Một tài xế xe dịch vụ Uber bị lập biên bản tại bến xe miền Đông, TP.HCM - Ảnh: Q.Khải |
Đại diện Uber chỉ cho biết bản chất Uber là phần mềm công nghệ và đã đăng ký kinh doanh với tư cách công ty hoạt động công nghệ tại VN (đăng ký ở TP.HCM). Uber đưa ra mức phí là 9.597 đồng/km.
Mức phí tham khảo cho chuyến đi từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài là 250.000 đồng cho chiều đi và 330.000 đồng cho chiều về (mức phí trung bình).
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Micheal Brown - giám đốc khu vực Đông Nam Á của Uber - khẳng định tất cả đối tác (doanh nghiệp vận tải) của Uber có loại ôtô hoạt động theo quy định pháp luật VN.
Uber không phải dịch vụ taxi mà là dịch vụ xe hợp đồng. Hợp đồng được quy định với điều kiện khi người dùng và đối tác của Uber (xe sử dụng Uber) tham gia hệ thống.
Liên quan đến việc khai thác xe hợp đồng, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết nếu doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô thì đủ điều kiện để bán dịch vụ qua Uber.
Tuy nhiên, theo nghị định về kinh doanh vận tải bằng ôtô và thông tư hướng dẫn nghị định, người bán dịch vụ vận tải qua Uber bằng hình thức xe hợp đồng phải đáp ứng các yêu cầu:
Ghi tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe; có phù hiệu “xe hợp đồng” theo mẫu quy định; trên xe có trang bị bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm.
“Nếu thanh tra giao thông kiểm tra thấy tài xế nhận chở khách thông qua Uber theo hình thức xe hợp đồng nhưng xe đó không thuộc đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải hoặc thiếu các điều kiện trên thì bị xử phạt theo quy định” - ông Hùng nói.
Cũng như nhiều ý kiến khác, ông Hùng cho rằng Uber thực hiện kinh doanh ở VN thì cần công bố rõ ràng hơn với tư cách một doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Ông Hùng cũng cho biết chưa thấy Uber công bố các quy định pháp lý theo luật pháp VN như đã công bố ở một số nước.
Theo ông Hùng, các giao dịch dân sự giữa Uber với khách hàng là công dân VN có phát sinh chi phí trên lãnh thổ VN phải được điều chỉnh bởi pháp luật VN. Việc công bố công khai, minh bạch sẽ tạo sự an tâm cho người sử dụng xe qua dịch vụ Uber.
Được biết, dự kiến đầu tuần tới Bộ GTVT sẽ có buổi làm việc liên quan đến hoạt động của Uber sau khi Uber có thư gửi bộ trưởng Bộ GTVT.
Xe Uber là “taxi mù cao cấp”? Chiều 5-12, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có cuộc họp với báo chí về kiến nghị của bộ trưởng Bộ GTVT và các cơ quan thẩm quyền ở trung ương về xem xét cho Uber hoạt động tại VN. Ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch hiệp hội, cho rằng Uber đang hoạt động như một dạng “taxi mù cao cấp”. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống đang chịu nhiều gánh nặng về thuế, phí. Hiệp hội Taxi TP kiến nghị: nếu Uber chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh theo pháp luật VN thì chưa được phép hoạt động. Theo ông Hỷ, nếu các doanh nghiệp taxi hiện nay chuyển sang hoạt động theo kiểu xe Uber thì mỗi năm sẽ trốn nộp thuế hàng trăm tỉ đồng. Cùng ngày, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM tiếp tục kiểm tra, xử lý các xe chở khách có thu tiền theo hình thức taxi Uber tại nhiều nơi trong TP. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ trong khoảng 30 phút buổi sáng, lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bốn xe chở khách qua dịch vụ Uber. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận