụng gọi xe công nghệ Grab, Go - Việt… đặt chân vào thị trường Việt Nam ở khía cạnh nào đó giúp tạo công ăn việc làm, thậm chí có làn sóng đầu tư xe để chạy "xe công nghệ", đồng thời tận dụng nhiều ô tô, xe máy nhàn rỗi góp phần giảm ùn tắc, kẹt xe tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội…
Nhiều tài xế cho biết được giải quyết việc làm, tăng cao thu nhập so với trước đó - Ảnh: TTO
Theo hãng Grab, Grab đã mang lại thu nhập tốt hơn cho hơn 175.000 đối tác tài xế. Chỉ tính riêng với đối với các đối tác GrabBike, mức tăng trưởng thu nhập hàng tháng luôn nằm trong khoảng 20%.
Năm 2018, Grab đóng góp vào ngân sách nhà nước 440 tỉ đồng, đồng thời thu hộ thuế thu nhập cá nhân từ các đối tác, tránh thất thu thuế, minh bạch kinh doanh.
Với mô hình thí điểm xe hợp đồng điện tử - GrabCar, đến nay hãng này đã triển khai ứng dụng gọi xe tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Quảng Ninh, theo đúng cam kết với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Một số tài xế cho biết, từ khi các ứng dụng gọi xe ra đời, cánh tài xế tận dụng thời gian nhàn rỗi để chạy xe nên không bị gò bó giờ giấc.
Anh Trần Thanh Bình - một tài xế Grab Car sống ở Q.Bình Thạnh - cho biết anh là tài xế taxi suốt 5 năm trời nhưng cuộc sống chật vật do cuốc ít. Chỉ trong vòng 2 năm kiên trì làm việc cho một hãng xe công nghệ, anh đã trả được nợ nần, chịu khó chạy liên tục thu nhập được trên dưới 1,5 triệu đồng/ngày.
Tại Việt Nam, các hãng có ứng dụng gọi xe công nghệ đã tận dụng nền tảng công nghệ, dần chuyển mình thành siêu ứng dụng, thiết kế để phục vụ tối đa nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.
Các hãng như Grab đã phục vụ thêm các nhu cầu di chuyển, ăn uống, giao hàng của 1 trên 5 người Việt mỗi tháng. Trung bình, khách hàng có thể đặt dịch vụ Grab chỉ trong 2,5 phút.
Thị trường vận tải Việt Nam có tăng trưởng nhanh, nhu cầu và cạnh tranh sẽ còn gay gắt.
Theo ông Chung Thành Tiến, các hãng taxi truyền thống hoạt động tại Việt Nam cần có cái nhìn khách quan hơn, có những thay đổi kịp thời. Bắt đầu từ việc đầu tư xe cộ, đào tạo nhân viên, ứng dụng công nghệ mới, công khai minh bạch giá thành…
Người dùng sẽ căn cứ vào những yếu tố đó để lựa chọn sử dụng dịch vụ. Về mặt quản lý, Bộ Giao thông vận tải cũng cần có phương thức quản lý mới cho từng loại hình, chính sách thuế phí phù hợp để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các loại hình vận tải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận