19/01/2015 10:04 GMT+7

​Ùn ứ cửa ngõ vì dự án “rùa bò”

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Vụ kẹt xe kéo dài hơn chín giờ trên xa lộ Hà Nội ngày 16-1 được xác định do thi công chậm trễ dự án mở rộng tuyến đường này lên 14-16 làn xe.

Vào giờ cao điểm, người dân khổ sở để đến chỗ làm - Ảnh: Mậu Trường

Vì sao một tuyến đường trọng điểm chỉ chưa đến 16km, sau hơn bốn năm rưỡi thi công nay vẫn chưa thể hoàn thành?

Thật ra vụ kẹt xe ngày 16-1 chỉ là một trong nhiều vụ kẹt xe từng xảy ra trên tuyến đường này thời gian gần đây.

Thi công “da beo”

Giải thích vụ kẹt xe ngày 16-1 trên xa lộ Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Nam - giám đốc điều hành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (thuộc Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP - CII) - cho rằng nguyên nhân chính là do các cụm cảng nằm cạnh tuyến đường này như: cảng Phước Long, cảng Trường Thọ và các bến bãi trung chuyển container... chậm trễ bốc xếp hàng hóa lên các xe tải, xe container.

Bên cạnh đó, các bến cảng này không đủ bãi đậu xe, trong khi đó số lượng xe quá lớn vào các cảng này đã gây nên ùn ứ khiến dòng xe nối dài từ trong cảng đến ngã tư Thủ Ðức.

Ông Nam cũng nhìn nhận vụ kẹt xe trên còn có nguyên nhân do dự án đang thi công chậm trễ, chưa hoàn thành mở rộng đường song hành hai bên xa lộ Hà Nội.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, CII đã hoàn thành mở rộng trục đường chính xa lộ Hà Nội dài 15,7km, mở rộng mặt đường 48m.

Thế nhưng trên công trường xây dựng đường song hành xa lộ Hà Nội cho thêm 2-4 làn xe lưu thông ở Q.9 - đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến giáp ranh tỉnh Bình Dương dài khoảng 8km đang thi công theo kiểu “da beo”. Nhiều đoạn đang thi công mở rộng xen kẽ với những đoạn chưa thi công vì vướng giải tỏa.

Tương tự ở địa bàn Q.2, hướng từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn và ở địa bàn Q.Thủ Ðức, đoạn từ giáp ranh tỉnh Bình Dương đến cầu Rạch Chiếc cũng chưa thi công mở rộng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện CII cho rằng những đoạn trên tạm dừng thi công do đang thi công tuyến metro số 1 - Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9).

Bên cạnh đó, đường song hành ở Q.Thủ Ðức đang bị thu hẹp 1/2 diện tích mặt đường do thi công tuyến metro, chưa kể bị nhiều xe tải, xe container chiếm dụng càng gây kẹt xe thêm trầm trọng.

Chậm hơn một năm rưỡi

Thực tế sau hơn bốn năm rưỡi thi công (tháng 4-2010) đến nay, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội mới đạt được 42% khối lượng.

Trong đó, công trình đã hoàn thành trục giao thông chính rộng 48m từ cầu Sài Gòn đến Trường ÐH Quốc gia và cổng khu du lịch Suối Tiên, hoàn thành đường song hành bên phải phía Q.2, đoạn từ siêu thị Metro An Phú đến cầu Rạch Chiếc.

Theo CII, sở dĩ khối lượng thi công đạt thấp là do các địa phương bàn giao mặt bằng không đúng kế hoạch được quy định trong hợp đồng BOT.

Cụ thể, mãi đến tháng 6-2012 UBND Q.2 mới bàn giao xong mặt bằng và đến tháng 6-2014 UBND Q.Thủ Ðức mới bàn giao xong mặt bằng. Trong khi đó, đến tháng 12-2014 UBND Q.9 mới bàn giao được 4,2km/8km chiều dài xa lộ Hà Nội.

Theo CII, hợp đồng BOT được ký kết, dự án sẽ hoàn thành sau 36 tháng kể từ khi nhận bàn giao mặt bằng (dự kiến vào ngày 30-6-2013). Thế nhưng đến nay dự án đã chậm trễ hơn một năm rưỡi.

Mới đây, trong báo cáo với Sở Giao thông vận tải TP, CII đã đưa mốc thời gian hoàn thành vào tháng 12-2016 đoạn trên địa bàn Q.2 với điều kiện Ban quản lý đường sắt đô thị bàn giao mặt bằng vào tháng 9-2015.

Ðoạn trên địa bàn Q.9 sẽ hoàn thành vào tháng 12-2016 với điều kiện Q.9 bàn giao mặt bằng vào tháng 5-2015 và đoạn trên địa bàn Q.Thủ Ðức hoàn thành vào tháng 2-2017 với điều kiện địa phương bàn giao mặt bằng vào tháng 9-2015.

Tuyến đường thắt “cổ chai”

Trong số 15,7km của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có 2,2km quốc lộ 1 nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng 2,2km đường trên đang bị tắc vì tỉnh Bình Dương không chi tiền ngân sách đền bù giải tỏa đoạn đường này.

Vì vậy, UBND TP.HCM đã kiến nghị trung ương hỗ trợ tiền đền bù giải tỏa đoạn xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (khoảng 1.400 tỉ đồng).

Trong văn bản trả lời việc này, Bộ Tài chính cho biết việc đầu tư hạ tầng ở địa phương nào thì ngân sách địa phương đó sẽ thực hiện. Như vậy, đến nay việc đầu tư mở rộng đoạn đường trên chưa có quyết định cuối cùng.

Trong khi đó, CII cho biết trong hợp đồng BOT dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đã xác định vốn đầu tư xây lắp đoạn 2,2km trên là 400 tỉ đồng và đoạn đường này sẽ được bàn giao mặt bằng giải tỏa vào tháng 6-2010.

Thế nhưng đến nay, vì chưa xác định cơ quan nào chi trả tiền đền bù giải tỏa nên chưa thể xác định thời gian hoàn thành đoạn đường trên.

Còn ba điểm thắt “cổ chai”

Hiện tuyến xa lộ Hà Nội vẫn còn ba điểm thắt “cổ chai” gây ách tắc cho cửa ngõ TP. Cụ thể, theo Hội Cầu đường cảng TP.HCM, dự án cầu vượt bằng thép được xây dựng tạm ở nút giao ngã tư Thủ Đức đang gây ùn tắc giao thông tại đây.

Chỉ riêng một năm qua đã xảy ra chín vụ tai nạn giao thông trên cầu vượt này. Do đó, Hội Cầu đường cảng TP đề xuất trước năm 2016 phải xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông này theo đúng quy hoạch.

Tương tự, để giải quyết ách tắc giao thông trước cổng Trường đại học Quốc gia TP.HCM trên xa lộ Hà Nội, Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở Tài chính đề xuất UBND TP giao CII thực hiện dự án xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh tại đây. Hiện dự án này đã được Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đầu tư giai đoạn 1.

Nút giao thông ngã ba Bình Thái (Q.9 - Q.Thủ Đức) hiện cũng triển khai chậm tiến độ nên đã gây ách tắc giao thông tại khu vực này.

Nút giao thông này nằm trong tuyến đường vành đai 2 nối từ đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ - vành đai phía đông - cầu Rạch Chiếc (Q.9) - ngã ba Bình Thái - cầu Gò Dưa nối với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng).

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên