Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chương trình tư vấn trực tuyến với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Công việc liên ngành đen xen
Theo TS Hoàng Đức Bình - giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Thái Bình Dương, ngay khi đại dịch COVID-19 đạt đỉnh tại các nước Bắc Mỹ và châu Âu khoảng 6 tháng trước đây, nền kinh tế thế giới chứng kiến sự phân cực lớn: trong khi các ngành dịch vụ giảm sút đáng kể thì các ngành liên quan đến thực phẩm, công nghệ và y dược... tăng trưởng vượt bậc, nhất là các công ty ứng dụng được công nghệ trong sản xuất và cung ứng sản phẩm. Dự báo sẽ có sự phục hồi gần như tức thời của khối ngành kinh tế.
Ông Bình khẳng định: "Thí sinh dự thi năm này có thể yên tâm, các em cần ít nhất 4 năm mới có thể tham gia thị trường lao động. Khi ấy dịch đi qua và theo quy luật nền kinh tế, đó lại là thời kỳ phát triển mạnh sau khi bị khó khăn do dịch bệnh hoặc suy thoái, vì vậy nhu cầu việc làm cũng sẽ tăng cao".
ThS Nguyễn Hải Trường An - giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định dịch COVID-19 như một điểm nút tạo đà cho bước nhảy vọt mạnh mẽ của công nghệ đi vào cuộc sống.
Đó là sự xuất hiện của việc liên ngành đan xen, bổ trợ cho nhau liên quan đến hoạt động kinh doanh, kinh tế, ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa, phân tích khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa...
"Sau đại dịch, nhiều cửa hàng sẽ bị đóng cửa và được thay thế bằng các gian hàng trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử. Các công việc như chăm sóc khách hàng sẽ dần được chuyển giao qua kênh giao tiếp trực tuyến, đây chính là thị trường của nhóm ngành về marketing..." - bà An dự báo.
Vẫn là ngành "hot"
TS Huỳnh Khả Tú - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhóm ngành kinh tế vẫn luôn nằm trong top các ngành "hot" của trường này. Trong năm 2020 và theo thực tế năm nay, số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào nhóm ngành này của trường rất đông và điểm chuẩn cho các phương thức đã xét vừa qua, điểm chuẩn của nhóm ngành kinh tế vẫn nằm trong top đầu.
"Theo thống kê, các công việc mang tính linh hoạt cao là một trong những nhân tố kinh tế - xã hội tác động vào xu hướng việc làm sau đại dịch (nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới), từ đó nhóm ngành kinh tế, nổi bật là digital marketing (truyền thông số, tiếp thị số, tiếp thị trên nền tảng số...) sẽ là nhóm ngành rất cần thiết và cực hot.
Nhu cầu xây dựng các phương pháp tiếp cận thông minh, hiệu quả đến khách hàng thay cho hình thức truyền thống do mạng xã hội và tương tác online ngày càng được sử dụng phổ biến, nhất là các thế hệ trẻ (Gen Z, 9X, 200X)" - bà Tú nhận định.
Tương tự, ThS Nguyễn Anh Vũ - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cũng cho rằng rõ ràng đại dịch COVID-19 đang tác động tới đời sống xã hội trên mọi khía cạnh, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu nhân lực nói chung cũng như nhân lực khối ngành kinh tế nói riêng.
"Tuy nhiên, như mọi biến cố khác, đại dịch rồi sẽ qua đi, đặc biệt là với vắc xin và những thành tựu y học, kinh tế và những khía cạnh khác của đời sống xã hội sẽ trở lại trạng thái "bình thường mới", nhu cầu tuyển dụng sẽ gia tăng trở lại.
Nhưng đại dịch COVID-19 vẫn để lại dấu ấn làm thay đổi sâu sắc hành vi và thái độ của người tiêu dùng dẫn đến sự phát triển của các lĩnh vực thương mại điện tử, digital marketing, Fintech, chuỗi cung ứng và hệ thống logistics cũng sẽ được mở rộng đến người tiêu dùng cuối cùng. Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp sẽ diễn ra nhanh hơn, nơi làm việc sẽ có khuynh hướng phân tán hơn thay vì tập trung như trước đây" - ông Vũ dự báo.
Cần những phẩm chất mới
Theo các chuyên gia, bối cảnh mới sau đại dịch đòi hỏi nhân lực trong lĩnh vực kinh tế cần có những phẩm chất mới như am hiểu về công nghệ và ứng dụng số hóa trong kinh doanh, kỹ năng làm việc nhóm, tính tự giác và khả năng làm việc độc lập...
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: "Các ngành nghề kinh tế nói chung đang ngày càng phát triển đa dạng và sự xuất hiện của đại dịch đã tạo ra nhiều sự thay đổi.
Nhưng điều quan trọng là các em cần rèn luyện các kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi, tăng cường kỹ năng ngoại ngữ, tư duy độc lập, kỹ năng làm việc nhóm cùng với sự sẵn sàng đón nhận quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ..., đó là những điều các em cần quan tâm ngay lúc này".
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - khẳng định: "Sau đại dịch, nền kinh tế sẽ trỗi dậy rất nhanh, kéo theo nhu cầu việc làm tăng đáng kể, đặc biệt với khối ngành kinh tế. Đây là cơ hội vàng cho các bạn theo học nhóm ngành này. Để khẳng định được vị thế thì bản thân người học phải nỗ lực không ngừng học hỏi, trang bị kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng. Đặc biệt, các bạn trẻ phải am tường về công nghệ...".
Nên lựa chọn ngành nghề theo sở thích, năng lực
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khuyên: "Các em nên lựa chọn ngành nghề dựa theo sở thích, năng lực và quyết định của bản thân, không nên dựa vào những yếu tố mang tính chất thời điểm. Chẳng hạn đại dịch COVID-19 hiện nay chỉ là những cú sốc ngắn hạn. Đại dịch không chỉ gây khó khăn cho nhóm ngành kinh tế, mà sự thật là cả xã hội và tất cả mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng.
Vì vậy, chúng ta không nên quan trọng hóa những tác động của dịch bệnh lên quyết định lựa chọn ngành nghề trong tương lai. Lựa chọn ngành nghề là quyết định dài hạn của tương lai, nên chúng ta cần có lập trường vững vàng, lắng nghe sở thích và nguyện vọng, năng lực của bản thân để quyết định".
Hơn 500 câu hỏi gửi đến buổi giao lưu trực tuyến
Đến 11h ngày 30-7, hơn 500 câu hỏi, thắc mắc của thí sinh và phụ huynh đã gửi đến chương trình Tư vấn trực tuyến: "Chọn trường đại học nào trong nhóm ngành kinh tế?" trên tuoitre.vn. Các chuyên gia đã 'chạy đua' tư vấn cặn kẽ cho thí sinh. Thí sinh có thể theo dõi các thông tin liên quan trên tuoitre.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận