Tính chung toàn quốc trong vòng 5 năm từ năm học 2017 - 2018 đến 2021-2022, số lượng thí sinh trúng tuyển thạc sĩ ở các trường giảm khoảng 15.000 người.
Cũng trong 5 năm này, số lượng học viên trúng tuyển liên tục giảm, bình quân khoảng 3.000 người/năm.
Ở khía cạnh các trường cụ thể, hầu như không trường nào tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ. Ngay cả các trường đại học uy tín, lâu đời, nhiều ngành học cũng trắng thí sinh.
Mặc dù vậy một số ngành "hot" lại có số lượng thí sinh dự thi nhiều hơn chỉ tiêu khiến cho việc có một suất học thạc sĩ cũng không phải dễ.
Tuy nhiên đây là điều hiếm hoi. Các ngành trắng thí sinh chiếm tỉ lệ áp đảo.
Đơn cử như tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), các ngành có nhiều thí sinh đăng ký tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển. Phần lớn các ngành còn lại chỉ xét tuyển.
Một số ngành như tâm lý học lâm sàng, phương pháp dạy học tiếng Anh, báo chí học luôn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi rất cao. Riêng đợt 1-2023, ngành tâm lý học có số lượng thí sinh đăng ký gấp hơn 4 lần chỉ tiêu.
Ở chiều ngược lại, có đến hơn 2/3 số ngành của trường này không có thí sinh nào đăng ký dự tuyển.
Tình hình cũng tương tự ở nhiều trường đại học khác, cả khối kinh tế, kỹ thuật. Tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kỳ tuyển sinh đợt 1-2023, có một ngành không có thí sinh trúng tuyển. 15 ngành còn lại không ngành nào tuyển đủ chỉ tiêu.
Nhiều ngành ở trường này chỉ lác đác vài thí sinh trúng tuyển. Kết quả tuyển sinh đợt 2-2023 của trường này cũng không khá hơn đợt 1.
Ở khối kinh tế, Trường đại học Ngoại thương được xem là trường đại học hàng đầu. Trong khi tuyển sinh đại học có số lượng thí sinh đăng ký nhiều thì ở bậc sau đại học, hầu như không ngành nào tuyển đủ chỉ tiêu.
Số lượng ngành tuyển sinh thạc sĩ tại Trường đại học Ngoại thương không nhiều nhưng ở kỳ tuyển sinh đợt 1-2023, không ngành nào có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đạt 50% chỉ tiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận