Khách tham quan phòng trưng bày chân dung Mẹ VNAH và sử dụng app "Bảo tàng thông minh" - Ảnh: L.Điền
Phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu hiện vật, thông tin của hơn 70 Mẹ Việt Nam Anh hùng trong số 92.226 Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn miền Nam (TP.HCM có 5325 Mẹ Việt Nam Anh hùng).
Trong đó, khối các Mẹ Việt Nam Anh hùng của miền Nam bao gồm hai đối tượng: Là Anh hùng Lực lượng vũ trang, và Có đóng góp cho công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước; khối các Mẹ Việt Nam Anh hùng của TP.HCM bao gồm các Mẹ: Là liệt sĩ (42 Mẹ), là Anh hùng Lực lượng vũ trang (3 Mẹ), giữ chức vụ cao trong Đảng và Nhà nước (2 Mẹ).
Với ứng dụng Smart Museum, khách tham quan có thể cài app "Bảo Tàng PNNB" (chạy cả trên nền Android và IOS) vào thiết bị cầm tay, khi vào phòng trưng bày, ở cự ly cách hiện vật 1m, các thông tin hình ảnh sẽ hiển thị trên app, và qua đó, ngoài việc trực tiếp tham quan tại bảo tàng, công chúng có thể tìm kiếm các thông tin liên quan đến nhân vật, hiện vật đang được đề cập/trưng bày, hoặc được cung cấp sâu hơn về tiểu sử nhân vật, các clip hoạt động liên quan...
Sắp tới, Bảo tàng cũng sẽ bổ sung phần voice (hướng dẫn bằng âm thanh qua app) cho công chúng khi sử dụng Smart Museum.
Điều thú vị khi tham quan phòng trưng bày chân dung và tư liệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, ngoài tranh vẽ, tượng khắc, thông qua các hiện vật còn lưu giữ được, công chúng ngày nay sẽ hình dung được một phần cuộc chiến tranh Việt Nam thông qua cuộc đời của các Mẹ.
Đó là những chiếc rổ xúc cá, giỏ đựng trầu, cối đâm tiêu của những bà mẹ Việt Nam bình dị, nhưng dòng ghi chú kèm theo thật lạnh người: các Mẹ đều có 2 con, 3 con là liệt sĩ.
Bộ dụng cụ ăn trầu của các Mẹ Việt Nam Anh hùng được trưng bày - Ảnh: L.Điền
Lại có hiện vật độc đáo chỉ có thể là sản phẩm từ cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là quả bom bi của Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Ba (1913-1973) quê ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.
Quả bom được ném từ máy bay Mỹ, nhưng bị lép không nổ, bộ đội công binh tháo kíp nổ, tự chế thành một chiếc tủ có cả cửa với các ngăn đựng vật dụng và tặng mẹ.
Mẹ Huỳnh Thị Ba đã dùng chiếc "tủ bom bi" này để đựng tiền, nữ trang, vật dụng quý để nuôi quân và lưu giữ tài liệu cách mạng, thư từ của các con. Mẹ Ba có 3 con là liệt sĩ.
Chiếc "tủ bom bi" của Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Ba - Ảnh: L.Điền
Hay hiện vật của Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Thanh (1907-1979) quê ở Hóc Môn là chiếc chuông gia trì vốn quen thuộc với các tăng, ni, Phật tử. Mẹ Thanh đã dùng chiếc chuông này làm ám hiệu để nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, bản thân Mẹ Thanh có 3 con là liệt sĩ.
Chiếc chuông gia trì của VNAH Đặng Thị Thanh - Ảnh: L.Điền
* Khai mạc phòng trưng bày gần 100 chiếc chóe
Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng khai mạc một phòng trưng bày bộ sưu tập chóe với gần 100 chiếc. Đây là bộ sưu tập quý, được Bảo tàng dày công sưu tập trong nhiều năm, tập trung các chóe có nhiều nguồn gốc xuất xứ mang nhiều phong cách của nhiều cộng đồng dân tộc.
Cả hai chuyên đề trưng bày được tổ chức nhằm đánh dấu một bước ngoặt mới: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ vừa khánh thành hệ thống Kho bảo quản hiện vật và Nhà làm việc hành chính sau 18 tháng thi công.
Chóe 4 tai của Thái Lan - Ảnh: L.Điền
Chóe 5 tai bằng gốm Quảng Đông (Trung Quốc), niên đại: thế kỷ 19 - Ảnh: L.Điền
Hai chiếc chóe bằng gốm Cây Mai cỡ lớn - Ảnh: L.Điền
Chóe hoa, tai hình con chuột, gốm không men, niên đại: thế kỷ 20, của người K'Hor Srê tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: L.Điền
Chóe 5 tai có niên đại thời Lê Sơ (thế kỷ 15) bằng gốm men màu nâu nhạt có hình hoa cúc, sóng nước - Ảnh: L.Điền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận