Anh - Mỹ cảnh báo: Nga không đưa quân sang UkraineUkraine đối mặt nguy cơ ly khai Phe đối lập Ukraine tiếp tục biểu tình
Phóng to |
Các tay súng tuần tra ở sân bay Simferopol - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, rạng sáng 28-2 một nhóm khoảng 50 người mặc đồng phục quân sự, tay cầm súng tiểu liên và súng máy đã xông vào sân bay quốc tế thuộc thành phố Simferopol, thủ phủ bán đảo Crimea.
Nhiều người trong số họ mang theo quốc kỳ Nga. Một nhóm vũ trang khác cũng đã chiếm giữ sân bay quân sự Belbek gần cảng Sevastopol, nơi có căn cứ hải quân Nga.
Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, một tay súng ở sân bay Simferopol tuyên bố: “Chúng tôi kiểm tra để đảm bảo không có kẻ cực đoan nào đến Crimea từ Kiev, từ Ukraine. Chúng tôi không muốn có cực đoan hay phát xít”.
Một người khác tên Vladimir cho biết nhóm vũ trang này thuộc “Lực lượng dân quân Crimea”, đến sân bay để “đảm bảo trật tự”. Đến tối qua, chính quyền Ukraine tuyên bố đã giành lại được hai sân bay.
“Cuộc xâm lược”
Trên trang Facebook cá nhân, Bộ trưởng nội vụ Ukraine Arsen Avakov tuyên bố các tay súng ở sân bay Simferopol “không che giấu sự thật là họ thuộc lực lượng vũ trang của Nga”. Ông cũng cáo buộc những người chiếm sân bay Belbek là “đơn vị vũ trang thuộc hải quân Nga”.
“Tôi cho rằng đây là một cuộc xâm lược vũ trang, hoàn toàn trái ngược với mọi thỏa thuận và quy định quốc tế” - ông Avakov khẳng định.
Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov đã mở cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh để thảo luận tình hình Crimea.
Ngay sau đó, Quốc hội Ukraine đã lên tiếng kêu gọi Nga “ngừng mọi hành động làm tổn thương nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ (của Ukraine) và không ủng hộ chủ nghĩa ly khai tại Ukraine”.
Quốc hội Ukraine cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA) mở cuộc họp khẩn để thảo luận tình hình Ukraine.
Chính quyền Kiev cũng kêu gọi Mỹ và Anh thực hiện thỏa thuận ký với Ukraine nhằm đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Bộ trưởng Avakov cũng cho rằng các nhà ngoại giao của Ukraine và Nga cần phải đàm phán khẩn cấp.
Phía Nga đã nhanh chóng bác bỏ mọi cáo buộc. Hãng tin Interfax dẫn lời một người phát ngôn hạm đội Biển Đen Nga tuyên bố lực lượng của họ không hề xâm chiếm sân bay Belbek. Interfax cũng dẫn một nguồn tin giấu tên khẳng định sân bay này bị một số nhóm tự vệ thân Nga ở địa phương kiểm soát và họ không có bất cứ quan hệ gì với hạm đội Biển Đen của Nga.
Dù vậy, tối qua có 20 tay súng mặc đồng phục hạm đội Biển Đen đã bao vây một trạm kiểm soát biên giới của Ukraine ở gần Sevastopol.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi tất cả các bên ở Ukraine “lùi một bước, tránh các động thái gây hấn”.
Ông cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cam kết Matxcơva sẽ không can thiệp vào Ukraine. Mới đây, các nước Pháp, Đức và Ba Lan đều tuyên bố rất lo ngại với tình hình Crimea và kêu gọi các bên kiềm chế để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.
Ông Yanukovych thề sẽ chiến đấu
Tối qua, Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych đã xuất hiện trở lại trong một cuộc họp báo ở thành phố Rostov-on-Don ở Nga, cách biên giới Ukraine khoảng hai giờ chạy xe. Ông tuyên bố mình “không bị lật đổ”.
“Tôi rời Ukraine vì bị đe dọa đến tính mạng mình và những người thân cận” - ông Yanukovych cho biết. Ông khẳng định không hề ra lệnh cho cảnh sát bắn vào người biểu tình như cáo buộc của phe đối lập.
Vẫn với thái độ cứng rắn, ông Yanukovych chỉ trích chính phủ mới ở Kiev đã cướp đoạt chính quyền, gây “hỗn loạn và khủng bố”.
Ông cũng cho rằng phương Tây đã khuyến khích phe đối lập lật đổ chính phủ Ukraine. Ông cũng mô tả cuộc bầu cử tổng thống Ukraine, dự kiến diễn ra ngày 25-5, là “bất hợp pháp”.
Dù đã bị Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất ngay sau khi ông rời Kiev, ông Yanukovych khẳng định ông vẫn là tổng thống Ukraine và cam kết sẽ “tiếp tục chiến đấu vì tương lai Ukraine”.
Ông lên tiếng xin lỗi người dân Ukraine vì “không đủ sức mạnh để bảo vệ sự ổn định của đất nước”. Ông cũng tiết lộ sẽ trở về Ukraine nếu được đảm bảo sự an toàn.
Ông Yanukovych cho rằng tình hình an ninh ở bán đảo Crimea là “phản ứng tự nhiên” của người dân khu vực này đối với vụ “cướp đoạt” chính quyền ở Kiev.
Ông khẳng định Crimea vẫn phải là một phần của Ukraine nhưng nên được hưởng quyền tự trị rộng rãi hơn, do đó sẽ không nhờ Nga can thiệp vào Crimea. Ông cũng cho biết vẫn chưa gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi đến Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận